Qua quận 8 tìm ăn hủ tiếu hồ

11/06/2013 13:14 GMT+7

Hủ tiếu hồ là món ăn khá phổ biến trong cộng đồng người Tiều. Tuy nhiên món "bánh canh" này (cách gọi vui của một số thực khách) lại rất khó tìm thấy ở Sài Gòn. Muốn ăn bạn phải chạy vào Chợ Lớn hoặc qua tới quận 08. Không biết tên gọi "hủ tiếu hồ" có từ đâu, chứ món này lại chẳng liên quan gì đến cọng hủ tiếu cả. Trong món này, “cọng” hủ tiếu thực chất là những miếng bột mỏng gần như bánh ướt nhưng dày hơn và có hình vuông. Thay vì ăn chung với thịt heo, gà hay cá như các món mì, hủ tiếu khác thì hủ tiếu hồ chỉ dùng chung với lòng heo khìa cùng cải chua. Hình thức thú vị này có lẽ do thói quen dùng cải chua để hãm béo của người Tiều (tương tự như món cháo Tiều trong Chợ Lớn). Còn chữ "hồ" là do trong nguyên bản, phần nước dùng có pha thêm một chút bột năng để có được độ hồ. Cách nấu đúng của hủ tiếu hồ là cọng bánh nấu chung với nước lèo, khách đến là múc ra bán luôn (như món bánh canh của người Việt vậy). Còn hiện nay một số quán đã có cải biên đôi chút, không dùng bột năng, cũng như khách gọi thì mới bắt đầu làm chứ không nấu sẵn nữa.

Qua quận 8 tìm ăn hủ tiếu hồ 1 
Hủ tiếu hồ thường ăn chung với lòng heo khìa cùng cải chua

Hủ tiếu hồ là món ăn khá phổ biến trong cộng đồng người Tiều. Tuy nhiên món "bánh canh" này (cách gọi vui của một số thực khách) lại rất khó tìm thấy ở Sài Gòn. Muốn ăn bạn phải chạy vào Chợ Lớn hoặc qua tới quận 08.

Không biết tên gọi "hủ tiếu hồ" có từ đâu, chứ món này lại chẳng liên quan gì đến cọng hủ tiếu cả. Trong món này, “cọng” hủ tiếu thực chất là những miếng bột mỏng gần như bánh ướt nhưng dày hơn và có hình vuông. Thay vì ăn chung với thịt heo, gà hay cá như các món mì, hủ tiếu khác thì hủ tiếu hồ chỉ dùng chung với lòng heo khìa cùng cải chua. Hình thức thú vị này có lẽ do thói quen dùng cải chua để hãm béo của người Tiều (tương tự như món cháo Tiều trong Chợ Lớn).

Còn chữ "hồ" là do trong nguyên bản, phần nước dùng có pha thêm một chút bột năng để có được độ hồ. Cách nấu đúng của hủ tiếu hồ là cọng bánh nấu chung với nước lèo, khách đến là múc ra bán luôn (như món bánh canh của người Việt vậy). Còn hiện nay một số quán đã có cải biên đôi chút, không dùng bột năng, cũng như khách gọi thì mới bắt đầu làm chứ không nấu sẵn nữa.

Quán hủ tiếu hồ này nằm trên con đường Đinh Hòa ở quận 08. Để đến được chỗ này bạn phải chạy xuống gần bưu điện Chợ Lớn, rồi chạy qua cầu Chà Và để đi qua quận 08. Qua đến đây bạn sẽ cảm nhận được một không gian phố thị hoàn toàn khác, phần nào gợi nhớ cảnh quan "trên bến dưới thuyền" của Sài Gòn ngày nào: những con sông, kênh rạch, cảnh buôn bán, sinh hoạt trong một tổng thể đặc trưng sông - bến chợ - phố chợ ven sông - làng ven sông - cầu - ghe - thuyền... (*)

 Qua quận 8 tìm ăn hủ tiếu hồ 2
Tô hủ tiếu sa tế có mùi vị thanh dịu mà không kém phần nồng nàn, mang đủ vị cay, chua,
béo, mặn, ngọt độc đáo mà có lẽ rất khó tìm thấy ở các món hủ tiếu khác

Quán có tên đầy đủ là Đỗ Khôn - Huy Đạt. Theo lời chủ quán thì "Đỗ Khôn" là tên cha ông, còn "Huy" và Đạt là tên hai đứa con của ông. Năm 15 tuổi ông Đỗ Khôn theo gia đình di cư sang vùng Chợ Lớn, rồi khởi nghiệp với xe hủ tiếu hồ ngay cầu Ba Cẳng ở gần chợ Kim Biên.

