Quá tải không gian hồ Gươm

09/10/2014 06:00 GMT+7

' Hồ Gươm như viên ngọc quý dễ vỡ, nhưng hiện lại đang quá tải, đụng độ với lợi ích nhóm nên khó có giải pháp', đó là ý kiến chuyên gia ở hội thảo Bảo tồn và phát huy giá trị không gian kiến trúc - văn hóa lịch sử hồ Hoàn Kiếm.

>> Nhà quanh Hồ Gươm chỉ được xây đến 4 tầng
>> Xây trung tâm thương mại, khách sạn gần hồ Gươm

Phong cảnh hồ Gươm năm 1954 - Ảnh: Tư liệu
Phong cảnh hồ Gươm năm 1954 - Ảnh: Tư lieu 

Hội thảo diễn ra tại Hà Nội ngày 8.10, do Hội Quy hoạch phát triển đô thị VN, Hội Kiến trúc sư (KTS) VN, UBND Q.Hoàn Kiếm tổ chức.

 

Hồ Gươm là biểu tượng không chỉ của Hà Nội mà còn là của quốc gia. Khu đất ở đó là khu đất vàng. Thực ra bản chất cản trở việc hiện thực hóa những đồ án kiến trúc ở khu vực hồ Gươm được giải là do xung đột giữa các nhóm lợi ích

KTS Hoàng Thúc Hào

Hình dung về không gian ven hồ Gươm đoạn từ quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục đến đền Bà Kiệu qua hội thảo này thật đáng sợ. Đó là khói bụi từ chỗ đỗ taxi, bến xe buýt. Đó cũng còn là những hàng bán túi du lịch, ba lô, va li san sát. Cửa hàng trên phố Hàng Khay làm lu mờ lối vào chùa Vũ Thạch. Cả công sở cũng dang dở…

“Dấu ấn di sản bị lu mờ”

TS-KTS Đào Ngọc Nghiêm không thể quên những phản biện “dày đặc” với các công trình ven hồ của báo chí. Chỉ riêng khách sạn Vàng ven hồ đã nhận được tới hơn 90 bài báo góp ý phản biện mới được xây dựng. Công trình cải tạo khu đất của công ty xe điện từng được mang tên “nhà cá mập”, dù đã xây thô vẫn phải chỉnh sửa nhiều lần. “Ngay trụ sở UBND TP, dù là công trình được xây dựng qua chọn lựa từ phương án thi tuyển quốc gia nhưng mới chỉ xây dựng một phần rồi dừng lại do dư luận cũng như chỉ đạo của Chính phủ yêu cầu phải chỉnh sửa, đề xuất mới, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có lời giải thích thích hợp”, ông Nghiêm, vị KTS trưởng của TP.Hà Nội năm nào, cho biết.

Ông Nguyễn Xuân Anh, một người nghiên cứu đô thị, cũng ái ngại với thực trạng hồ Gươm hiện nay. Ở đó, dấu ấn di sản bị lu mờ. “Công trình phong cách thời Pháp thuộc bị chen lấn lổn nhổn với những kiến trúc thời mở cửa và bị thay đổi mặt tiền khá nhiều do nhu cầu sử dụng. Nhà kèn bị tượng đài Lý Công Uẩn che khuất, tách khỏi quần thể không gian hồ Gươm. Nhà hàng “Hàm Cá Mập” là điểm kết nối hồ Gươm vào khu phố cổ lại có chất lượng thẩm mỹ quá thấp”.

KTS Phạm Thanh Tùng lại lên tiếng vì việc đài phun nước (quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục) hiện giờ quá đơn điệu về hình thức, có lúc có nước, lúc cạn trơ đáy, đầy rác bẩn. Trong khi đó, đáng lý ra nó có thể được cải tạo với những hình thức nhạc nước hấp dẫn hơn.

“Hàm cá mập” đã làm thay đổi phong cảnh hồ Gươm hiện nay - Ảnh: Ngọc Thắng
“Hàm cá mập” đã làm thay đổi phong cảnh hồ Gươm hiện nay - Ảnh: Ngọc Thắng 

KS Nguyễn Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hội Chiếu sáng VN, cũng lắc đầu vì việc chiếu sáng không gian này. “Hiện nay vẫn còn một số công trình kiến trúc quanh hồ Hoàn Kiếm chưa được đầu tư chiếu sáng kiến trúc. Một số tòa nhà cao tầng có thể nhìn thấy từ xung quanh khu vực hồ vẫn chưa được chiếu sáng phần ngọn như tòa nhà Vietcombank, tòa nhà BIDV, tòa nhà Bảo Việt… tạo ra các mảng tối rất lớn trong phạm vi quan sát, làm giảm hiệu quả chiếu sáng. Hệ thống được đấu nối và đi nổi phía ngoài cột đèn cũng như thân cây gây mất mỹ quan và an toàn”, ông Tuấn liệt kê.

