Quán ăn 5 ngàn: Câu chuyện tiếp sức cộng đồng của người từng ‘sẵn sàng ra đi’

06/09/2022 11:09 GMT+7

“Văn minh, hiện đại, nghĩa tình” được xem là slogan khi nói về TP.HCM. Slogan đó, được chính quyền thành phố khởi xướng, và càng ý nghĩa hơn khi được cộng đồng tích cực cộng hưởng, lan tỏa bằng những cách rất nghĩa tình để tiếp sức cho nhau.

Tháng 9.2022, tầm này của 1 năm trước, trong cơn bão đại dịch Covid-19 chưa có tiền lệ, TP.HCM đang trong những ngày “ai ở đâu ở yên đó”. Sống và làm việc ở thành phố này, tôi vẫn không thể nào quên tình cảm của bà con khắp nơi trên cả nước đã tiếp sức, đã dành bao la tình cảm cụ thể, với những mong ước quá đỗi thương yêu, để thành phố sớm vượt qua những ngày tháng đầy khó khăn ấy.

Đó là cả một câu chuyện rất dài về nặng sâu nghĩa tình, mà tôi nghĩ thật khó định lượng được trọn vẹn hết.

Quán ăn Sớm Mai tại địa chỉ 89 đường số 385, tổ 4, khu phố 6, P.Tăng Nhơn Phú (TP.Thủ Đức) với slogan "tiếp sức cộng đồng"

ĐÌNH PHÚ

Nhà báo Phương Huyền (công tác ở Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM - VOH) hồi năm 2021 khi gửi bài dự thi cuộc thi Vượt qua Covid-19 - Đồng lòng chống dịch do Báo Thanh Niên tổ chức, đã viết những câu thơ, mà theo cảm nhận của tôi, là rất đặc trưng: "Ai đến đất này đều được yêu thương hết… Sài Gòn vẫn giang rộng vòng tay đón người tứ xứ…".

Nhớ về những nghĩa tình của cả nước dành cho TP lúc khó khăn hoạn nạn. Nghĩ về một thành phố bao dung, nghĩa tình, tôi thường nhớ ngay đến những câu thơ ấy của nhà báo Phương Huyền.

Và, cả nước cũng luôn thể hiện tình nghĩa, bao dung với TP này bằng nhiều phương cách khác nhau. Nhất là dành trọn yêu thương cho nhau lúc khó khăn hoạn nạn, tình cảm ấy còn gì quý hơn…

Tôi nghĩ đó không phải là vấn đề “có qua có lại mới toại lòng nhau” thuần túy trong ứng xử đời thường, mà trên hết là nghĩa tình “nghĩ cho nhau, giúp cho nhau nhiều hơn”.

Chị Thanh (57 tuổi) là bếp trưởng của quán ăn Sớm Mai. Chị Thanh nấu món bún cá ngừ và chả cá rất thơm ngon

ĐÌNH PHÚ

“Nghĩ cho nhau, giúp cho nhau nhiều hơn” là điều rất dễ nhận ra trong đời sống thường nhật ở TP này, bởi những câu chuyện nghĩa tình đã trở thành nếp sống thân thương và từ lâu của người Sài Gòn.

Cảm nhận của tôi là vậy!

TP.HCM là đầu tàu kinh tế của cả nước, khi mỗi năm đóng góp gần 1/3 ngân sách quốc gia. Về kinh tế, TP.HCM giàu khi nhiều người nhìn ở khía cạnh đó. Với tôi, TP.HCM còn “giàu” ở những câu chuyện nhân ái.

Đa phần thực khách của quán ăn Sớm Mai là sinh viên, lao động phổ thông ở trọ. Chỉ phải trả 5.000 đồng, họ đã có 1 suất ăn ngon

ĐÌNH PHÚ

Trong hàng triệu người tứ xứ đến TP.HCM học tập, lập nghiệp, làm việc, mưu sinh, có không ít người hoàn cảnh khó khăn, chật vật qua ngày. Ở góc độ cộng đồng, có sự thấu hiểu và chung lòng tiếp sức bằng những việc làm cụ thể. Đó là những suất cơm 2.000 đồng, những tủ bánh mì 0 đồng… thật sự như những dòng chảy của lòng nhân ái qua tháng năm.

Tôi nghĩ “dòng chảy” ấy là một “nguồn lực” giúp nhiều người khó khăn trụ lại được ở TP, có thêm động lực tinh thần để vượt qua gian lao vất vả trên đường mưu sinh cho bản thân, cho cả những người thân ở quê nhà.

Khách đến ăn ở quán Sớm Mai, 5.000 đồng mỗi suất ăn và tự trả tiền vào thùng để ở quán

ĐÌNH PHÚ

Hồi mới đến TP.HCM làm việc và sinh sống vào cuối năm 2011 theo diện nhập cư, tôi đã nghe anh em kể về mô hình “Người tôi cưu mang” với những suất ăn nghĩa tình cho người nghèo khó ở thành phố. Mô hình sẻ chia ý nghĩa đó, đến nay vẫn duy trì một quán ăn trên đường Ngô Quyền, Q.5.

Rồi từ năm 2012, hệ thống quán cơm Nụ Cười hình thành, đến nay có 5 quán hoạt động trên địa bàn TP.HCM. Tôi từng ăn cơm của những quán cơm Nụ Cười, chỉ 2.000 đồng/suất, nhưng rất ngon, sạch sẽ, no bụng. Hệ thống Nụ Cười từ những ngày đầu, và đã hoạt đồng đều đặn đến bây giờ, nhờ vào sự chung tay hỗ trợ của những người có lòng hảo tâm, đa phần ở TP.HCM.

