Nức tiếng bít tết Nam Sơn ở Sài Gòn
Người Sài thành có muôn vàn lựa chọn khi muốn thưởng thức món bò bít tết ăn trên chảo gang nóng hổi. Một quán ngon và lâu đời ở Sài Gòn có thể kể đến là bít tết Nam Sơn trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 03). Có mặt ở Sài Gòn từ năm 1992, quán bò bít tết Nam Sơn lúc đầu chỉ là một quán nhỏ trên đường Nguyễn Thị Minh Khai với số vốn khởi nghiệp ít ỏi, sau 8 năm đã hoạt động ổn định trên hai con đường lớn ở Sài Gòn là Nguyễn Thị Minh Khai và Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Ông xã của chủ quán vốn đứng bếp chính cho tiệm bít tết trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, sau khi người chủ ra nước ngoài đã thuê lại quán và tiếp tục duy trì món ăn hấp dẫn này. Chủ quán chia sẻ: về cơ bản các món bít tết của quán từ năm 1992 đến giờ không thay đổi: bò bít tết tẩm ướp đậm đà theo bí quyết riêng, ăn chung với ốp la, xíu mại và pátê.
Ẩm thực
Phở ngon và đông nhất Sài Gòn
Chi nhánh đầu tiên của quán phở Lệ nằm trên con đường Nguyễn Trãi trong quận 05 sầm uất, cũng là một trong những tuyến đường mua sắm nổi tiếng bậc nhất Sài Gòn. Đa phần quán phở ngon của Sài Gòn thường tập trung ở quận 01 và quận 03, nên có rất nhiều người tỏ ra ngạc nhiên khi một trong những thương hiệu phở đình đám của Sài Gòn lại khởi phát và thành công ngay tại quận 05, khu vực vốn tập trung nhiều người gốc Hoa hơn. Đi ngang qua phở Lệ, dễ thấy cảnh tượng người người ăn phở rộn ràng từ lúc 5h30 sáng cho đến tận 1h đêm (cũng là lúc quán đóng cửa). Nhật báo hàng đầu của Mỹ The Wall Street Jounal vào tháng 10 năm ngoái cũng nhận định rằng phở Lệ là tiệm phở “được lòng đông đảo” người Sài Gòn nhất (nguyên văn: "the crowd pleaser"). “Chỉ riêng quán phở Lệ ở đường Nguyễn Trãi, một ngày tiêu thụ hết gần hai con bò, tất nhiên chỉ gồm những phần xương, thịt có thể nấu phở”, ông Lưu Toàn Tài, chủ quán phở Lệ bật mí. Ông Tài bắt đầu kinh doanh phở từ năm 1970, khi đó Sài Gòn có rất ít quán phở. Vào năm 1975, theo đánh giá của ông có một số tiệm phở rất nổi tiếng lúc bấy giờ, như phở Nguyễn Hoàng ở đường Trần Phú, phở Hòa - Pasteur, hay một xe phở không tên ở quận 05…
Ẩm thực
Tìm tô bún bò ngon nhất Sài Gòn
Phở Hà Nội và bún bò Huế "di cư" vào Sài Gòn đã làm cho hủ tiếu bớt đi phần nào vị trí thống trị. Phở thì có vẻ hơi "khó tính" một chút, tức là hàng quán phải tươm tất, thành phần tô phở hùng hậu nên giá bán cũng khá cao. Còn với món bún bò thì tiệm sang cũng có, mà bình dân trong hang cùng ngõ hẻm cũng có. Bún bò Huế ở Sài Gòn cũng có hai dòng: bún bò Huế "lai" với khẩu vị đã thay đổi để phù hợp với người Sài Gòn, hoặc bún bò Huế giữ nguyên Huế dành cho người Huế tha hương hay người miền Trung ưa vị mặn mòi của mắm ruốc. Theo chỉ dẫn của nhiều người bạn Huế, tôi tìm đến quán bún bò Út Hưng trong hẻm 6C Tú Xương (quận 03). Những người “rặt Huế” vẫn thường tìm đến quán bún không biển hiệu này để thưởng thức một tô bún đúng vị của quê hương. Chị tên Út, anh tên Hưng nên thực khách quen thường gọi là bún bò "Út Hưng". Gia đình chị đã bán bún bò ở Sài Gòn hơn 13 năm nay, với 11 lần thay đổi địa điểm, khởi nghiệp chỉ là gánh bún trên vỉa hè.
