Chung tay ươm những mầm non
Điểm trường ở nóc Ông Lục (xã Trà Leng) cách nóc Ông Đề khoảng 500 m những ngày này trở thành nơi tá túc của hàng chục con người mất nhà cửa sau vụ sạt lở kinh hoàng ngày 28.10.2020. Tuy trưng dụng làm nơi ở, chính quyền địa phương vẫn dành một phòng lớn để làm nơi dạy học cho 25 em nhỏ đang độ tuổi mẫu giáo. Vì ở ngay trong điểm trường này nên cứ sau giờ học, cậu bé Hồ Huệ Minh (4 tuổi) con trai của anh Hồ Văn Đông (31 tuổi, có vợ là Hồ Thị Hen vẫn đang mất tích) cứ ôm chiếc xe cứu nạn đồ chơi đẩy quanh căn phòng. Hỏi Minh nhiều câu, khó khăn lắm tôi mới được cháu bé trả lời: “Lớn lên con thích làm lính cứu hộ...”.
Nghe cháu mình thủ thỉ, chị Hồ Thị Kim (30 tuổi, dì ruột của Minh) lấy tay bụm miệng vì sợ khóc thành tiếng. “Minh còn quá nhỏ để biết rằng mẹ cháu vẫn đang nằm đâu đó trong đống đất đá lạnh lẽo ngoài kia”, chị Kim mắt đỏ hoe. Chị kể từ hôm sạt lở, anh Đông cứ như người mất hồn, sáng chiều đều ra hiện trường ngóng tin vợ. Còn cháu Minh cứ khóc hỏi mẹ đi đâu chưa về. Thương cháu, chị Kim ngày ngày dỗ dành rồi sớm hôm cơm nước. Tối đến, chị ẵm cháu vào lòng mà nước mắt cứ tuôn thành dòng. Sáng ra, để cháu nguôi ngoai, chị lại sửa soạn áo quần rồi bế Minh sang căn phòng bên cạnh để cô giáo dạy chữ…
Tôi đến điểm trường này đúng lúc các cháu đang giờ nghỉ trưa. Cô giáo Nguyễn Thị Thương cứ bần thần ngồi nhìn các cháu say giấc. Thương là người địa phương. Cô dạy ở điểm trường này vài năm qua nên thấu hiểu những thiếu thốn của trẻ em nơi đây. Sau những mất mát từ thảm họa sạt lở, tình cảm yêu thương các cháu trong cô lại càng dâng đầy. Như để bù đắp, những ngày qua, cô Thương luôn dành sự săn sóc đặc biệt cho Minh và bé Hồ Văn Minh, Hồ Thị Thu Huyền - những mầm non sớm mất đi người thân khi chỉ mới 4 tuổi.
|
Ở nóc Ông Sinh (xã Trà Vân), hoàn cảnh của 3 chị em Đinh Thị Kim Hằng (12 tuổi), Đinh Hoàng Thái (6 tuổi) và Đinh Vũ Thượng Thiên (3 tuổi) cũng khá đặc biệt. Cả ba may mắn sống sót trong vụ sạt lở, nhưng cha mẹ và 2 đứa em khác thì tử nạn. Cô ruột của Hằng, chị Đinh Thị Liễu (35 tuổi), cho biết những người sống sót giờ chỉ biết an ủi và động viên các cháu trở lại trường học để không bị gián đoạn con chữ.
Chủ tịch UBND xã Trà Vân Hồ Văn Huyện cho biết sau khi cùng lúc mất 4 người thân, bà Hồ Thị Hiền (bà nội của chị em Hằng) không rời các cháu nửa bước. Bởi vậy, khi Quân khu 5 có chủ trương nhận nuôi các cháu, bà không đồng ý. “Chúng tôi đã vận động, thuyết phục để bà hiểu tương lai của các cháu sẽ tươi sáng hơn khi được Quân khu 5 đỡ đầu. Và rồi bà đã đồng ý. Xã đang hoàn tất các hồ sơ để đưa 2 cháu Hằng và Thái về Quân khu 5. Dự kiến ngày 7.1.2021, phía quân khu sẽ cử người đến đón 2 cháu”, ông Huyện nói.
Hồi sinh xứ sở “ngọc quế”
Quyết không để những đứa trẻ đánh rơi con chữ, UBND xã Trà Vân đã bàn với các trường có giải pháp hỗ trợ thiết thực nhất. “Các thầy cô giáo đều chung tay lo giấy báo tử cho người thân các em, đến thăm nhà rồi hướng dẫn, giúp gia đình làm sổ tiết kiệm sau khi nhận được những khoản hỗ trợ từ các nhà hảo tâm. Như thế các em mới có khoản tiền để tiếp tục đi học, ổn định cuộc sống...”, Chủ tịch UBND xã Trà Vân nói.
