Từ sơn đông mãi võ đến kỳ tài xiếc công phu
Trong tiếng nhạc dồn dập trên sân khấu, anh thủ thế vững vàng. Sau một tiếng hét lớn, anh bắt đầu nhét con rắn lục ngoeo nguẩy vào mũi trái. Khán giả chưa kịp há hốc mồm khi thấy đầu con rắn chui ra từ miệng, anh đã nhét con thứ 2 vào, rồi tiếp tục nhét 2 con khác vào mũi phải. Nhiều người bắt đầu che mặt khi thấy anh còn thẳng tay đóng 2 chiếc đinh vào 2 bên mũi!
Chưa dừng lại ở đó, 2 xô nước to tướng được mang ra, nối với một sợi xích gắn vào mắt anh. Anh gồng mình đứng thẳng người, nhấc bổng 2 xô nước. Mí mắt căng cứng, anh còn đung đưa qua lại. Khán giả gần như hoảng hồn khi thấy anh cầm thêm 7 cây kiếm, nuốt thẳng vào cổ họng.
Tiếng vỗ tay vang dội. Tiếng thở phào vang khắp khán phòng khi thấy anh lần lượt bỏ những thứ trên người ra và bình yên vô sự. Anh dang tay đầy khí phách, nhưng người ta vẫn nhìn thấy đôi mắt, chiếc mũi đỏ hoe và cả người anh ướt đẫm. Anh tự hào giới thiệu: “Tôi là Nguyễn Văn Hoàng, nghệ danh Xiếc Hoàng Tân”.
Hoàng Tân có mặt trong rất nhiều chương trình thể hiện biệt tài, với những màn trình diễn nhiều người... không dám xem!
|
Anh xuất thân từ các gánh sơn đông mãi võ rất được bà con thích thú năm xưa
|
Nghề xiếc công phu đòi hỏi sự luyện tập khắc nghiệt
|
Tôi gặp “quái nhân” trong căn nhà nhỏ ở tận Mỹ Lộc, Cần Giuộc, Long An, đúng hôm anh đang tất tả tới lui chuẩn bị cho bữa cúng 100 ngày của ba mình. Không còn trong bộ đồ diễn, thấy anh vẫn bình thường như bao người, với những mất mát và buồn vui dung dị nhất của cuộc đời.
“7 tuổi, Tân theo chân các đoàn sơn đông mãi võ, phụ lặt vặt như bán thuốc tễ. Từ đó thấy các anh các chú diễn công phu thì học theo. Mới đầu cũng như mọi người, nghĩ sơn đông mãi võ là bùa phép, nhưng sau mới biết tất cả đều có cái mẹo cộng với sự tập luyện cả. Đơn giản như trò dao chặt vào người, con dao đó không mấy bén, cộng với cách chặt biết điểm dừng đúng lúc, sẽ không tổn hại cơ thể. Ban đầu vì con nít ham vui, thích đi đây đi đó làm trò, chẳng ngờ thành cái nghề cho đến bây giờ”, anh nhớ lại thời chập chững vào nghề.
Lò xo xuyên từ mũi xuống miệng; mí mắt nâng hai thùng nước đầy
|
Hoàng Tân "chinh chiến" tất cả những sân khấu lớn nhỏ gần xa, trong nước và cả nước ngoài
|
Thời sơn đông mãi võ còn thịnh, Hoàng Tân rong ruổi khắp Sài Gòn và tỉnh lân cận, với những trò khiến người ta rợn tóc gáy: uốn cong thanh sắt, nuốt lửa, nhai bóng đèn,… Sân khấu chỉ là những con hẻm, bãi đất trống, chợ búa… không đèn, không nhạc.
“Về sau, theo sự đi lên của nghề, Tân gia nhập đoàn xiếc Vũng Tàu. Được các bậc thầy chỉ dạy thêm về kĩ năng biểu diễn, mình bắt đầu bước lên sân khấu. Bấy giờ, công nghệ chưa phát triển, anh em xiếc và nghệ sĩ Sài Gòn có một điểm tụ tập đặc biệt. Chỉ là một hàng cà phê vỉa hè sau lưng bệnh viện An Bình (Q.5), không tên, nhưng chẳng biết ai đó đã gọi nó bằng ba chữ mĩ miều “Hương Mùa Thu”. Nói đến Hương Mùa Thu, trong nghề ai cũng biết. Đây là nơi 23 tháng Chạp các bầu show khắp nơi tìm đến “móc nối”, chọn nghệ sĩ về biểu diễn”, anh kể.
“Chưa bao giờ tôi dám nhìn con diễn, dù là trên ti vi..."
Từ diễn đoàn, Hoàng Tân “cứng” nghề và bắt đầu tách ra “solo”, tự mày mò làm mới mình bằng những màn trình diễn “không khuyến khích làm thử dưới mọi hình thức”.
“Làm xiếc cũng là một nghệ sĩ. Nghệ sĩ muốn tồn tại, phải khác biệt. Không có trăm ngàn bài hát như ca sĩ và trăm ngàn trang phục như diễn viên, người diễn công phu chỉ có vài bộ đồ nhà võ và những trò diễn tương tự nhau. Nhưng không khán giả nào muốn xem hết người này đến người kia nuốt kiếm, múa lửa cả. Cho nên, người ta nhét 1 con rắn, mình phải nhét 4 con. Người ta nuốt kiếm thẳng, mình phải nuốt kiếm cong, người ta nuốt lên 3 cây, mình phải nuốt 7 cây, nếu không muốn bị đào thải”, anh nói về sự khắc nghiệt của nghề.
