Khi tết đã cận kề thì một trong những câu nói 'cửa miệng' quen thuộc của nhiều người là 'qua tết rồi tính'.
Dân mạng chế ảnh câu nói cửa miệng "qua tết rồi tính" - Ảnh: Fan Page Hội hài hước |
Công việc dồn cục
Câu nói này xuất hiện khắp mọi cuộc trò chuyện, ở bất kỳ tình huống nào. Như Nguyễn Thị Thanh Tuyết, nhân viên Ngân hàng TMCP An Bình TP.HCM, kể: “Suốt thời gian qua cơ thể khó chịu như có bệnh trong người. Nhưng chẳng hiểu sao khi gia đình khuyên đi khám thì mình lại nói: thôi từ từ, qua tết rồi tính”.
Không chỉ Tuyết mà nhiều người cũng thừa nhận có thói quen sử dụng câu nói quen thuộc trên trong những lần nói chuyện với bạn bè. Có ý định học thêm ngôn ngữ thứ hai từ giữa năm, thế nhưng đến thời điểm này Lê Nữ Thảo Nguyên, sinh viên Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM, vẫn chưa đăng ký. Tuy vậy, khi được bạn rủ đăng ký khóa học vừa mở vào đầu tháng 1.2016 thì Thảo Nguyên cũng ậm ừ: “Thôi, qua tết rồi tính”.
Hay Nguyễn Hoàng Tiễn, sinh viên Trường ĐH Văn Lang, cũng muốn đi học đàn guitar, thế nhưng khi tết đã gần đến, tâm trí chàng trai này chỉ muốn về quê, nghĩ đến những kế hoạch vui chơi. Còn riêng việc học đàn, Tiễn bảo: “Qua tết rồi tính”.
Còn rất nhiều câu chuyện như: dù có ý định mua xe, mua tủ lạnh... nhưng lại trì hoãn kế hoạch, để dành tiền tiêu tết rồi “qua tết rồi tính”. Hay như dự định gặp gỡ bạn bè cà phê trò chuyện với nhau, nhưng sau đó hủy hẹn và “chờ qua tết rồi tính, qua tết rồi gặp”. Hoặc muốn học thêm nhiều kỹ năng, nhiều khóa học nhưng cứ lần lữa. Hay như Lê Dương Thương, sinh viên Trường ĐH Sài Gòn, dù thất nghiệp đã lâu, nhưng khi mọi người khuyên, hướng dẫn từ hết công ty này đến công ty khác để xin việc thì cô gái này vẫn bảo: “Thôi, công việc tính sau, làm việc cả đời mà, lo gì. Có gì qua tết rồi tính”.
Việc hôm nay chớ để ngày mai
PGS-TS Huỳnh Văn Sơn, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cũng kể trong thời gian cận tết này, dù đi đâu hay làm gì thì ông cũng gặp những người ở nhiều độ tuổi, nhiều ngành nghề... thích sử dụng câu nói này. Đặc biệt, càng trẻ, người ta càng có xu hướng sử dụng câu này để lý giải cho hành vi lười một chút của ngày hôm nay, quý yêu cảm xúc của mình để tránh những biểu hiện tiêu cực trong ngày giáp tết.
Theo ông Sơn, câu nói “qua tết rồi tính” chính là thói quen của những cá nhân thường không thích lập kế hoạch hay không thích quản lý mình theo thời gian. Điều này phản ánh một suy nghĩ thích tôn trọng cảm xúc, thích tuân theo tự nhiên, thích mọi thứ cứ từ từ... Nó trái với kiểu người khoa học, kiểu cá nhân luôn sống có kế hoạch, luôn tuân thủ những quỹ thời gian mình có và quản lý lịch làm việc hay lịch cá nhân hiệu quả.
Ngoài ra, câu nói cửa miệng trên xuất phát từ nguyên nhân dễ dãi với chính mình và yêu bản thân mình. Từ đó dẫn đến lười biếng, cố tình che đậy sự thật thiếu thực hiện nhiệm vụ. Chưa kể họ có suy nghĩ chưa rốt ráo, chưa quyết, hoặc thiếu sự cam kết với bản thân và công việc, đặc biệt là nuông chiều cảm xúc hiện tại...
Cũng theo ông Sơn thì câu nói “qua tết rồi tính” tưởng chừng đơn giản nhưng lại có thể dẫn đến nhiều hệ lụy khác nhau. “Hệ lụy dễ thấy nhất là trễ nải công việc, phá vỡ quỹ thời gian, kế hoạch và đặc biệt là làm tổn thương người khác và chính mình trong những mối quan hệ. Cụ thể, có không ít cá nhân cứ nói: qua tết rồi tính đã quên đi luôn lời hẹn, quên đi nhiệm vụ, thế là những hệ lụy về công việc đã nhận sẽ xuất hiện. Hay hẹn người nào đó và quên bẵng, thế là dẫn đến những cái nhìn thiếu tích cực về nhau”, ông Sơn phân tích.
Trò chuyện với người viết, nhiều người mong có thể thoát khỏi suy nghĩ “qua tết rồi tính” nhưng lại chẳng biết làm thế nào. Ông Sơn hướng dẫn: “Việc hôm nay chớ để ngày mai chứ huống hồ gì để qua tết. Những gì có thể làm hãy hành động bằng ý chí và cả trái tim, khối óc chứ đừng hẹn hò với chính mình hay đánh đu với thời gian, bởi cuộc sống sẽ không chờ ai mãi. Ngoài ra, tự bản thân mỗi người hãy sửa thói quen này, hãy bắt đầu từ khi nghĩ chứ đừng cho phép mình nói. Lên kế hoạch, tuân thủ hết mình, kiểm tra, giám sát là những điều cần làm để tự điều chỉnh bản thân...”.
Bình luận (0)