Đấy là cô chủ Chu Thị Phương Mai (cựu sinh viên Trường ĐH Nông lâm TP.HCM). Với sự yêu thích vẻ đẹp mộng mơ và nhẹ nhàng của Đà Lạt, cộng với khả năng bắt “trend” giới trẻ rất tốt nên Phương Mai quyết tâm mang hơi thở Đà Lạt về với người trẻ TP.HCM bằng quán chè độc đáo của mình.
Căn nhà gỗ độc đáo thu hút giới trẻ
|
Mai kể: “Không chỉ mình thích, mà mình thấy giới trẻ bây giờ đa phần cũng đều thích những gì mang phong cách của Đà Lạt, nhất là ở thành phố sôi động này. Hơn nữa, thực tế đứa em làm chung với mình, cứ vài tháng lại thấy nó mất tăm mất tích vì lại chạy lên Đà Lạt để đi chơi. Thấy đứa em cuồng Đà Lạt đến như vậy, mình mới nghĩ sao không mang chút gì đó của Đà Lạt về TP.HCM? Và thế là quán chè của 2 chị em ra đời”.
Bạn trẻ vừa được thưởng thức những món chè độc đáo, vừa được sống ảo với không gian mang hơi thở của Đà Lạt thơ mộng
|
Quán chè của Mai mang tên là căn nhà gỗ, cũng đúng như điểm nhấn mà giới trẻ rất thích khi đến với quán chè. Căn nhà được Mai và em trai dày công đi kiếm từng miếng gỗ từ nhiều nhà dân ở Lâm Đồng, và mày mò ghép, đóng thành căn nhà gỗ nhỏ nhỏ xinh xinh đúng như sở thích của 2 chị em.
Phương Mai rất thích chăm chút cho quán căn nhà gỗ độc đáo của mình
|
Căn nhà được đóng ngay tại Đà Lạt sau đó mới thuê xe chở về TP.HCM. Người viết thắc mắc: “Tại sao không mang gỗ vào TP.HCM rồi đóng nhà cho tiện?”.
Mai cười và nói: “Thế nên người ta mới nói mình dở hơi đó. Ai cũng thắc mắc vậy đó, nhưng tại vì chị em mình muốn căn nhà này phải mang được hơi thở của Đà Lạt nên quyết định đóng luôn trên đó rồi mới chở về”.
Hoa cũng được Mai chọn mua từ Đà Lạt về
|
Không chỉ tỉ mỉ với việc thiết kế và đóng căn nhà gỗ này, mà Mai còn cẩn trọng trong việc chọn phụ kiện trang trí quán, tất cả đều được chọn mua ở Đà Lạt về. Mai muốn căn nhà gỗ có thể là địa điểm để bạn trẻ ghé đến và lưu giữ những tấm hình như đang được ở Đà Lạt. Nên bạn trẻ nào đến với quán cũng như được tận hưởng một phần gì đó rất Đà Lạt ngay giữa lòng thành phố sôi động này.
Những đồ vật trang trí nhuốm màu thời gian
|
“Mình đã đến quán rất nhiều lần kể từ ngày quán mở đến giờ. Mình đến và rủ bạn bè cùng đi theo để chụp hình sống ảo. Vì tụi mình đứa nào cũng thích Đà Lạt cả, nên khi đến quán, mình có cảm giác như đang được ở Đà Lạt, chỉ khác cái là thời tiết TP.HCM không thể được như Đà Lạt thôi”, Lương Thị Thu Thảo, sinh viên Trường ĐH Văn Lang, chia sẻ.
Những món chè được chế biến rất bắt mắt
|
Mỗi lần đến quán, Thảo và bạn đều chọn ngồi ngay trước mặt quán, vì được ngắm nhìn căn nhà gỗ và những lọ hoa khô rất đúng phong cách của Đà Lạt.
Ngoài những vật dụng trang trí mang đậm nét của Đà Lạt, thì cô chủ tinh tế này còn chọn lựa những vật dụng đã nhuốm màu thời gian để tái hiện lại một khoảng không gian hoài cổ. “Thực ra nhà từ những miếng gỗ như thế này là phong cách của nhà nghèo mà, nên nhà nghèo chỉ xài những món đồ này thôi”, Mai cười và lý giải.
Chiều chiều, đến quán ngồi ngắm căn nhà gỗ, ăn bát chè, rồi tỉ tê với đám bạn đủ thứ chuyện trên đời
|
Điều đặc biệt hơn, đây không phải là dự án khởi nghiệp đầu tiên của Mai mà cô chủ cá tính này đã từng khởi nghiệp với quán cà phê nhạc acoustic rất thành công ở Dĩ An (Bình Dương). Sở dĩ Mai thành công với quán cà phê này, bởi vì lúc đó cô nàng đã mạnh dạn bắt kịp thời đại khi trang trí quán bằng những thùng container.
Có lẽ luôn tạo được những điều mới lạ, nên những quán của Mai khi lập ra đều rất đông khách, như quán chè độc đáo với căn nhà gỗ này cũng vậy.
Bình luận (0)