Ồn ào liên quan đến việc Jack đưa hình ảnh cuộc gặp gỡ với Messi vào MV mới gây xôn xao dư luận trong nhiều ngày qua. Hôm 7.9, giọng ca 26 tuổi tiếp tục nhận được sự chú ý khi tiết lộ đã chi hơn 200.000 EUR (hơn 5 tỉ đồng) cho doanh nhân Quốc Cường để được gặp siêu sao bóng đá người Argentina.
Bên cạnh những tranh cãi liên quan đến Jack, sự việc hé lộ "dịch vụ" giúp người hâm mộ có những cuộc gặp riêng với thần tượng. Thực tế, việc cung cấp dịch vụ gặp gỡ người nổi tiếng đã xuất hiện từ lâu và nhiều người hâm mộ có "hầu bao" rủng rỉnh sẵn sàng chi số tiền lớn để có được cơ hội chạm mặt những ngôi sao mà họ yêu thích.
Những môi giới biến giấc mơ gặp thần tượng thành hiện thực
Các công ty môi giới với vai trò là cầu nối giữa nghệ sĩ với khán giả trở nên phổ biến trong ngành công nghiệp giải trí. Họ sẵn sàng sắp xếp cho khách hàng một cuộc gặp chất lượng với ngôi sao mà người đó yêu thích bằng một khoản phí nhất định. Dịch vụ này không còn mới mẻ trên thế giới. Trang Bloomberg từng có bài viết về những nhà môi giới đặc biệt này và cách họ rút tiền của những khách hàng giàu có.
XM Concierge là một trong những công ty cung cấp dịch vụ hấp dẫn này. Theo Bloomberg, với mức giá từ 20.000 USD đến 150.000 USD (từ 480 triệu đồng đến hơn 3,6 tỉ đồng), Simon David và đội ngũ của ông tại XM có thể giúp khách hàng sắp xếp những màn gặp gỡ - chào hỏi gần gũi, những cuộc gặp riêng với người nổi tiếng trước các buổi hòa nhạc, biểu diễn ở đám cưới, sự kiện. Khi chi số tiền hợp lý, người hâm mộ có thể nhận được cơ hội cùng thần tượng đi chơi ở công viên giải trí, uống một tách cà phê trên đường như những người bạn lâu năm thậm chí cùng họ tham quan đến những địa điểm theo lịch trình, chia sẻ khoảnh khắc đặc biệt với ngôi sao mình yêu thích ngay trên sân khấu.
Simon David từng sắp xếp cho các khách hàng gặp những ngôi sao đình đám như Ed Sheeran, Madonna hay Drake… Qua nhiều năm, mức giá hiện tại được dự đoán đã tăng đáng kể so với con số kể trên.
Simon David cho biết việc cung cấp một trải nghiệm đắt giá như vậy cho khách hàng đòi hỏi họ phải có sự chuẩn bị tỉ mỉ, không chỉ sắp xếp cuộc hẹn thật chỉn chu và tự nhiên, họ còn phải điều phối lịch trình, đưa ra những lưu ý chi tiết cho khách hàng (bao gồm cả việc giao tiếp, ứng xử với nghệ sĩ đó) trước khi diễn ra cuộc gặp.
"Chúng tôi chuẩn bị trước cho khách hàng thật kỹ. Chẳng hạn như chuyện con chó của một nghệ sĩ đã chết vào đêm hôm trước nên chúng tôi dặn khách hàng khi gặp mặt đừng đề cập hay chia sẻ hình ảnh con chó của họ. Điều này thực sự đã xảy ra cách đây vài năm", David đưa ra dẫn chứng.
Theo lời Simon David, những cuộc gặp gỡ có trả phí như vậy đã trở thành yếu tố chính của mạng lưới người nổi tiếng vì lý do chính đáng. "Ở thời điểm hiện tại, những thứ này hầu như không còn là điều xa xỉ nữa, chúng là nhu cầu của một nhóm người nhất định. Những khách hàng giàu có muốn những trải nghiệm tưởng chừng không thể đạt được", vị này cho biết. Các ngôi sao nổi tiếng cũng sẵn sàng tham gia những cuộc gặp gỡ đặc biệt này bởi chúng đem về nguồn thu nhập hấp dẫn trong khoảng thời gian ngắn và không tốn nhiều công sức.
