Quá trình tạo nên bộ cánh và trái tim xe Piaggio 'Made in Vietnam'

25/06/2018 11:56 GMT+7

Nếu khung vỏ là bộ xương, diện mạo thì động cơ chính là trái tim của bất kỳ chiếc xe nào và chúng tôi đã có dịp mục sở thị dây chuyền sản xuất, lắp ráp các các bộ phận quan trọng cấu thành nên chiếc Vespa/Piaggio tại Việt Nam.

VIDEO: Cận cảnh quá trình sản xuất xe Piaggio, Vespa tại Việt Nam

Trong chuyến thăm nhà máy Piaggio mới đây, chúng tôi đã có dịp tìm sâu hơn quá trình tạo nên những thành phần chính của một chiếc Piaggio, Vespa thay vì “cưỡi ngựa xem hoa” dây chuyền lắp ráp xe thành phẩm như những lần trước đó. Cụ thể, chúng tôi đã tìm hiểu cặn kẽ công đoạn hàn những bộ khung liền vỏ độc đáo của Vespa hay quá trình tạo ra nước sơn bóng bẩy, độc lạ đã tạo nên khác biệt cho những con ong đến từ Ý.

Nằm trên diện tích rộng 4.600 m2, xưởng hàn tại nhà máy Piaggio chia làm 3 dây chuyền riêng biệt sản xuất khung sườn cho Vespa LX, Primavera, Sprint và GTS. Piaggio cho biết, họ đã sử dụng thép gia cường và công nghệ hàn điểm mới để giúp bộ xương xe Vespa đạt tiêu chuẩn chất lượng P&C 2557/2558, ASME, AWS…