Chị Cúc và con trai út (đang học lớp 10) cùng tình nguyện phụ giúp quán ăn Sớm Mai với tinh thần tiếp sức cộng đồng. Chị Cúc và con trai tham gia từ ngày đầu quán khai trương

ĐÌNH PHÚ

Vào thời điểm năm 2012, nhà báo Nam Đồng, Tổng biên tập Báo Pháp luật TP.HCM (đã nghỉ hưu) là một trong những người tiên phong mở ra hệ thống Nụ Cười.

Có lần gặp gỡ, nhà báo Nam Đồng chia sẻ với tôi về lý do vì sao mỗi suất cơm vẫn bán giá 2.000 đồng (chưa bằng 1 ly trà đá trong nhiều hàng quán), đại ý rằng: Cơm của Nụ Cười không phải là cơm bố thí cho ai cả, mà là “bán mua” hẳn hoi. Ở đó, có trách nhiệm phục vụ tử tế của “bên bán” và cả quyền được phục vụ đàng hoàng của “bên mua”. “Bên mua” hoàn toàn không phải mang tiếng là “đi xin ăn” gì cả…

Làm thiện nguyện với tinh thần ấy, thật đặc biệt làm sao!

Chị Lan (58 tuổi) là người có nhiều năm gắn bó với công việc tình nguyện phục vụ các bếp cơm từ thiện. Hiện nay chị Lan tình nguyện phục vụ tại quán ăn Sớm Mai, để quán có thể phục vụ tầm 200 tô bún cá mỗi khi mở bán

ĐÌNH PHÚ

Từ tinh thần của Nụ Cười, giờ đây nhiều mô hình tương tự đã lan tỏa rộng khắp, ngay ở TP.HCM và nhiều tỉnh, thành khác trên cả nước. Điển hình như hệ thống quán Yên Vui đã hiện diện ở Đà Nẵng, Quảng Trị, Gia Lai, An Giang, Cần Thơ, Hà Nội...

Và, quán ăn Sớm Mai tại địa chỉ 89 đường số 385, tổ 4, khu phố 6, P.Tăng Nhơn Phú (TP.Thủ Đức) với slogan "tiếp sức cộng đồng", cũng chung tinh thần "người đi trước rước người đi sau".

Tôi và một số anh em, đồng nghiệp từng ghé ăn bún cá 5.000 đồng ở quán ăn Sớm Mai. Rất ngon! Đó là cảm nhận của tôi cũng như nhiều người

đình phú

Từng nhiều năm làm báo ở nhiều cơ quan báo chí khác nhau, anh Lê Ngọc Thịnh, người mở quán ăn Sớm Mai, từng đối diện tình cảnh “sẵn sàng tư thế ra đi”, “không nói nổi trọn một câu vì bị đứt hơi”... Mấy năm trước, anh không may trải qua ca phẫu thuật (ung thư đại tràng) cắt 6 tấc ruột do khối u “xù xì hình vòng nhẫn, dài 5 cm” - như lời tự sự của anh trong một bài viết đã đăng báo Ung thư, nếu không diệt bỏ u sầu sẽ chết sớm. Khi vượt qua đại nạn ấy một cách kỳ diệu, anh nhiều lần chia sẻ dự định “làm một việc gì đó để tiếp sức cộng đồng”.

“Một việc gì đó”, đã được anh Lê Ngọc Thịnh cụ thể hóa thành quán ăn Sớm Mai, mang tên con gái của anh. Thuê mặt bằng là một ngôi nhà ở 89 đường số 385, tổ 4, khu phố 6, P.Tăng Nhơn Phú (TP.Thủ Đức) - nơi gần đó có rất nhiều trường đại học, cao đẳng, và rất nhiều người tứ xứ đến ở trọ đi bán vé số, lao động phổ thông..., anh sửa sang lại, quyết định mở quán vào năm 2021. Do vướng đại dịch Covid-19 kéo dài, đến tháng 6.2022 quán Sớm Mai mới có thể khai trương.

Anh Thịnh cười tươi với số tiền thu được từ quán ăn Sớm Mai. Theo chia sẻ của anh Lê Ngọc Thịnh, mỗi tháng anh chi thêm mấy chục triệu đồng để duy trì hoạt động của quán với tinh thần tiếp sức cộng đồng

N.T

Quán Sớm Mai phục vụ món bún cá ngừ, chả cá, định kỳ vào mỗi trưa thứ hai, thứ tư và thứ sáu hằng tuần. Mỗi tô bún cá, giá 5.000 đồng. Mỗi bữa mở bán, thường hết khoảng 30 ký bún tươi, tương đương khoảng 200 tô bún. Có ngày quán đông, phục vụ hơn 200 tô. Khách chủ yếu là các bạn sinh viên, những người bán vé số, lao động phổ thông ở trọ.

Nghĩ về Người tôi cưu mang, Nụ Cười, Yên Vui, Sớm Mai… và nhiều địa chỉ yêu thương khác nữa, tôi lại nghĩ về nghĩa tình của thành phố nơi tôi đang sống, nghĩ về chuyện “nghĩ cho nhau, giúp cho nhau nhiều hơn”.

Dòng chảy nghĩa tình ấy, như cùng gom góp, vun đắp, gìn giữ cho nhau ở đời sống này những điềm lành, những chuyện đẹp.

Những điềm lành ấy, những bạn trẻ, những người “đang khổ” - có khi là thực khách của những “địa chỉ yêu thương”, một lúc nào đó, có thể hôm nay hoặc nhiều năm sau, họ chân thành kể lại cho người quanh mình, hẳn dòng chảy nghĩa tình sẽ mãi đong đầy chuyện đẹp quanh ta.

Tất cả cùng dành cho nhau những điềm lành từ nhiều việc thiện nguyện, ý nghĩa như thế, còn gì quý hơn!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.