Chẳng hạn như Lady Gaga đã tạo ra một chương trình dành riêng cho khán giả sau một chuyến lưu diễn ở châu Âu cách đây nhiều năm. Tại đây, mỗi người hâm mộ có thể trả 900 bảng Anh (hơn 27 triệu đồng) để có trải nghiệm gần gũi với "mẹ quái vật".
Một fan từng bỏ tiền tham gia hoạt động này chia sẻ với Bloomberg: "Cô ấy nói suốt 40 phút, hơi giống một giáo viên tiểu học. Sau đó cô ấy gặp gỡ, chào hỏi từng người một rồi trò chuyện và chụp một bức ảnh với họ rồi bức ảnh sẽ được gửi đến email của người đó trong vòng 48 giờ". Ước tính rằng sau khi trừ thuế và các chi phí liên quan, giọng ca Born This Way có thể nhận về khoảng 80% số tiền. Trong một buổi gặp gỡ với những người hâm mộ có trả phí như trên, cô có thể kiếm được khoảng 50.000 bảng Anh (hơn 1,5 tỉ đồng).
BidKind cũng là một trong những công ty cung cấp dịch vụ đặc biệt này nhưng thông qua hình thức đấu giá trực tuyến. Họ là bên trung gian cho phép những người nổi tiếng cung cấp trải nghiệm cá nhân hóa cho bất kỳ ai đủ tiền để mua dịch vụ đó. Nghệ sĩ dùng số tiền kiếm được quyên góp cho tổ chức phi lợi nhuận mà người nổi tiếng đó lựa chọn. Công ty môi giới này duy trì hoạt động kinh doanh bằng cách thu phí 20%.
Hervé Larren, Giám đốc điều hành của công ty này chia sẻ: "Chúng tôi bán đấu giá trải nghiệm chứ không phải hàng hóa. Đối với người nổi tiếng, đó là một cách để quyên tiền cho tổ chức phi lợi nhuận mà họ tham gia, làm điều gì đó mà họ không phải trả bất cứ chi phí nào. Và đối với người thắng đấu giá, đó là cơ hội để tận hưởng một trải nghiệm mà không phải lúc nào cũng mua được bằng tiền". Đáng nói, công ty này chỉ tiết lộ giá tiền thanh toán với người nổi tiếng và khách hàng đã mua trải nghiệm đó.
Hervé Larren dẫn ví dụ về cặp anh em ở độ tuổi đôi mươi đã trả tiền để có cơ hội gặp riêng thần tượng của họ - nữ ca sĩ Carrie Underwood, khi cô đến biểu diễn tại một sự kiện ở New York (Mỹ) hồi tháng 9.2014. "Tôi thật ngạc nhiên khi thấy họ gần như rơi nước mắt trong lúc nói về cuộc gặp ấy. Họ kể: cô ấy nhìn thẳng vào mắt tôi thậm chí muốn nán lại và tiếp tục trò chuyện", ông nhớ lại và từ chối tiết lộ mức giá.
Ngoài những bên môi giới như trên, khán giả cũng có thể gặp được nhiều người nổi tiếng thông qua các nền tảng trực tuyến có trả phí. CNN lấy dẫn chứng về công ty khởi nghiệp Cameo nổi lên từ mùa dịch, cho phép người dùng trả tiền để nhận tin nhắn, video từ các ngôi sao thậm chí có cuộc gọi kéo dài khoảng 10 phút với họ qua Zoom. Khá nhiều người nổi tiếng đã xuất hiện trên nền tảng này với mức giá khác nhau. Ví dụ như cựu cầu thủ Brett Favre đưa ra mức giá 5.000 USD, ca sĩ Lance Bass với giá 1.250 USD, vận động viên trượt ván Tony Hawk với giá 1.000 USD…
Sao quốc tế kiếm tiền từ những cuộc gặp gỡ người hâm mộ
Bloomberg nhận định cơ hội kiếm tiền nhanh chóng và nhẹ nhàng như vậy dễ dàng hấp dẫn được ngay cả những ngôi sao đắt giá nhất. Theo trang tin này, việc gặp gỡ, giao lưu gần gũi với người hâm mộ sau buổi ra mắt hay buổi hòa nhạc từng là công cụ quảng cáo thuần túy và được dùng làm "mồi nhử" trong các chương trình như lời cảm ơn đến đội ngũ sản xuất hay phần thưởng cho các nhà tài trợ.