Ẩm thực
Gánh bánh mì thịt nướng tuyệt ngon trên đường Cao Thắng
Ổ bánh mì thịt nướng trước số nhà 51 Cao Thắng (quận 03) như đưa tôi về những ngày ấu thơ trước cổng trường tiểu học Kết Đoàn. Là chiếc xe đạp nhỏ gọn mà ngăn nắp của ông bán bánh mì, là mùi thơm không lẫn vào đâu được của những vỉ thịt nướng, vị ngọt đến quyến rũ của nước tương... Độ ngon của một ổ bánh mì thịt nướng nằm ở sự cân bằng giữa mùi thơm của thịt, vị ngọt đặc trưng của nước tương, đồ chua, dưa leo, ngò ăn kèm, một chút cay nhẹ của ớt bằm... Thành phần chỉ đơn giản là vậy, nhưng đã lỡ ăn thì chỉ muốn ăn thêm mà thôi.
Ẩm thực
Bao dung như hủ tiếu Sài Gòn
Có lẽ không nơi đâu có nhiều kiểu ăn hủ tiếu như Sài Gòn, kể cả nếu bạn so sánh với bổn xứ bên tận Trung Hoa. Đôi khi bạn sẽ hơi bối rối một chút khi người phục vụ hỏi: “Anh/chị ăn hủ tiếu mềm hay hủ tiếu dai?”, cùng một chút tần ngần giữa 2 lựa chọn: cọng hủ tiếu mềm bản to thoạt nhìn như bánh phở, hay là loại hủ tiếu cọng nhỏ dai dai mà ta thường thấy ở bất kỳ quán hủ tiếu Sài Gòn nào? Bởi cọng nhỏ dai dai phù hợp hầu hết với các loại hủ tiếu tôm, gà, cật, xá xíu… trong khi cọng mềm ăn ngon nhất có lẽ là với món hủ tiếu cả hay hủ tiếu sa tế. Không như cọng hủ tiếu mềm vốn rất phổ biến trong cộng đồng người Hoa ở khắp nơi, cọng hủ tiếu dai lại có một "khai sinh" hoàn toàn khác. Theo nhiều tư liệu, thì cọng hủ tiếu dai mà ta thường gặp trong món hủ tiếu Nam Vang là một biến thể thú vị của người Mẫn Nam (Phúc Kiến) trong giai đoạn di cư về phía những nước Đông Nam Á, với bột gạo là nguyên liệu chính. Do không có nguyên liệu làm sợi mì, họ đã dùng nguyên liệu tại chỗ là gạo để chế sợi thay cho mì (từ đầu thế kỷ trước 3 nước Đông Dương đã là một vựa gạo khổng lồ với sản lượng xuất khẩu lên đến 1.5 triệu tấn hàng năm).
