Đó là nhận định của ngân hàng Goldman Sachs. Giá dầu vẫn chưa thôi đà lao dốc và chuyện giá tăng đến hơn 34 USD/thùng cuối tháng 1 chỉ là một đợt phục hồi nhỏ.
Ảnh: Shutterstock |
Các doanh nghiệp uy tín Phố Wall tin rằng giá dầu sẵn sàng để giảm xuống đến mức đáy mới dưới 26 USD/thùng, mặc cho Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) sắp họp để bàn chuyện cứu giá dầu bằng cách giảm sản lượng.
“Có thể đã là quá muộn để các nhà sản xuất của OPEC ngăn đà lao dốc trong giá cả dầu thô”, giới phân tích thuộc ngân hàng Goldman Sachs viết trong một báo cáo nghiên cứu công bố đầu tháng này, theo CNN. Ngân hàng Mỹ chỉ ra rằng chuyện cắt giảm hạn ngạch thực tế sẽ mất khá lâu để thành hiện thực, trong khi các kho trữ trên thế giới đang dần “ngập" trong dầu thô.
Dự báo hoài nghi từ ngân hàng Goldman Sachs và các chuyên gia quan sát giá dầu khác đã khiến "vàng đen" hạ giá 6% trong ngày 1.2, giao dịch ở mức 31,75 USD/thùng.
Giá dầu giảm là tin tốt với người dân Mỹ, những người lái xe mong chờ giá cả niêm yết tại các trạm xăng xuống thấp hơn. Hôm 1.2, giá trung bình cho mỗi gallon xăng ở Mỹ chỉ còn 1,79 USD, giảm từ mức 2,06 USD/gallon cách đây một năm.
Song nếu giá dầu tiếp tục đi xuống, nó sẽ khiến Phố Wall lo ngại và làm giảm tiếp giá trị danh mục đầu tư của người Mỹ. Giới đầu tư lo lắng về giá dầu trong thời gian gần đây, khi giá cổ phiếu di chuyển gần như trùng khớp hoàn toàn với diễn biến dầu thô trong tháng 1 qua.
Dù tổng thể, giá dầu rẻ được xem là tin vui đối với nước Mỹ, các nhà đầu tư đã và đang nhìn vào mặt tiêu cực, trong đó có chuyện lợi nhuận năng lượng sụt giảm, các hãng dầu khí phá sản và bất ổn tại những thị trường mới nổi như Brazil.
Giá dầu và thị trường chứng khoán đã tăng đáng kể từ ngày 20.1. Tuần trước, dầu tăng đáng kinh ngạc 33%, đến mức 34,82 USD/thùng từ chỉ 26,19 USD/thùng. Chuyện dầu tăng giá một phần được thúc đẩy bởi kỳ vọng cho rằng các thành viên OPEC sẽ tổ chức một cuộc họp khẩn cấp và đồng ý phối hợp cắt giảm hạn ngạch.
Bộ trưởng Năng lượng Nga cho hay các nhà sản xuất dầu trong và ngoài OPEC đang nhắm đến mức giảm 5% sản lượng dầu thô. Cùng thời điểm, nguồn tin từ Vùng Vịnh nói với hãng tin CNN rằng các thành viên trong khu vực này “sẵn sàng làm bất cứ điều gì để ổn định thị trường” và “tất cả các lựa chọn đều đang để ngỏ”. Đây là thông tin cho thấy Ả Rập Xê Út, nước có tiếng nói lớn trong OPEC, có thể bắt đầu thay đổi chiến lược.
Dù vậy, giới phân tích thuộc Goldman Sachs viết trong báo cáo: “Chúng tôi tiếp tục cho rằng chuyện phối hợp giảm sản lượng rất khó xảy ra và điều này cuối cùng sẽ thất bại”.
Ngân hàng trên cho hay từ bỏ chiến lược lúc này sẽ gây tác dụng ngược cho OPEC, bằng cách cho phép sản lượng dầu của Mỹ, yếu tố vốn đang giảm dần, tăng trở lại. Điều này có được là vì các hãng dầu đá phiến Mỹ, những công ty góp phần vào sự bùng nổ năng lượng ở nước này, có thể nhanh chóng tăng hạn ngạch khi giá cả khởi sắc.
“Cắt giảm sản lượng lúc này sẽ như vẽ một con đường sống cho giới sản xuất dầu đá phiến Mỹ và các nhà sản xuất khác không là thành viên của OPEC. Có 0% khả năng OPEC thay đổi sản lượng”, Joe McMonigle, cựu chuyên gia Bộ Năng lượng kiêm nhà phân tích nhóm nghiên cứu Potomac Research Group nói.
Bình luận (0)