Qua Nhật Bản học phòng bệnh lối sống

30/11/2019 07:53 GMT+7

Tập thể dục, khám sức khỏe , ăn thử bữa ăn học đường, giao lưu văn hóa... những người trẻ Việt Nam đang được trải nghiệm nhiều chương trình trong chiến lược phòng bệnh lối sống ở Nhật Bản.

14 đại biểu trẻ Việt Nam đang có mặt ở Nhật Bản tham gia khóa học Phòng chống các bệnh liên quan đến lối sống, thuộc chương trình Đồng sáng tạo tri thức trẻ do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức.

Bài tập thể dục quốc dân

Câu lạc bộ Hojo-Kita Seniors, TP.Ogori, tỉnh Fukuoka chào đón chúng tôi bằng 2 bài tập thể dục, một bài của riêng TP.Ogori, còn lại được coi như “bài tập thể dục quốc dân”, bởi tất cả người Nhật đều biết và được học, từ khi vào tiểu học. Không phải là một việc làm tùy hứng, việc vận động, cụ thể là tập thể dục ở nước Nhật được xem là một điều hiển nhiên, với đầy tinh thần trách nhiệm.
Nhạc mở lên, những cụ già là người đứng đầu (leader) hào hứng vừa tập bài thể dục quen thuộc, vừa đếm để các bạn trẻ Việt Nam học theo. Ông Sakata Hitoshi, Ban Sức khỏe, Phòng Y tế phúc lợi TP.Ogori, cho hay việc triển khai những chương trình toàn dân tập thể dục được chia thành các giai đoạn, theo 7 khu trường học của TP. Những leader sẽ có cách để kêu gọi cộng đồng cùng tham gia đông đảo. Đặc biệt, tất cả chương trình này đều có quận trưởng tiên phong.
Khi chúng tôi tới thăm và làm việc tại Bệnh viện Thánh Maria, đáng chú ý là nhiều y tá, nhân viên ở đây không đứng hay ngồi yên khi làm việc, chốc chốc họ đi lại, lắc hông, xoay tay, thậm chí khi giải lao họ tưởng tượng mình đang chơi một trò bóng ném với đồng nghiệp để vận động toàn thân. Chị Fukui Takudo, Trưởng phòng Y tế, Khoa Bệnh lối sống bệnh viện này, nói: “Vận động mọi lúc, mọi nơi là một trong những cách quan trọng để phòng bệnh liên quan lối sống”.

Trải nghiệm khám sức khỏe định kỳ tại Nhật

Sau trải nghiệm tập thể dục, thăm các trung tâm tư vấn dinh dưỡng, trung tâm cộng đồng, các đại biểu Việt Nam được trực tiếp khám sức khỏe định kỳ tại Nhật để hiểu hơn về quy trình này. Sau 3 tuần, kết quả khám sức khỏe này được trả lại cho mỗi người, với những phân tích của các bác sĩ.
Ông Takayama Tsuyoshi, Giám đốc Trung tâm khám sức khỏe tổng hợp quốc tế Fukuoka, cho biết điều quan trọng của khám sức khỏe đất nước này, là không chỉ cho ra kết quả, nó còn là cách nâng cao nhận thức cho người dân về sức khỏe. Ông chia sẻ: “Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Việc khám sức khỏe định kỳ mỗi năm một lần được coi là trọng trách, nghĩa vụ của mỗi công dân. Đặc biệt, với người từ 40 tuổi trở lên việc khám này càng cần thiết hơn. Người phát hiện ra bệnh bắt buộc phải điều trị, không được phớt lờ”…

Những bài học thiết thực cho người trẻ

Mỗi người trẻ Việt Nam đều rút ra được những kinh nghiệm riêng cho mình sau khóa học. Anh Trần Ngọc Hân, giảng viên Trường CĐ Y tế Kiên Giang, cho hay hình thức xe khám sức khỏe lưu động hiện đại, có thể di chuyển về tất cả địa phương của Nhật Bản để phục vụ đông đảo người dân là một giải pháp hay trong phòng chống bệnh lối sống.
Qua Nhật Bản học phòng bệnh lối sống1

Bạn trẻ Việt Nam tập thể dục cùng người dân Nhật Bản

Ảnh: Bảo Vy

Còn anh Hoàng Tiến Hưng, Bí thư Đoàn thanh niên Tập đoàn bưu chính viễn thông Việt Nam, ấn tượng với những nhà văn hóa ở các quận của Nhật, từ người trẻ đến những cụ già cao tuổi luôn có ý thức vận động, rèn luyện sức khỏe.
Trong khi đó, anh Nguyễn Đình Khiêm, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh đoàn Đắk Lắk, cho hay: “Không chỉ học được những kinh nghiệm phòng bệnh lối sống ở nước bạn, tôi còn học được nhiều điều từ chính cách sống, làm việc của người Nhật. Họ cẩn thận, tỉ mỉ, chỉn chu trong mọi công việc, dù là nhỏ nhất”.
Ông Urabe Daisaku, Trưởng phòng Quan hệ quốc tế, Bệnh viện Thánh Maria, chia sẻ: “Có thể bây giờ nhiều người trẻ chưa cảm nhận được hậu quả của bệnh lối sống, nhưng các bạn có thể quan sát từ những người trung niên trở đi, như bố mẹ mình. Xã hội ngày càng hiện đại, nhân viên văn phòng không còn phải thường xuyên di chuyển nhiều như trước vì các bạn có thể ngồi gọi điện, gửi email. Nhưng, các bạn có thể vận động, hãy bắt đầu từ những điều nhỏ như đi bộ, chạy bộ, đá bóng”.
Ông Takayama Tsuyoshi, Giám đốc Trung tâm khám sức khỏe tổng hợp quốc tế Fukuoka, cho biết bệnh liên quan lối sống (như ung thư, bệnh tim, đột quỵ, tiểu đường…) xảy ra do lặp đi lặp lại những thói quen sinh hoạt không tốt trong đời sống thường ngày.
Tại Nhật, chiến dịch Kenkounippon 21 được đề ra nhằm hướng đến cải thiện các bệnh liên quan lối sống. Trong đó, 9 lĩnh vực đối tượng và mục tiêu chính của chiến dịch là dinh dưỡng, vận động, nghỉ ngơi, thuốc lá, đồ uống có cồn, răng, bệnh tiểu đường, bệnh tim mạch, ung thư.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.