Phần khung vỏ liền khối của Vespa tốn nhiều công đoạn sản xuất hơn bình thường
Trong đó, mỗi xe Vespa sử dụng hàng trăm mối hàn điểm, thậm chí cả ngàn mm đường hàn công nghệ MAG với hàng chục công đoạn hàn khác nhau. Cụ thể, công nghệ hàn điểm hoàn toàn mới giúp các mối hàn chắc chắn, ổn định và có tính đồng đều hơn nhờ các máy hàn bán tự động được lập trình để xử lý các chi tiết hàn với chiều dày khác nhau bên cạnh ưu điểm nhanh, không khói bụi thân thiện hơn với môi trường.
Để kiểm soát đầu ra, phân xưởng hàn cũng có phòng kiểm tra chất lượng riêng theo tần xuất của từng ca qua các máy đo 3 chiều nhằm kiểm tra chất lượng mối hàn từ đường kính tới độ lõm, khoảng cách điểm hàn… để đảm bảo tính chính xác cho công đoạn lắp ráp cũng như ổn định, an toàn khi vận hành thực tế.
Khung vỏ hoàn thiện được kiểm tra ngẫu nhiên theo từng ca sản xuất
Những khung vỏ hoàn chỉnh từ xưởng hàn được treo lên giá và chuyển sang dây chuyền mạ bằng băng tải tự động. Đây là dây chuyền khép kín và tự động sử dụng công nghệ mạ nhúng điện âm cực. Các chi tiết được đi qua buồng tẩy với các vòi phun nước nóng/hóa chất nhằm đảm bảo bề mặt sạch sẽ trước khi được nhúng vào bể mạ phốt phát hóa giúp kháng gỉ và tăng cường độ bám cho những lớp tiếp theo.
Buồng làm sạch bề mặt bằng nước nóng, hóa chất với vòi phun áp lực cao
Sau bước này, khung xe được đưa tới bể mạ điện âm cực. Nhờ tác dụng của dòng điện cường độ cao, các hạt sơn phân tán trong nước bám dính đều trên bề mặt khung xe một lớp dày từ 14-18 micron giúp chống gỉ, ăn mòn hóa học và các điều kiện sử dụng khắc nghiệt. Toàn bộ quá trình mạ diễn ra hoàn toàn tự động nhằm đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật cũng như an toàn với con người. Công nghệ mạ nhúng điện âm cực (CED) cũng ít độc hại với môi trường hơn so với công nghệ cũ.
Công đoạn mạ giúp liên kết tốt hơn lớp sơn với thân vỏ và chống gỉ
Phần khung hoàn thiện từ xưởng mạ tiếp tục được đưa tới xưởng sơn làm sạch một lần nữa những đốm bụi li ti hay vết gợn tại phòng chuẩn bị. Các mối ghép được phủ lớp vật liệu đặc biệt nhằm ngăn nước thấm vào bên trong gây ra hiện tượng mọt, gỉ sét thưởng xảy ra tại các dòng xe giá rẻ. Sau bước chuẩn bị là quá trình sơn với lớp lót (Primer) dày từ 10-20 micron có tác dụng liên kết lớp mạ CED và lớp sơn màu cơ bản (Base) có độ dày 20-30 micron.
Có 3 lớp sơn được phủ lên bề mặt xe
Sau 4 lớp mạ/sơn khung vỏ xe được đưa tới bước sơn cuối cùng tạo độ bóng (Clear coat) với chiều dày từ 30-40 micron. Đây cũng chính là lớp sơn mà chúng ta nhìn thấy ở một chiếc xe thành phẩm, nó có tác dụng tạo độ bóng cũng như chịu xước, chống tia UV hay các điều kiện khắc nghiệt của thời tiết như nắng mưa. Sự hoàn thiện của lớp sơn này có vai trò quan trọng trong việc giúp xe luôn giữ được vẻ đẹp theo thời gian. Ngoài những chi tiết kim loại, xưởng sơn cũng có dây chuyền riêng cho phần vỏ nhựa, phần lớn đến từ xe mang thương hiệu Piaggio với quy trình không khác biệt nhiều.
Sau sơn bóng, công nhân kiểm tra tính đồng đều và làm sạch trước khi chuyển sang dây chuyền lắp ráp
Rời công đoạn tạo ra phần thân vỏ chính của một chiếc Vespa, Piaggio chúng tôi đến với dây chuyền lắp ráp động cơ iGet mới. Đây cũng chính là thế hệ động cơ cải tiến có mặt trên xe Medley mới được Piaggio giới thiệu đã tinh chỉnh một số chi tiết, thay đổi nhà cung ứng giúp động cơ hoạt động êm ái, tiết kiệm nhiên liệu và bền bỉ hơn.
Vỏ động cơ thô (trái) và hoàn thiện (phải) bằng máy đánh bóng, làm sạch kim loại thừa tự động
Nói không ngoa, đây là dây chuyền thậm khí còn phức tạp hơn toàn bộ công đoạn hàn, mạ và lắp ráp xe cộng lại. Hàng trăm chi tiết cơ khí chính xác cao đến từ nhiều nhà cung cấp trong và ngoài nước được tập hợp tại đây. Nhiều chi tiết được đưa vào máy đánh bóng tự động nhằm loại bỏ kim loại thừa cũng như kiểm tra ngẫu nhiên tại phòng riêng với các thiết bị chuyên dụng để loại trừ lô hàng lỗi.
Phân xưởng động cơ có nhiều phòng "bắt lỗi" các linh kiện trước khi đưa vào lắp ráp

Các chi tiết hoàn thiện được đưa vào dây chuyền lắp ráp mở đầu là màn “đặt tên” (đóng số động cơ), đây sẽ là “chứng minh nhân dân” theo suốt vòng đời của sản phẩm và đồng bộ với máy chủ của hãng xe Ý để tiện việc theo dõi, hậu mãi hay triệu hồi khi có vấn đề. Toàn bộ khâu lắp ráp được thực hiện dưới sự hỗ trợ của các công nhân lành nghề, máy móc hiện đại để đảm bảo động cơ có chất lượng đồng đều khi xuất xưởng, bền bỉ nhất khi vận hành.

"Bộ cánh và trái tim" được đưa tới dây chuyền lắp ráp để cho ra đời chiếc xe thành phẩm

Động cơ iGet mới mà tổ hợp nhà máy Piaggio tại Vĩnh Phúc lắp ráp cũng là động cơ đầu tiên được hãng xe Ý phát triển dành riêng cho thị trường châu Á. Đại diện Piaggio chia sẻ, đây là kết quả của quá trình lắng nghe ý kiến người tiêu dùng để phát triển thế hệ động cơ phù hợp với cách vận hành lẫn khí hậu tại châu Á. So với thế hệ động cơ cũ phát triển cho thị trường châu Âu, động cơ mới được giới thiệu êm ái hơn, tiết kiệm hơn. Nó sẽ được trang bị trên toàn bộ dòng sản phẩm của Piaggio tại Việt Nam.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.