Thế là, anh dần nong kín lỗ mũi mình bằng rắn và đinh. Lưỡi anh chặn được cả một cánh quạt đang quay. Mắt anh kéo lê được cả chiếc thùng xe 2 người đang ngồi. Một mũi khoan đang mở cũng có thể đi thẳng vào mũi anh. Chẳng may, cách đây 3 ngày, trong một đêm diễn, mũi khoan bị gãy. Những mảnh vỡ văng ra tét vành môi. Đáng sợ hơn, mũi khoan ghim chặt vào mũi, máu phún ra. Khán giả la inh ỏi, anh điềm nhiên rút mũi khoan ra, hiên ngang cúi chào và lùi vào cánh gà, rồi đổ gục...
Những thành quả đầy tự hào phải đổi bằng máu, mồ hôi và nước mắt
|
"Ngôi sao chưa tới, bầu show kêu mình diễn dài ra dài ra. Họ tới, mình bị cắt tiết mục ngay. Buồn chứ, cái tâm huyết của mình dành cho khán giả đã không được vẹn tròn...", anh nói về những bạc bẽo nghề mình
|
Với anh, làm nghề xiếc công phu, điều kiện đầu tiên là không sợ chết
|
“Đứng trên sân khấu, dù thế nào cũng phải diễn cho trọn vẹn, làm cho tròn bổn phận. Xong đi vô, nằm xuống hay thế nào thì tính sau. Biết bao lần rồi, phỏng tay chân, trầy xước mặt mày, loét bao tử, vì dù gì cơ thể mình cũng là da là thịt. Lúc khỏe thì không sao, nhưng trái gió trở trời, mình mệt hơn người ta rất nhiều”, anh bộc bạch.
Tôi bất giác nhăn mặt vì những màn trình diễn cứ lửng lơ theo lời anh nói. Cạnh bên, một người phụ nữ đứng tuổi cũng nhăn nhó, là mẹ anh. “Chưa bao giờ tôi dám nhìn Tân diễn, dù là trên ti vi. Ghê quá… Một lần biết nó diễn là một lần tôi cầu nguyện. Bao nhiêu việc, sao không làm cái việc nào bình thường hơn”, bà hạ giọng. Tôi tưởng người mẹ ấy đã quen với cái nghề của con, hóa ra không.
Còn anh, chỉ cười: “Khổ thì khổ, nhưng mà như trăm nghề khác, có cái vui. Đi diễn miền Tây, bà con quý mến kêu ở lại ăn cơm, đâu đâu cũng thấy như nhà. Đi diễn chương trình, gặp anh Vân Sơn, anh hai Hoài Linh, đều là những thần tượng của mình. Anh Sơn còn nói câu khiến mình nhớ hoài: “Tổ đã chọn mỗi đứa một nghề, em chẳng diễn hài được, nhưng anh cũng chẳng làm xiếc được như em. Thôi thì mỗi chúng ta phải cống hiến hết mình”".
Gà trống nuôi con
Tôi hỏi về nghề, mắt anh sáng rực. Tôi hỏi về gia đình, anh rũ người, cúi mặt: “Mình theo nổi cái nghề, còn cô ấy không theo nổi mình…”.
Hơn hai năm trước, anh và vợ chia tay… Gặp chồng, lại lo lắng hơn khi nhìn những vết thương ngang dọc. Anh nói, anh buồn, nhưng không trách vợ. Cô ấy có quyền lựa chọn cho mình một cuộc sống tốt hơn.
Hùng dũng trên sân khấu, anh về nhà lại là một người cha ân cần, một "người mẹ" dịu dàng
|
Ảo thuật gia Hoàng Bảo (Nguyễn Hoàng Thuận, 15 tuổi), con trai anh Hoàng Tân, cũng mê sân khấu như cha
|
Hai đứa con ở lại với anh. Con trai lớn giờ đã là ảo thuật gia và cũng mê nghề xiếc. Anh không ủng hộ đứa nào theo nghề, nhưng cũng không cấm được. Anh nói, nếu chúng thực sự muốn sống cùng nghề, tổ cũng chọn chúng, anh sẽ để mọi thứ thuận theo, cũng như anh ngày nào.
“Nhiều lúc, cũng mỏi mệt chứ, cũng ước gì mình là người bình thường, làm một công việc 8 tiếng bình thường. Nói vui thêm thì muốn… nhậu bình thường nữa, bởi cái nghề này say xỉn thì cực kỳ nguy hiểm, nên phải kiêng cử. Nhưng rồi lại tâm niệm, tổ cho mình cái nghề, kiếm cái chén cơm, thì mình sinh nghề tử nghiệp thôi. Chỉ gác kiếm khi mình hết sức…”, anh bộc bạch.
Hai đứa trẻ là tất cả "gia tài" của anh
|
Cuộc sống bình dị của "quái nhân" sau ánh đèn sân khấu
|
Bình luận (0)