Ẩm thực
5 kiểu ăn mì độc đáo ở Sài Gòn (phần 02)
Cùng tiếp tục khám phá 5 món mì độc đáo mà bạn có thể tìm thấy ở Sài Gòn nhé! 1. Mì sủi cảo Hà Tôn Quyền Con đường nhỏ Hà Tôn Quyền trong Chợ Lớn có lẽ đã định danh với món mì sủi cảo tôm được xem là ngon nhất ở Sài Gòn. Từ đầu giờ chiều trở đi, con đường này trở nên tấp nập lạ thường bởi đông đảo thực khách ra vào chỉ để tìm ăn món sủi cảo này. Nếu bạn gọi "thập cẩm" thì sẽ nhận ngay một tô tuy nhỏ nhưng thành phần rất phong phú bao gồm mì, nhiều viên sủi cảo nhân tôm, cá viên, mực, da heo và rau cải. Nước dùng trong vắt, loáng một lớp mỡ mỏng, vị ngọt lịm. Món sủi cảo có thể ăn khô hoặc ăn nước, hoặc chiên giòn lên chấm với tương và sa tế rất thú vị. Sủi cảo có vỏ là bột mì, trong là nhân thịt với tôm. Theo nhiều tài liệu thì sủi cảo là món biến thể của vằn thắn. Vằn thắn thường có nhân thịt, rau bắp cải, hành lá nhưng vằn thắn có nhân tôm gọi là sủi cảo. Sủi cảo luộc tới đâu bán tới đó vì sẽ không bị dính lại với nhau. Sủi cảo cùng 1 họ với vằn thánh mà trong Nam hay gọi trại đi là "hoành thánh". Tên gọi này xuất phát từ âm Quảng Châu của chữ "vân thốn", cũng có nghĩa là "nuốt mây" (do hình dáng của miếng hoành thánh chăng?). Còn tên gọi "sủi cảo" chỉ loại hoành thánh nhân tôm thì xuất phát từ phát âm "thủy giáo".
Ẩm thực
5 kiểu ăn mì độc đáo ở Sài Gòn
Tuy cọng hủ tiếu được sản sinh ở những nước Đông Dương xưa (có thể từ thế kỷ 17 đến 18), thì sợi mì vẫn tồn tại song song trong đời sống ẩm thực của cộng đồng Hoa kiều. Và cụm từ "hủ tiếu mì" như một mặc định rằng những tiệm ăn của người Hoa luôn sẵn sàng phục vụ 2 món ăn đặc trưng này. Thiếu 1 trong 2, xem như là "trật bài". Những biến thể trong việc thưởng thức món mì cũng rất ư là thú vị. Cùng khám phá 5 cách ăn mì thú vị của Sài Gòn nhé! 1. Mì sườn kho Nguyễn Thiện Thuật Với món mì sườn kho độc đáo này, điểm nổi bật là phần nước dùng hơi sánh cùng những miếng sườn non được kho mềm và đậm đà. Với món này có lẽ bạn không cần phải nêm nếm gì nhiều bởi tự thân miếng sườn và nước dùng đã đủ độ đậm đà rồi. Một cách ăn khá thú vị, nếu không nói là hiếm thấy ở Sài Gòn. Địa chỉ: 80 Nguyễn Thiện Thuật, phường 03, quận 03 Mở cửa: từ 6h sáng đến 10h tối Giá bán: Mì sườn kho (35.000đ/tô)
Ẩm thực
Điểm tâm ngon giữa lòng Sài Gòn
Đi tìm món ăn điểm tâm (dim sum) kiểu Sài Gòn xưa, nhiều người thường tìm đến tiệm Tân Sanh Hoạt (đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 03), nơi còn lưu giữ một phần hồn của tiệm nước Sài Gòn. Theo nhiều nguồn tài liệu, nguồn gốc của các món dim sum, tức "điểm sấm", mà người Việt hay gọi trại thành "điểm tâm", xuất phát từ thói quen dừng chân dùng trà cho lại sức dọc theo Con đường Tơ lụa (Silk Road - con đường huyền thoại nối liền Trung Hoa rộng lớn với vùng Tây Á). Từ nhu cầu đó, các trà quán mọc lên như những trạm dừng lý tưởng. Thoạt đầu các trà quán chỉ phục vụ trà mà không có thức ăn bởi ngày đó người ta vẫn tin rằng dùng trà chung với thức ăn rất dễ gây tăng cân. Nhưng từ khi phát hiện ra tác dụng giảm cân của trà, các món ăn nhẹ bắt đầu được bán tại các trà quán này. Và cũng từ đó các món dim sum bắt đầu được phát triển và trở nên đa dạng như ngày nay.
