Qua mặt chính quyền, độc chiếm đất hương hỏa xây 'biệt phủ'

30/07/2020 07:31 GMT+7

Một mảnh đất là gia sản của cha ông để lại được 6 người con trong một dòng họ ở Hà Tĩnh lập biên bản thỏa thuận thống nhất làm nơi thờ cúng tổ tiên, nhưng một người trong số họ độc chiếm đất làm của riêng.

Đất chung bị độc chiếm

Theo đơn phản ánh của ông Bùi Quốc Chính (53 tuổi, ngụ Q.Đống Đa, Hà Nội) gửi tới Báo Thanh Niên, suốt gần 2 năm nay, ông cùng người bố là ông Bùi Tử Liêm đi gõ cửa khắp nơi để đòi lại mảnh đất hương hỏa bị một người con dâu của dòng họ độc chiếm làm tài sản riêng. Khi sự việc chưa được giải quyết thì ông Liêm qua đời.
Theo ông Chính, ông Bùi Tử Huy và vợ là bà Bùi Thị Huyên (ông bà nội của ông Chính) cùng ông Bùi Cương (em ruột ông Huy) tạo dựng, sinh sống tại 3 thửa đất 774 (564 m2), 775 (612 m2) và 861 (545 m2), được thể hiện rõ tại tờ bản đồ số 5, bản đồ 299, đăng ký ruộng đất năm 1986. Các thửa đất này nằm ở thôn Tân Phúc, xã Thạch Khê, H.Thạch Hà, Hà Tĩnh. Sau khi mất, vợ chồng ông Huy và ông Cương không để lại di chúc. Ngày 10.8.1993, ông Bùi Tử Liêm (con trai cả của ông Huy) và ông Bùi Tử Diệm (em trai ông Liêm) cùng 4 đồng thừa kế hợp pháp khác trong gia đình đã thống nhất lập một biên bản thỏa thuận giữ lại 3 lô đất để làm nơi thờ cúng tổ tiên.
Bản thỏa thuận nêu rõ: “Nay để lại lập nhà thờ cúng tế và lưu niệm. Nếu sau này quy hoạch nhà nước thay đổi, đất đai mà có đền bù thì quyền đó những người có tên trên được hưởng đều với nhau. Nếu sau này người nào qua đời trước thì con người đó được thừa hưởng phần quyền lợi của cha mẹ mình... Thỏa thuận này được coi như bản thừa kế chính thức, nếu thay đổi phải có bàn bạc, nhất trí của các thành viên nói trên”. Bản thỏa thuận được giao cho 6 thành viên đồng sở hữu, mỗi người giữ một bản và đã được chính quyền xã Thạch Khê đóng dấu xác nhận.
Trước đó, do hoàn cảnh, gia đình phải bán ngôi nhà đang ở nên vợ chồng ông Bùi Tử Diệm (1 trong 6 người đồng sở hữu khu đất) xin phép được về sinh sống trên mảnh đất hương hỏa và được những người trong dòng họ đồng ý. Thế nhưng, sau khi ông Diệm qua đời, vợ ông này là bà Trương Thị Xuân đã đơn phương “xé toạc” bản thỏa thuận của anh em dòng họ, làm các thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) để chiếm đoạt gần hết số tài sản nêu trên. “Bà Xuân đã âm thầm làm đơn đề nghị UBND xã Thạch Khê về đo đạc, thẩm định nguồn gốc đất và được UBND H.Thạch Hà cấp sổ đỏ vào năm 2016. Trong tổng số 2.299,9 m2 đất bà Xuân được cấp thì có gần một nửa diện tích là đất nằm trong bản thỏa thuận của dòng họ bị bà này độc chiếm”, ông Chính bức xúc nói.
Sau khi được cấp đất, bà Xuân cùng con trai là Bùi Văn Liệu tiến hành đầu tư xây dựng “biệt phủ” có tường bao xung quanh. Phát giác việc làm của người em dâu, ông Liêm và các đồng thừa kế đã làm đơn yêu cầu UBND xã Thạch Khê đình chỉ thi công. Thế nhưng, UBND xã Thạch Khê đã không thực hiện, với lý do: “Đất đã có sổ đỏ, UBND xã không có chức năng đình chỉ thi công công trình”. Ông Liêm tiếp tục làm đơn đề nghị UBND H.Thạch Hà hủy quyết định cấp sổ đỏ cho bà Xuân vì xâm hại nghiêm trọng đến quyền lợi của những người thừa kế.

Chính quyền cũng là nạn nhân?

Trao đổi với PV, ông Hồ Tiến Thắng, cán bộ địa chính xã Thạch Khê, cho biết Hội đồng tư vấn đất đai của xã khi xây dựng hồ sơ trình cấp có thẩm quyền thẩm định cấp sổ đỏ cho bà Xuân đã không nắm được bản thỏa thuận vào ngày 10.8.1993 của các đồng sở hữu khu đất.
“Do không nắm được bản thỏa thuận nên xã và phòng chuyên môn cấp trên không biết để làm căn cứ xem xét việc cấp sổ đỏ cho bà Xuân. Sai sót này chúng tôi cũng đã có văn bản báo cáo gửi huyện từ năm 2018. Chúng tôi cũng 2 lần tổ chức hòa giải nhưng bất thành vì bên bị đơn không hợp tác. Vì chưa làm được với các bên nên xã chưa có kiến nghị thu hồi sổ đỏ của bà Xuân. Nếu muốn rõ hơn thì anh phải hỏi chủ tịch”, ông Thắng nói.
Mặc dù PV đã 3 lần đến trụ sở UBND xã Thạch Khê để tìm gặp Chủ tịch UBND xã này là ông Phan Xuân Mậu để tìm hiểu sâu hơn về sự việc nhưng ông Mậu đều bận họp. PV liên lạc qua số điện thoại của ông Mậu nhiều lần nhưng không bắt máy. Khi liên hệ với văn phòng UBND xã để đặt lịch làm việc thì được trả lời lịch họp của ông Mậu kín đến hết tuần, phải chờ đến ngày 3.8.
Ngoài độc chiếm gần như toàn bộ 3 thửa đất đồng sở hữu của những người trong dòng họ, bà Xuân còn bị ông Chính tố cáo khai man hồ sơ để hợp thức hóa thửa đất 762 nằm kề đó.
“Thửa đất này có tổng diện tích hơn 1.000 m2, trước đây là nhà kho của hợp tác xã thuộc sở hữu của nhà nước. Tuy nhiên, bà Xuân đã cố tình khai là đất ông cha để lại để đưa vào hồ sơ xin cấp sổ đỏ. Và hiện nay thửa đất này nằm trong sổ đỏ của bà Xuân”, ông Chính nói.
Trả lời về tố cáo này, ông Hồ Tiến Thắng cho rằng thửa đất 762 đã được chính quyền địa phương cấp quyền sử dụng đất cho một người và người này sau đó đã chuyển nhượng lại cho vợ chồng bà Xuân. Tuy nhiên, khi PV đề nghị được xem các giấy tờ liên quan đến quá trình cấp đất của thửa 762 thì ông Thắng bảo... không có.
Liên quan đến sự việc này, ông Nguyễn Anh Tùng, quyền Trưởng phòng TN-MT H.Thạch Hà, cho hay do ông vừa mới được bổ nhiệm nên chưa nắm rõ được hồ sơ vụ việc và hẹn sẽ trả lời sau.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.