Thống trị khu vực Đông Nam Á
12 huy chương vàng (HCV) trên bao gồm 3 HCV đồng đội nam SEAP Games 4 (1967), 5 (1969) và 5 (1971), 2 HCV đơn nam của Võ Văn Bảy (1961) và Võ Văn Thành (1967), 7 HCV đôi nam tuyệt đối của các đôi Bảy – Thành (1959, 1961, 1969), Thành – Đức (1965), Bảy – Đức (1967) và Bảy – Lý Aline An (1971 và 1973). Các HCV còn lại thuộc về Thái Lan (6) và Myanmar (1).
Ngoài các HCV trên, các tay vợt MN-VN cũng đóng góp thêm các huy chương bạc trong 7 SEAP Games trên: đồng đội nam (1965) đơn nam (Võ Văn Bảy 1959, Võ Văn Thành 1971 và 1973); các huy chương đồng đơn nam (Lưu Hoàng Đức 1965 và 1967), đôi nam Võ Văn Thành – Tạ Duy Báu (1973), Dương Văn Minh – Aline An (1969)
Đọc một loạt thành tích nêu trên, chắc bạn đọc cũng "mệt… vì vui sướng" do chúng ta quá vượt trội so với các quốc gia tham dự 7 kỳ SEAP Games này. Điều này cũng đúng vì trình độ quần vợt MN-VN được xem đang dẫn đầu khu vực trong khoảng 16 năm tổ chức đại hội thể thao khu vực
Trong suốt mấy chục năm thi đấu, Võ Văn Bảy là tay vợt đem về rất nhiều huy chương cao quý cho quốc gia. Một trong những thành tích nổi bật nhất của ông mà đến nay vẫn còn được nhiều người hâm mộ nhắc đến là trận thắng tay vợt Nhật Bản đương kim vô địch châu Á Toshio Sakai trong vòng hai Cúp Davis khu vực châu Á năm 1972 khi ông đã 41 tuổi. Trong trận đấu này, ông Bảy đã để lại một trận đấu để đời với chiến thắng thuyết phục 3-1 (11/13, 6/4, 6/2).
|
Báo chí Sài Gòn lúc ấy đồng loạt ca ngợi ông đã có tài nghệ vượt trội, biết lấy sự khôn ngoan khéo léo trong các đường bóng để khắc phục được yếu kém của thể lực. Trận đấu còn được xem hết sức oai hùng khi Toshio Sakai vừa dự giải Wimbledon 1971 về và từng thắng J.Cooper (vô địch giải Úc mở rộng). Sau đó trong trận đơn thứ hai của Cúp Davis nói trên Võ Văn Bảy lại thắng vô địch Nhật Bản Kamiwazumi cũng tỷ số 3-1 (6/2, 8/6, 6/4).
Cùng với Võ Văn Bảy, Lưu Hoàng Đức cũng thi đấu đơn rất tốt với những cú tạt phải cực mạnh và những cú smash dữ đội làm đối thủ phải run sợ. Chỉ có ông Đức cùng với Đinh Quốc Tuấn là hai tay vợt đã từng giành được vô địch đơn nam MN-VN mỗi người một lần trong thời kỳ gần 25 năm tay vợt Võ Văn Bảy ngự trị. Trong lúc đó, ông Võ Văn Thành (không phải là em ruột của Võ Văn Bảy như một số người hiểu sai) là tay vợt giành rất nhiều giải đôi trong giải vô địch MN-VN.
|
Tự hào với ông Bảy
Ông Võ Văn Bảy xuất thân là một vận động viên bóng bàn, từng vô địch ở quê nhà Vĩnh Long cấp tiểu học. Năm 1952 ông lên Sài Gòn được xem các trận đấu quần vợt, thấy môn chơi quá hay và đẹp nên bỏ banh nhựa chuyển sang banh nỉ. Chỉ trong thời gian ngắn học ở sân hãng rượu Bình Tây, nơi thường có các tay vợt hàng đầu khi đó như Chiêm, Giao, Nứa tới chơi, ông Bảy đã học lóm các món nghề của tiền bối và từ đó phát triển lên thành cách đánh của mình.
Chỉ sau 2 năm, ông Bảy đã thắng ông Giỏi khi đó là tay vợt vô địch miền Nam trong nhiều năm đê giành ngôi vô địch. Từ đó tên tuổi ông Bảy đã rạng danh, được đi đấu nhiều nơi trên thế giới và trở thành tay vợt số 1 Đông Nam Á. Ngay các tay vợt Malaysia khi đó đang xưng hùng xưng bá gặp ông Bảy cũng chào thua. Ở SEA Games lần đầu năm 1959, do đăng ký thi đấu 2 nội dung ông Bảy đã dồn sức cùng với Võ Văn Thành giành ngôi vô địch đôi nam.