Trả lại cho hồ Gươm sự tĩnh lặng, tao nhã

Những mắc mớ trên, theo ông Nguyễn Xuân Anh, phần lớn là bởi sự quá tải của không gian này. Hồ Gươm với không gian hữu hạn của nó, tiếp tục là trung tâm đáp ứng nhu cầu công cộng của một thủ đô lớn gấp 22 lần trước đây 30 năm. “Dải không gian quanh hồ có diện tích khá hạn chế và bị phân mảnh bởi làn giao thông, không thể đáp ứng tổ chức sự kiện lớn tập trung đông người… Còn có một mối lo tương lai, nếu ga tàu điện ngầm đặt tại đây, sẽ như một mũi kim cắm thẳng vào tử huyệt”, ông Xuân Anh đánh giá.

Chính vì thế, theo ông Xuân Anh, trong hiện tại và tương lai, hồ Gươm không nên tiếp tục là trung tâm sự kiện văn hóa lớn của cả TP. Hồ chỉ nên là trung tâm của một phần Hà Nội: lõi nội đô lịch sử. “Cần một không gian khác để giảm tải cho nó, trả lại cho hồ Gươm sự tĩnh lặng, tao nhã vốn có xưa nay”, ông nhấn mạnh.

KTS Vũ Hiệp (Đại học GTVT) cho rằng: “Nếu coi tâm linh - huyền tích là đặc trưng quan trọng của hồ Gươm thì khi quản lý thiết kế đô thị, chúng ta không thể cho phép cửa hàng lấn chiếm và phá vỡ không gian tôn nghiêm các di tích”. Ông đưa ra ví dụ là dãy cửa hàng lấn át đền Bà Kiệu, làm mờ lối vào chùa Vũ Thạch ở Hàng Khay, quán cà phê sát vách đền Lê Thái Tổ.

Nhưng điều đáng buồn là đã có những cuộc thi sáng tạo không gian kiến trúc cho hồ Gươm, song chưa giúp được gì cho hồ. “Cuộc thi có rất nhiều, nhưng sau đó thực hiện thì hầu như chưa. Rất là đáng tiếc. Cái này rất nhạy cảm. Hồ Gươm là biểu tượng không chỉ của Hà Nội mà còn là của quốc gia. Khu đất ở đó là khu đất vàng. Thực ra bản chất cản trở việc hiện thực hóa những đồ án kiến trúc ở khu vực hồ Gươm được giải là do xung đột giữa các nhóm lợi ích”, KTS Hoàng Thúc Hào nói thẳng. Ông Hào cũng là người từng đoạt giải một cuộc thi kiến trúc như vậy và từng được giải Bùi Xuân Phái cho những giải pháp kiến trúc cho thủ đô.

Để phát huy giá trị không gian hồ Gươm, theo ông Hào, cần phát huy giá trị đồng bộ cả về quản lý, quy hoạch tổng thể lẫn điều tiết phát triển kinh tế xã hội. Nếu có được nền tảng đó thì tìm một phương án cụ thể không khó.

“Chúng ta không thể có một không gian lớn cho hàng vạn, hàng triệu người được nhưng có thể tạo một không gian mở liên hoàn, có thể tổ chức nhiều sự kiện một lúc. Như thế hồ Gươm vẫn là của cộng đồng”, ông Hào nhận định. 

Quản lý không đồng bộ

Công tác tổ chức quản lý hiện do nhiều đơn vị thực hiện sẽ dẫn đến sự không đồng bộ nếu không có sự phối hợp. Thí dụ: trong khu vực vườn hoa Lý Thái Tổ, tượng đài vua Lý do Sở VH-TT-DL quản lý, còn vườn hoa do UBND Q.Hoàn Kiếm (trước đây là Sở Xây dựng), chiếu sáng lại do điện lực...

Việc bảo tồn không gian cảnh quan kiến trúc khu vực, trong đó, từng công trình đơn lẻ phải được bảo vệ trong tổng thể chung. Muốn vậy, thì từng công trình cần được nghiên cứu cẩn trọng trước khi quyết định tu bổ, sửa sang hay xây dựng.

Ông Tô Văn Động
(Giám đốc Sở VH-TT-DL Hà Nội)

Với ba cuộc thi kiến trúc và theo suốt quá trình quy hoạch phát triển đã cho chúng ta thấy sự quan tâm của giới KTS trong và ngoài nước cùng toàn xã hội đối với khu vực hồ Hoàn Kiếm. Tuy vậy, trước sức ép mạnh của quá trình đô thị hóa, phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là kinh tế thị trường, việc giữ gìn, quản lý và sử dụng hiệu quả không gian kiến trúc, văn hóa, lịch sử xung quanh hồ Gươm đang đứng trước thách thức không nhỏ và còn nhiều tồn tại.

Ông Dương Đức Tuấn
(Chủ tịch UBND Q.Hoàn Kiếm)

Trinh Nguyễn

>> “Ông Tây” nhặt rác ở Hồ Gươm
>> Vườn tượng Hồ Gươm - Méo mó có hơn không?
>> Thả rùa về hồ Gươm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.