Ẩm thực
Quầy bánh Huế độc đáo bên hông chợ Bàn Cờ
Nếu có dịp đến khu vực đằng sau chợ Bàn Cờ (hẻm 51 Cao Thắng, quận 03) vào đầu giờ chiều, bạn sẽ bắt gặp vô số quán ăn hấp dẫn. Có hẳn một bãi gửi xe nhỏ để thực khách có thể yên tâm nhẩn nha tìm kiếm món ăn mình yêu thích, từ cháo Tiều, hủ tiếu, chè Tàu, gỏi cuốn, ốc, bánh ướt... trong đó nổi bật nhất là quầy bánh Huế trước cửa số nhà 51/75. Điểm dễ nhận thấy nhất vào giờ cao điểm của quầy bánh Huế này là cả chủ lẫn nhân viên đều tất bật, luôn tay xếp các món bánh Huế vào dĩa để kịp phục vụ số đông thực khách. Một dĩa bánh Huế thập cẩm ở đây bao gồm bánh bèo, bánh nậm và bột lọc, ăn kèm với chả cây và nem chua nướng. Phủ lên trên là một lớp mỡ hành hấp dẫn cùng với bánh mì chiên (tương tự như quầy bánh Huế trong chợ Cũ hay quán 18A Cao Bá Nhạ cùng ở quận 01).
Ẩm thực
Khám phá 'con đường bánh tráng' trước chợ Bình Tây
Rất nhiều người khi chiều muộn, đêm về đã tìm tới tới con đường chuyên bán đủ loại bánh tráng từ Tây Ninh ở trước cửa chợ Bình Tây (quận 6) để thưởng thức đủ loại bánh tráng ngọt bùi chua cay. Nhiều người gọi con đường Tháp Mười và đường Nguyễn Hữu Thận ngay trước cổng chợ Bình Tây là "con đường bánh tráng", bởi lúc chiều tối, nơi này tập trung những xe di động bán đủ loại bánh tráng. Là một trong những chợ đầu mối quan trọng của Sài Gòn, chợ Bình Tây có thể nói là đầu mối cung cấp nguồn bánh tráng và muối tôm Tây Ninh cho khắp thành phố. Chỉ cần tấp xe vào ven đường là đã có đủ loại bánh tráng, tính ra có tới vài chục loại. Nào bánh tráng tắc chỉ với 3.000đ/bịch, gồm vài sợi bánh tráng, một chút muối tôm và một trái tắc, vậy mà trộn đều lên ăn ngon tuyệt. Bánh tráng me 5.000đ/bịch gồm vài miếng bánh tráng, đem cuộn tròn rồi chấm vào sốt me đóng gói sẵn, chút đậu phộng, hành phi làm cho lũ học trò phải mê mẩn.
Ẩm thực
Tuyệt đỉnh của hủ tiếu bò viên Sài Gòn
Nằm trong con hẻm lớn 145 Nguyễn Thiện Thuật thông với chợ Bàn Cờ (quận 03), quán hủ tiếu bò viên Trường Thạnh này đã có thâm niên phục vụ thực khách hơn 40 năm nay. Đây cũng là điểm ăn chơi vang bóng một thời, nổi danh không kém gỏi đu đủ - khô bò - nước mía Viễn Đông (trên đường Pasteur, quận 01 ngày nay), bánh tôm hẻm Casino (hẻm 63 Pasteur cũng ở gần đó), bánh mì thịt trước chợ Trương Minh Giảng (nay là chợ Nguyễn Văn Trỗi ở quận 03)... Quán trứ danh với món bò viên to, tròn, chia hẳn làm 2 loại là bò viên thường và bò viên gân. Từ nhiều năm qua, quán vẫn giữ nguyên truyền thống lấy thịt bò nóng trong các phiên chợ buổi sáng sớm đề làm bò viên. Viên bò giã bằng tay hình như là ngon hơn làm bằng máy, giòn và dai hơn nhiều.