Chính vì hết sức nên ở nội dung đơn, ông Bảy đã thua Karalak của Thái Lan trong trận chung kết. Dù ông Bảy thất bại nhưng tay vợt chủ nhà chẳng lấy gì làm vui khi nhận xét: “Tay vợt của Việt Nam đánh quá độc, có những cú ra đòn hiểm hóc. Tôi thắng vì anh ấy mệt do vừa vắt hết sức đánh nội dung đôi, chứ thật ra không dễ dàng vượt qua đối thủ này”. Nhận xét đó hoàn toàn chính xác vì chưa đầy một tuần sau đoàn quần vợt Thái Lan sang Sài Gòn thi đấu đáp lễ đã bị ông Bảy cùng đồng đội đánh cho tơi bời, thua cả đơn lẫn đôi.
|
Là thân sinh của cựu vô địch đơn nữ Việt Nam Huỳnh Mai Huỳnh, ông Huỳnh Phú Quý (sinh năm 1939) từng là huấn luyện viên đội tuyển quần vợt nam MN-VN dự Davis Cup giai đoạn 1972 – 1975 với lực lượng tham dự đều là các tay vợt chủ chốt tham dự 7 kỳ SEAP Games đầu tiên. Nhận xét về tay vợt Võ Văn Bảy, ông Quý cho biết tạp chí của Mỹ có uy tín trong giới quần vợt thế giới là Tennis Magazin đã từng xếp hạng ông Bảy là một trong năm quái kiệt của thế giới.
Ông Quý cho biết những lý do giúp ông Bảy được xem như quái kiệt chính là kiểu đánh độc đáo. “ Cách cầm vợt của Võ Văn Bảy không giống ai. Bình thường người đánh quần vợt cầm vợt úp vào khi đánh quả phải thì ông cầm vợt ngửa ra nên phải xúc bóng như xúc đất vậy, nhưng "xúc" rất chính xác để bóng đến đúng ý đồ của mình. Nhờ kiểu cầm vợt độc đáo đó nên mỗi lần đánh cú smash, ông "xúc" qua trái hay qua phải thì đối thủ chẳng biết đâu mà lần. Độ xoáy của những cú đánh làm đối thủ phải rất khó khăn mới chống đỡ nổi. Tôi đánh độ với ông Bảy hoài, Ông chấp tôi mỗi game điểm 40 (lúc tôi đang hạng 5 quốc gia) mà bị chung tiền liên tục”
|
Quần vợt Việt Nam trong hơn 30 năm qua tìm một người như Võ Văn Bảy là gần như không thể. Năng khiếu là một chuyện, quan trọng là phải đam mê, chịu khó và phải bền bỉ rèn luyện như ông Bảy thì gần như chưa thấy ai bật lên. Hơn nữa khi thế giới thay đổi, nhiều tay vợt ngày càng tiệp cận phương pháp huấn luyện khoa học thì trình độ quần vợt Việt Nam lại chậm theo kịp. Chính vì vậy suốt mấy chục năm từ Trương Quốc Hùng, Lâm Thiện Thanh, Ôn Tấn Lực, Trần Đức Quỳnh, Đỗ Minh Quân, Nguyễn Hoàng Thiên. vẫn chưa bật lên một cách ổn định và đủ sức bước ra vũ đài thế giới.
Thành tích tốt nhất của quần vợt Việt Nam ở SEA Games chỉ là chiếc huy chương bạc đôi nam nữ của Ôn Tấn Lực và Nguyễn Thị Kim Trang năm 1997 tại Jakarta. Gần đây quần vợt có Lý Hoàng Nam hơi “sáng sủa” một chút, từng vô địch đôi nam trẻ Wimbledon năm 2015 hay vô địch trẻ tại đại hội thể thao trẻ châu Á năm 1993 nhưng lại chưa một lần chinh phục SEA Games cũng như chưa thể bắt kịp top 300 thế giới. Với tài năng của Daniel Nguyễn, tay vợt nhập tịch vừa mới chính thức được bổ sung vào đội tuyển Việt Nam hy vọng sẽ mang huy chương vàng SEA Games về cho đất nước.
|
Bình luận (0)