Ông Phan Quốc Cường, Chủ tịch UBND xã Trà Leng, cũng cho biết không chỉ có nhà trường cử giáo viên xuống tận các nóc vận động học sinh trở lại trường, cán bộ xã cũng được giao nhiệm vụ xuống cơ sở động viên các gia đình. “Sau hàng loạt vụ sạt lở, tâm lý người dân rất hoang mang. Trước tình hình này, chúng tôi đã khẩn trương làm công tác vận động, an dân... Nhiều gia đình không muốn cho con đến trường vì lo mưa lớn, sạt lở vùi lấp. Chúng tôi không nản mà ra sức tuyên truyền, cùng với các trường đón các em trở lại học bán trú. Tôi đề nghị các trường giữ các em ở lại mỗi khi có mưa lớn để tránh những bất trắc...”, ông Cường nói.
|
Những ngày sau vụ sạt lở kinh hoàng ở nóc Ông Đề, học sinh vì quá khiếp sợ nên ngần ngại trở lại lớp. Thế là các giáo viên Trường phổ thông dân tộc (PTDT) bán trú tiểu học Trà Leng phải chia nhau từng tốp cắt rừng đến từng nóc vận động. Thương học trò của mình mất người thân, không còn phương tiện để đến lớp, các thầy cô giáo ở Trà Leng thay phiên nhau đón đưa các em. Từ những ngày đầu khi mới mất cha mẹ, biết các em Hồ Văn Đệ, Hồ Thị Yến Chi có ý định bỏ học, các cô giáo đã tìm đến điểm tạm trú để đưa đón. Các cô vừa dạy và dỗ dành, chẳng khác gì người thân.
Hơn 2 tháng trải qua nỗi đau mất vợ là Hồ Thị Mai, ông Nguyễn Thành Sơn (48 tuổi) đã gượng dậy để làm chỗ dựa cho các con. Nguyễn Thị Xuân Quý (lớp 12) và Nguyễn Thị Xuân Quyền (lớp 9) từng gục khóc bên mộ mẹ, khi được bố động viên nay đã trở lại trường. “Là đàn ông, những lúc thế này mà tôi gục ngã thì các con của tôi biết nương tựa vào đâu. Mấy mươi năm qua, tôi đã làm nên cơ nghiệp lớn nhất nhì vùng này, giờ thì làm lại lần nữa vậy...”, ông Sơn rưng rưng. Gia đình ông Sơn được xem là khá giả nhất vùng. Sau mấy mươi năm làm giàu nhờ cây quế, khi vừa mới dựng căn nhà vài tháng thì bị sạt lở vùi lấp, thiệt hại không dưới 3 tỉ đồng.
Dù mất rất nhiều diện tích quế, nhưng theo Chủ tịch UBND xã Trà Leng Phan Quốc Cường thì đây vẫn là cây chủ lực có thể giúp bà con sớm hồi phục kinh tế. Giá vỏ quế từ 25.000 đồng/kg nay đã lên đến 65.000 đồng/kg nhưng không có để bán. Ông Cường cho hay địa phương đã ký kết việc bao tiêu quế nên người dân hoàn toàn yên tâm về đầu ra... “Nếu không bão lũ thì đã có thêm đơn vị ký hợp đồng mua quế hữu cơ... Những năm qua, quế gần như không tồn dư. Tuy 7 - 10 năm mới có thể thu hoạch, nhưng nếu người dân trồng gối đầu thì mỗi năm chỉ cần bóc 20 cây quế trị giá khoảng 20 triệu đồng là đã đủ sống”, ông Cường nói.
oOo
Chiều, trời rét cắt da. Ngồi bên bếp lửa, kể về những dự định của mình, ông Nguyễn Thành Sơn bảo dù 4 nương quế đã bị sạt lở phần nhiều nhưng ông vẫn lại lên nương để ươm trồng. Bởi ở vùng đất Trà My này, cây quế đã được “đóng đinh” thương hiệu nên không lo không có sinh kế. Đun thêm thanh gỗ quế vào bếp, ngọn lửa bùng lên, hương quế bung tỏa, ấm áp cả khu nhà tạm…
Lo tết cho người dân vùng sạt lởVừa khẩn trương đẩy nhanh tiến độ san ủi mặt bằng để thi công nhà ở cho người dân mất nhà cửa do sạt lở, lãnh đạo các xã Trà Vân, Trà Leng (H.Nam Trà My) cũng đang tập trung lo tết cho người dân. Tại xã Trà Leng, qua vận động, xã tiếp nhận 50 hệ thống điện năng lượng mặt trời, dự kiến sẽ bố trí thắp sáng các vùng tái định cư, khu tạm trú sạt lở để tạo không khí ngày tết.
Chủ tịch xã Trà Leng Phan Quốc Cường cho hay hiện số lương thực hỗ trợ cho người dân sau mưa bão vẫn còn nhiều. Cận tết, xã sẽ mở 2 kho lương thực để hỗ trợ người dân. “Hiện có nhiều đoàn từ thiện mong muốn đến địa phương để trao bánh, mứt. Khi đủ điều kiện, chúng tôi sẽ tiếp nhận để phân phối cho người dân vui xuân”, ông Cường nói.
|
Xây dựng khu tưởng niệm người tử nạn tại nóc Ông ĐềHiện trường vụ sạt lở tại nóc Ông Đề (Trà Leng) đã được tìm kiếm nhiều lần nhưng hiện vẫn còn đến 13 nạn nhân mất tích. Một am thờ tập thể được lập ngay bên tuyến đường đi ngang qua làng. Ở một số móng nhà, người thân và cả người đi đường thường xuyên dừng xe để thắp nhang cho những người đã khuất. Ngôi làng trù phú nhìn qua những bức ảnh chụp từ vệ tinh của Google Map giờ chỉ còn lại những nham nhở đá, gạch... Ông Phan Quốc Cường, Chủ tịch UBND xã Trà Leng, cho hay sau khi gạt đến phần nền đất cũ, địa phương dự kiến sẽ kêu gọi xã hội hóa để xây dựng một miếu thờ. Công trình vừa là nơi tưởng niệm 22 người chết và mất tích, vừa là địa chỉ góp phần tuyên truyền nhằm nâng cao cảnh giác cho người dân trong ứng phó thiên tai.
|
Bình luận (0)