Ẩm thực
Bánh ướt ngon của Sài Gòn
Có mặt từ năm 1970 ở đường Bà Huyện Thanh Quan (quận 03), quán bánh ướt Hiền là nơi tìm về của những thực khách hoài cổ. Đã hơn 40 năm tồn tại ở khu trung tâm của Sài Gòn, quán vẫn giữ nguyên vẻ mộc mạc của những ngày tháng cũ. Khách tới đây ăn bánh ướt chủ yếu là khách quen. Mà dường như với chủ quán thế cũng là đủ. Bởi vậy mà không biển hiệu màu mè, cũng không trình bày đồ ăn cho bắt mắt. Có nhiều vị khách ngoài 60 tới đây ăn đã hàng chục năm rồi, từ những ngày họ còn là học sinh trường Pétrus Ký hay Trưng Vương ngày trước. Anh Hiền, chủ quán bánh ướt cho biết, má anh bán từ năm 1970 tại căn nhà riêng này của gia đình. “Hồi đó ở Sài Gòn, quán bánh ướt không nhiều. Nếu như món bánh cuốn là loại bánh di cư từ Bắc vào thì bánh ướt ăn kèm với bánh tôm là món đặc trưng của Sài Gòn, ra đời tại Sài Gòn”, anh Hiền cho biết.
Ẩm thực
Thèm lắm bột chiên Sài Gòn!
Bột chiên Sài Gòn khởi nguồn chắc chắn từ Chợ Lớn, nơi tập trung đông đảo cộng đồng người Hoa sinh sống. Nhưng "công lớn" phổ biến món ăn này với người Sài Gòn có lẽ là con đường Võ Văn Tần ở quận 03. Tôi còn nhớ những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, khi những món ăn chơi còn khan hiếm, thì cả một dãy đường Võ Văn Tần đã nở rộ món bột chiên này. Cũng xuất phát từ những gia đình gốc Hoa, nhưng cách chiên bột đường Võ Văn Tần lại rất khác trong Chợ Lớn. Điểm dễ thấy nhất là cách chiên này rất nhiều dầu, thậm chí có cảm giác miếng bột như ngập trong dầu. Trong khi đó trong Chợ Lớn phần này lại được tiết chế rất nhiều. Có lẽ vì vậy mà miếng bột chiên "kiểu Sài Gòn" này lại giòn, nóng hơn rất nhiều so với cách chiên truyền thống.
Ẩm thực
Quán bò viên 50 năm cực ngon trên đường Lý Chính Thắng
Món bò viên ở Sài Gòn rất phổ biến. Nhưng tìm được chỗ ngon và chất lượng thì không dễ chút nào. Nhịp sống bận rộn nên rất ít quán còn giữ được truyền thống tự mua thịt bò nóng về làm mà thường lấy ở các mối bỏ sĩ. Cách làm bò viên của người Hoa gốc Quảng có phần tương đồng với cách làm giò lụa của người Việt, nghĩa là phải xay thịt bò lúc còn nóng hổi. Cách làm này rất cực, vì chủ quán phải dậy từ 4 - 5h giờ sáng đến các lò mối mới có thể lấy thịt sống. Thịt lấy xong còn nóng hổi, đem về phải xay liền mới có thể tạo ra những viên bò viên ngon, dai, đúng với chất lượng mong muốn. Quá trình này phải tốn thêm vài giờ đồng hồ nữa. Đó cũng là lý do vì sao những quán chuyên về bò viên thường mở cửa vào đầu giờ chiều và bán cho đến tận khuya là vậy (quán bò viên Vĩnh Viễn, Nguyễn Thượng Hiền...).