Tuy nhiên trong bối cảnh hiện tại, những trải nghiệm đặc biệt này dễ dàng có được nếu khán giả sẵn sàng vung tiền. Các cuộc gặp gỡ, giao lưu có tính phí với người hâm mộ (đôi khi còn được gọi là meet-and-greet) là một trong những nguồn thu nhập ngày càng được các ngôi sao chú trọng. Hoạt động này từ lâu đã được xem như một phần của ngành công nghiệp giải trí, gắn liền với các buổi biểu diễn của những ngôi sao quốc tế.
Theo chia sẻ của chuyên gia quảng bá âm nhạc Deborah Brosseau hồi 2015, 60% dự án của cô đã bổ sung khoản bán vé cho hoạt động meet-and-greet. "Trước đây, bạn có thể chụp bức ảnh với ai đó như một sự đánh đổi cho fandom (cộng đồng người hâm mộ) của mình nhưng bây giờ điều đó không còn là quà tặng miễn phí nữa", vị này chia sẻ dưới góc nhìn của người nổi tiếng.
Theo Daily Mail, các buổi gặp gỡ, tương tác gần gũi với người hâm mộ sớm trở thành dịch vụ sinh lợi phát triển mạnh mẽ quanh các ngôi sao đình đám quốc tế. Từ hơn chục năm về trước, dịch vụ này đã được nhiều người nổi tiếng cung cấp cho những fan sẵn sàng chi tiền.
Các cuộc gặp gỡ thân mật này thường chỉ kéo dài vài giây trước khi người hâm mộ được gửi một bức ảnh chụp với thần tượng hay một tấm poster, áo thun nếu may mắn. Những người trong ngành khẳng định xu hướng này được thúc đẩy bởi nhu cầu của người hâm mộ chứ không phải các ngôi sao. Họ đã quá quen với việc tương tác với ngôi sao qua mạng xã hội và mong muốn có cơ hội được tiếp xúc trực tiếp với thần tượng.
Theo BBC, trong buổi biểu diễn của Lady Gaga ở Las Vegas (Mỹ) hồi 2018, người hâm mộ có thể chi 2.000 USD (hơn 48 triệu đồng) để có màn gặp gỡ riêng với nữ ca sĩ cũng như cơ hội được tham quan hậu trường, tiệc chiêu đãi trước buổi diễn. Trong khi đó, Forbes tiết lộ người hâm mộ của Britney Spears từng phải chi 2.525 USD (hơn 60 triệu đồng) để có suất meet-and-greet với nữ ca sĩ.
Beyonce từng gây tranh cãi khi ra giá 1.100 bảng Anh (hơn 33 triệu đồng) cho vé meet-and-greet trong chuyến lưu diễn 2009. Cơ hội này chỉ có 10 suất, những người hâm mộ có được cơ hội này phải tuân thủ những quy định từ phía "ong chúa", trong đó có việc không được phép ôm cô. Nhiều ngôi sao khác như: Justin Bieber, One Direction, Rihanna, Katy Perry… cũng cung cấp các cuộc gặp gỡ ngắn với fan, những gói trải nghiệm cao cấp trong khuôn khổ buổi biểu diễn của họ với mức giá từ vài trăm đến hàng nghìn USD. Trong khi đó, một số nghệ sĩ không hứng thú với cách kiếm tiền này vì cho rằng nó chứng tỏ họ ưu ái những người hâm mộ giàu có hơn là những fan không có điều kiện bằng.
Không chỉ trong ngành công nghiệp giải trí, nhiều câu lạc bộ bóng đá cũng tung ra các gói dịch vụ cao cấp dành cho những người hâm mộ sẵn sàng chi tiền để gặp các cầu thủ trong đội cũng như hưởng nhiều đặc quyền hấp dẫn khác. Trên trang web chính thức, câu lạc bộ bóng đá Chelsea giới thiệu gói "The Diamond Suite" có mức giá từ 840 bảng Anh (khoảng 25 triệu đồng) cho mỗi trận đấu, cung cấp nhiều đặc quyền như: có buổi gặp gỡ thân mật với cầu thủ, chuyến tham quan và bữa ăn trước trận đấu, vị trí ngồi riêng biệt…
Hay với Arsenal có cung cấp gói "Hero Experience" dành cho nhóm 4 người với mức giá từ 8.940 bảng Anh (hơn 268 triệu đồng) để hưởng các biệt đãi: gặp gỡ cầu thủ và được ký tặng, chụp ảnh lưu niệm, tham quan sân cỏ trước trận đấu, chỗ ngồi VIP, cung cấp bữa ăn trước trận đấu và đồ uống trong suốt quá trình theo dõi…
Bình luận (0)