Nhân đây cũng xin nói thêm một chút về địa danh có trong câu nói dân gian "dân chơi cầu Ba Cẳng" này. Theo lời nhà văn Trương Đạm Thủy thì ở vùng quận 06 - Chợ Lớn cách đây mấy mươi năm có một cây cầu bằng sắt có hình dạng rất lạ với ba chân. Vì cầu chẳng có cái tên chính thức nào như cầu Bông, cầu Kiệu, cầu Nhị Thiên Đường, cầu Tân Thuận... nên người dân lấy hình mà đặt tên, tức cầu Ba Cẳng. Vị trí cây cầu độc đáo này ở gần phía sau chợ Kim Biên, đầu đoạn rạch Bãi Sậy, nay lấp thành đường Bãi Sậy và Phạm Văn Khoẻ quận 06. Cầu Ba cẳng nằm ở khúc rẽ phải ra kênh Tàu Hủ, hai chân nằm ở bến Bãi Sậy và bến Nguyễn Văn Thành và chân kia ở bến Vạn Tượng. Đoạn cuối rạch này vẫn chưa lấp, và cầu tồn tại đến năm 1990 thì bị sập.

Ngày ngày dân bụi đời ưa tụ tập ở đó để cờ bạc, đá gà, ăn nhậu gây mất trật tự và vẻ khó coi cho khu Chợ Lớn mới. Vào ban đêm dân chơi thường coi cầu Ba Cẳng là điểm hẹn để vui chơi. Vì thế mà cái tên cầu Ba Cẳng lần hồi đã trở nên nổi tiếng. Dân chơi nào bị coi là chơi không đẹp liền bị thiên hạ gán cho cái tên "dân chơi Cầu Ba Cẳng".

 Qua quận 8 tìm ăn hủ tiếu hồ 3
Mì khô thập cẩm với cọng mì dẹt hiếm thấy ở Sài Gòn

Sau hơn 40 năm mưu sinh cùng cha bằng xe hủ tiếu hồ ở chân cầu Ba Cẳng, ông Đỗ Khiêm mới mở tiệm bán trong đình Bình Phú được gần 10 năm, rồi sau mới dời về tiệm bây giờ trên đường Đình Hòa (quận 08). Bên cạnh món hủ tiếu hồ là chủ lực, quán còn có các món đặc trưng khác của người Tiều như hủ tiếu sa tế và mì. Và hầu hết đều xoay quanh thành phần chính là lòng heo, bao gồm gan, phèo, bao tử...

Nếu như hủ tiếu sa tế cuốn hút thực khách bởi mùi thơm hòa quyện của sa tế cay cay và đậu phộng béo ngậy, thì ở món mì bạn sẽ rất bất ngờ bởi cọng mì theo hình dẹp chứ không phải tròn như thường thấy. Ăn vào dai sừn sựt nhưng ngon không kém cọng mì trứng. Để cảm nhận đủ vị ngon của món mì này, bạn nên gọi một tô khô thập cẩm.

 

Một chỗ ăn ngon và xứng đáng để.. đi xa. Nhiều khi, ăn cũng là cách để hồi tưởng, hay là bất giác tìm lại một xúc cảm xưa cũ nào đó. Của một diện mạo Sài Gòn "trên bến dưới thuyền" mà tưởng như ai đó đã lãng quên...

P.V

* Trích từ bút ký Hồn vía Sài Gòn đang mất, Nguyễn Thị Hậu (2013)

Qua quận 8 tìm ăn hủ tiếu hồ 4 

Hủ tiếu hồ Đỗ Khôn - Huy Đạt
26 Đình Hòa, phường 13, quận 08
Mở cửa: 6h30 sáng đến 11h30 trưa
Giá: Hủ tiếu hồ (35.000đ/tô), hủ tiếu sa tế (35.000đ/tô), mì khô thập cẩm (35.000đ/tô)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.