Ẩm thực
Vào hẻm tìm ăn canh bún Sài Gòn
Món canh bún đặc trưng Sài Gòn không thể thiếu rau muống luộc, huyết heo và đậu hũ chiên vàng cùng miếng cua béo ngậy. Nhiều người phải đi vào con hẻm đông đúc của Nguyễn Đình Chiểu ở quận 03 để tìm ăn món này. Quán lúc nào cũng tấp nập thực khách. Người Sài Gòn chuộng cả bún riêu và canh bún, có nơi sẽ có hai nồi nước lèo, có nơi chỉ duy nhất một nồi. Nhiều khi có cảm giác tô bún riêu và canh bún chỉ khác nhau ở rau ăn kèm. Đã là canh bún thì không ăn rau sống như bún riêu mà chỉ ăn kèm rau muống, đồng thời dùng sợi bún to như sợi bánh canh nhuộm màu gạch tôm. Tô canh bún ở đây có thành phần rất hùng hậu, gồm riêu cua đã được nén rồi cắt miếng vuông, ăn thơm nức mùi cua chứ không pha nhiều đậu hũ như các hàng khác, vài miếng huyết heo, đậu hũ chiên, miếng chả lụa to, lát cà chua đỏ rực đối chọi với rau muống luộc xanh mướt, tất cả tạo nên một tổng thể màu sắc thật hấp dẫn.
Ẩm thực
Chuối nếp nướng thơm lừng cả góc phố
Muốn tìm ăn món chuối nếp nướng dân dã Nam bộ ngay ở trung tâm Sài Gòn, nhiều người thường ghé đầu hẻm 378 Võ Văn Tần (quận 03) cho tiện, mà lại tuyệt ngon nữa. Hơn 15 năm nay, chị Tám chuối vẫn cần mẫn với nghề làm chuối nếp nướng. Chị tên là Tám, bán chuối nếp nướng nên biệt hiệu này quả là tiện lợi. Thỉnh thoảng chị mới ghé quán nên khách tới ăn thường chỉ thấy nhân viên của chị. Nghe đồn, để được làm nhân viên chuyên nướng chuối ở đây, tay nghề nướng phải thật cao chị mới tuyển. Phải trở đều tay để có mẻ chuối nếp nướng vàng ruộm, không có phần nào cháy khét, làm việc được ở cường độ cao khi khách đông. Gọi là quán nhưng thực ra chỉ là một quầy nhỏ chừng vài mét vuông ngay đầu hẻm 378 Võ Văn Tần, chung với hàng bánh tráng trộn và các loại trái cây ăn vặt. Chỉ có đúng một ghế cho khách ngồi ăn tại chỗ, còn lại phải ngồi trên xe máy ăn hay chủ yếu là mua mang về.
Ẩm thực
Ngon lạ mì sườn kho trên đường Nguyễn Thiện Thuật
Hành trình của cọng mì và sợi hủ tiếu của người Hoa trong ẩm thực Việt là một chủ đề khá thú vị. Trong đó phải kể đến cọng hủ tiếu dai trong hủ tiếu Nam Vang, vốn được sáng tạo bởi những người Mẫn Nam (Phúc Kiến) trong giai đoạn di cư về phía những nước Đông Nam Á, với bột gạo là nguyên liệu chính. Do không có nguyên liệu làm cọng mì, họ đã dùng nguyên liệu tại chỗ là gạo để chế sợi thay cho mì. Bởi từ đầu thế kỷ trước, 3 nước Đông Dương đã là một vựa gạo khổng lồ với sản lượng xuất khẩu lên đến hơn 1.5 triệu tấn hàng năm. Tuy cọng hủ tiếu được sản sinh ở những nước Đông Dương xưa (có thể từ thế kỷ 17 đến 18), thì sợi mì vẫn tồn tại song song trong đời sống ẩm thực của cộng đồng Hoa kiều. Và cụm từ "hủ tiếu mì" như một mặc định rằng những tiệm ăn của người Hoa luôn sẵn sàng phục vụ 2 món ăn đặc trưng này. Thiếu 1 trong 2, xem như là "trật bài".
