Việc Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường thực hiện thống kê dữ liệu chi tiết đến từng số chứng minh nhân dân, số điện thoại, ngày tháng năm sinh của phụ huynh đặt ra nhiều vấn đề về cách làm, hiệu quả cũng như an toàn bảo mật thông tin.
Tâm trạng chung của những người làm công tác thống kê ở các trường hiện nay là quá ngao ngán trước các yêu cầu bất khả thi của Bộ GD-ĐT. Để có số chứng minh nhân dân, ngày tháng năm sinh của cha mẹ sinh viên ở tất cả các hệ đào tạo từ chính quy đến các loại hình khác, ở tất cả các cấp học từ trung cấp sư phạm đến nghiên cứu sinh là không dễ.
Vì không thể thực hiện được nên các trường mới buộc phải làm... đại, nghĩa là cho dữ liệu khống. Điều này sẽ khiến dữ liệu nếu có sẽ không đảm bảo độ tin cậy để Bộ có thể quản lý được. Trên thực tế nhiều năm nay các trường vẫn có thể quản lý sinh viên theo nhiều cách khác nhau mà không cần nhiều khoản kê khai theo mẫu yêu cầu của Bộ.
Đó là chưa kể, nhìn vào các khoản kê khai khá buồn cười. Sinh viên 18 tuổi, đủ độ tuổi trưởng thành, chưa kể sinh viên các hệ đào tạo khác như vừa học vừa làm, liên thông… đều không còn nhỏ nữa sao lại cần thêm thông tin của cha mẹ? Chưa nói, học viên cao học hay nghiên cứu sinh tiến sĩ, nhiều người trong đó đã là phụ huynh rồi thì có cần quản luôn cả thông tin cha mẹ của họ?
Điều quan trọng là hiện nay chính các trường dù thực hiện nhưng vẫn không biết thật sự việc tập hợp dữ liệu quá chi tiết cho mục đích gì. Thông báo của Bộ lại rất chung chung khi cho rằng chế độ báo cáo thống kê này nhằm phục vụ yêu cầu quản lý ngành. Nếu để quản lý công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, thông tin việc làm sau khi sinh viên ra trường… nhằm quyết định việc cấp chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm cho các trường thì có cần thông tin chi tiết đến cha mẹ sinh viên như yêu cầu của Bộ? Chính vì mục đích mơ hồ đã khiến cán bộ quản lý ở nhiều trường ĐH cho rằng Bộ đang đi ngược với thực tế là giao quyền tự chủ cho các trường. Việc quản lý dữ liệu sinh viên là trách nhiệm và nghĩa vụ của các cơ sở giáo dục thì không lý do gì phải thêm một cấp nữa từ Bộ GD-ĐT.
Bảo mật thông tin cá nhân là một vấn đề cần được nhắc đến nếu thực hiện theo yêu cầu này, nhất là trong thời đại phát triển của công nghệ. Chỉ với thông tin số điện thoại, địa chỉ nhà (trường) của các thí sinh dự thi đại học mà cũng đã trở thành “tài sản” quý giá để một số nơi trục lợi khi bán thông tin này thì huống hồ với một “kho” dữ liệu đồ sộ tất tần tật mọi thông tin của sinh viên và người thân, ai sẽ chịu trách nhiệm nếu bị lọt ra ngoài?
Với hơn 1,5 triệu sinh viên từ trung cấp đến đại học thuộc các trường do Bộ GD-ĐT quản lý, chưa kể số học viên cao học và nghiên cứu sinh, số liệu này là rất lớn. Đây sẽ là nguồn thông tin béo bở cho những cá nhân, tổ chức nào sở hữu được nếu không may bị rò rỉ.
Bộ nên có một câu trả lời rõ ràng hơn khi thực hiện việc thống kê và cũng xem lại điều này có thật sự cần thiết. Nếu không, dễ khiến các trường có suy nghĩ Bộ đang sợ mất quyền!
Bình luận (0)