Nằm cách Hà Nội chưa tới sáu chục cây số, Hải Dương từng được xem là phên giậu phía đông của kinh thành Thăng Long trước đây, nay là thành phố định vị trong vùng tam giác kinh tế quan trọng nhất ở phía bắc là Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Dù đã được công nhận là đô thị loại 1 (thuộc tỉnh), nhưng thành phố hơn 500.000 dân này vẫn không quá ồn ào, tấp nập.
Người dân Hải Dương dường như vẫn giữ nguyên nếp sống của những chú chim sâu, ngủ sớm dậy sớm mỗi ngày. Nên khi tôi đến nơi lúc gần 12 giờ đêm, thì với Hải Dương đã là khuya mất rồi.
Nhưng cũng cả ba lần, tôi đều được mấy anh chị học viên chờ để đón. Chờ đón thầy giáo đến tận đêm khuya, chỉ là để chào thầy cho đúng phép cư xử. Và một chút quan tâm, sợ thầy đến khuya nên đói bụng rồi không biết đường tìm chỗ ăn.
Thú thật, tôi không quá lạ với việc học viên chu đáo với thầy cô vì một trong hai lẽ. Hoặc là vì “phải chu đáo”, hoặc đơn giản là vì chu đáo. Khóa học tôi sẽ giảng, nói cho vui, là khóa học “phi lợi nhuận”.
Học viên là công chức của một đơn vị, họ thường quen với những khóa học theo yêu cầu để đạt các chứng chỉ nhằm đáp ứng tiêu chuẩn ngạch bậc công tác. Lên lương lên chức thì không thể thiếu những chứng chỉ ấy. Thế nên, những khóa học như thế thường cũng gắn liền với áp lực thi, kiểm tra khá căng thẳng. Học viên thường cũng phải loay hoay với chuyện “phải chu đáo” với thầy cô. Nhưng khóa học này thì không, chỉ là một khóa học mở rộng hiểu biết, không liên quan gì đến áp lực tiêu chuẩn hay kiểm tra gì cả.
Trước nhà khách tôi ở có mấy chỗ cắt tóc bên lề đường, không biết gọi là gì cho đúng. Quán hay quầy thì cũng không phải. Chỉ đơn giản là một cái dù che nắng, một cái kệ cái gương dựa vào cột điện, gốc cây. Và mấy anh thợ hớt tóc già trẻ khác nhau. Tôi bắt chuyện với một anh trạc tuổi tôi, mặc bộ đồ bộ đội, gương mặt rắn rỏi với nụ cười dễ mến. Ngày cuối tuần thì cắt được khoảng hơn hai chục khách, ngày trong tuần thì ít hơn. Thế là đủ vui, đủ sống. Hỏi ra biết tôi giáo viên trong nam ra dạy, anh vui vẻ mời: “Chiều về trời mát thầy ra tôi cắt tóc miễn phí tặng thầy làm quen...”!
Buổi cuối cùng, một anh học viên đã khá lớn tuổi chở tôi về nhà khách. Xe trên Hà Nội xuống chờ sẵn để đưa tôi ra sân bay Nội Bài. Tôi chào anh học viên rồi lên phòng lấy hành lý, cũng mất khá lâu với việc thu dọn hành lý trong phòng. Lúc xuống vẫn thấy anh học viên còn chờ thầy, là để chào thầy lần nữa và tiễn thầy lên xe. Tôi ra đến Nội Bài, rồi đáp ở Tân Sơn Nhất đều nhận tin nhắn học viên hỏi thầy đã đến chưa.
Mấy buổi sáng ở Hải Dương, tôi có dịp ăn sáng và cà phê cùng học trò ở một quán nhỏ nơi góc đường. Học trò cũ có, học viên mới có. Mấy lớp sau thì có thêm học viên lớp trước tới cà phê cho vui. Tôi nhìn quanh, Hải Dương đang trong giai đoạn khẩn trương chỉnh trang thành phố, làm đẹp vỉa hè để chuẩn bị cho sự kiện công bố đạt tiêu chuẩn thành phố loại 1. Tôi thầm nghĩ, nếu có là đô thị loại nào đi nữa thì cứ ước gì người Hải Dương giữ mãi được cái nếp chu đáo đặc biệt trong tâm tính con người.
Tôi đi nhiều nơi, nhận được nhiều sự chu đáo từ học trò như một ân huệ của nghề. Hải Dương không phải là nơi duy nhất tôi nhận được ân huệ đó. Nhưng thú thật tôi không khỏi ngạc nhiên với sự chu đáo lạ lùng đến thế.
Cả ba lần rời Hải Dương ra sân bay Nội Bài, tôi đều lỉnh kỉnh mấy gói quà quê đặc sản của học trò tặng. Là bánh đậu xanh, là bánh khảo, là bánh gai, là mắm cáy. Có người gửi quà ở cổng bảo vệ cơ quan. Có người gửi ở bảo vệ nhà khách. Có người trực tiếp gặp được thầy để tặng. Cũng hơi phiền chút, thậm chí còn bị an ninh sân bay bắt mở kiểm tra hũ mắm cáy, rồi phải cam đoan mới được mang đi. Quà quê đặc sản, nhưng sự chu đáo của người Hải Dương mới là món đặc sản đích thực để nhớ về.
Bình luận (0)