Ẩm thực
'Pizza bánh tráng nướng' - đặc sản Đà Lạt ở Sài Gòn
Cái tên nửa Tây nửa ta này do nhiều bạn trẻ đặt ra, bắt nguồn từ những biến tấu hết sức thú vị của món ăn chơi có xuất xứ từ Đà Lạt này. Phần nhân của bánh tráng nướng rất phong phú, nếu không nói là đặc sắc hơn pizza rất nhiều. Mới chỉ có mặt ở trước số nhà 61 đường Cao Thắng (quận 03) từ gần hai năm nay, món bánh tráng nướng độc đáo do cô chủ quán tự sáng tạo dựa trên phiên bản bánh tráng nướng Đà Lạt thu hút đông đảo giới trẻ. Cô chủ quán cho biết, chỉ ăn một lần loại bánh tráng nướng ở Đà Lạt, cô mê luôn nên về Sài Gòn là mở ngay quán bán món này.
Ẩm thực
Vị thanh của phở Dậu
Gần 55 năm có mặt ở Sài Gòn, phở Dậu vẫn trung thành với phong vị phở Bắc xuất phát từ Nam Định, tuyệt nhiên không rau giá nhưng lúc nào cũng đông khách. Ông Uông Văn Bình, năm nay 70 tuổi, người con trai nối nghiệp bán phở bà Dậu từ hơn ba chục năm nay cho biết, mẹ ông mở quán phở ở Sài Gòn từ năm 1958, sau khi di cư từ quê hương Nam Định vào đây. Nam Định là một trong những nơi có nhiều người có nghề nấu phở. Theo tư liệu của các gia đình hành nghề phở ở Vân Cù, khoảng năm 1925, ông Vạn là người Nam Định đầu tiên trong làng ra Hà Nội mở quán ở phố hàng Hành. Ông Bình cho biết, cách nấu phở bây giờ vẫn giữ nguyên công thức như xưa của bà Dậu, đó là chỉ dùng xương ống bò để nấu phở.
Ẩm thực
Vang bóng một thời phở Phú Gia
Tô phở Phú Gia nức tiếng một thời ở Hà Nội đã xuất hiện tại Sài Gòn gần 30 năm qua, với một hương vị có thể xem là "bảo thủ" nhất của phở Bắc trên đất Sài thành. Quán phở Phú Gia nhỏ xíu nằm khiêm nhường trên đường Lý Chính Thắng (quận 03) này lúc nào cũng tấp nập thực khách. Vào những ngày cuối tuần, mọi người thường phải chen nhau trong cái quán nhỏ nóng nực kê chừng 8 chiếc bàn để ăn cho kỳ được tô phở ở đây. Chủ quán rất kiệm lời nhưng cũng chia sẻ rằng ngày xưa “ông ngoại chuyên nấu phở cho nhà hàng Phú Gia ở Hà Nội từ thời Pháp thuộc, và phở chỉ bán cho người Pháp”. Nhà hàng Phú Gia nức tiếng ở Hà Nội trong một thời gian rất dài, trước và sau năm 1945, thậm chí cho đến thời kỳ bao cấp. Những người con cháu của ông cụ vào Sài Gòn lập nghiệp sau năm 1985 và bắt đầu bán món phở gia truyền. Cách bán phở ở đây rất "bảo thủ", bởi chủ quán nhất quyết không bán phở kèm rau và tương đen như đa số các quán phở tại Sài Gòn, mặc dù có nhân nhượng khách hàng ở món giá trụng. Ăn kèm với phở chỉ có chanh, tỏi ngâm dấm, tương ớt, chén hành tây và hành lá chẻ hoặc quẩy chiên giòn nếu khách yêu cầu.
Ẩm thực