Quan chức giàu bất thường, hỏi dân là ra ngay

04/05/2020 04:58 GMT+7

Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cho rằng để loại bỏ những cán bộ tiêu cực, tha hóa, giàu nhanh bất thường, nhiều nhà, nhiều đất thì chỉ dựa vào bộ máy của Đảng, Nhà nước là chưa đủ, mà phải dựa vào ý kiến của nhân dân.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Túc (ảnh) tổng kết, trong suốt cả thời kỳ kháng chiến chống Pháp rồi cả thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, cho tới khi Bác Hồ mất, chỉ một quan chức cấp cao bị xử tử hình do tham nhũng là Cục trưởng Cục Quân nhu Trần Dụ Châu. Thế nhưng từ sau ngày đất nước thống nhất tới nay, càng về sau càng có nhiều cán bộ bị xử lý kỷ luật.
Quan chức giàu bất thường, hỏi dân là ra ngay1

ẢNH: GIA HÂN

 
“Chỉ riêng trong nhiệm kỳ Đại hội XII, đã có gần 100 cán bộ thuộc diện T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý bị xử lý kỷ luật, trong đó có cả ủy viên Bộ Chính trị và nhiều ủy viên T.Ư đương chức. Đó là chuyện mà trước đây người ta không hề nghĩ tới”, ông Túc bày tỏ.

Ăn hối lộ 70 tỉ thì không thể tưởng tượng nổi

Theo ông, vì sao càng ngày lại càng có nhiều cán bộ cấp cao bị xử lý kỷ luật?
Trong thời kỳ trước, khi dân tộc cùng hướng mục tiêu chung, cái tôi cá nhân lúc ấy rất nhỏ bé và luôn phải phục tùng cái chúng ta, cái chung. Thời đó, cán bộ được điều đi đâu là chấp hành nghiêm chỉnh, được bao nhiêu là do Đảng, Nhà nước cho anh chứ không đòi hỏi được. Bản thân cán bộ như chúng tôi lúc bấy giờ coi đòi hỏi là một sự sỉ nhục.

Để có thể phát hiện những người giàu nhanh, bất thường, nhiều nhà, nhiều đất thì không thể chỉ dựa vào bộ máy Đảng, Nhà nước mà quan trọng nhất là phải dựa vào dân. Bác Hồ đã từng nói: Có khó khăn gì, cứ về hỏi dân

Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam

Kể từ khi chúng ta đổi mới tới nay, với cái gọi là phát triển kinh tế nhiều thành phần theo cơ chế thị trường đòi hỏi phải giải quyết hài hòa lợi ích giữa cái riêng và cái chung, giữa cá nhân và tập thể. Song, nhiều người khi ở vào cương vị đứng đầu đã không giải quyết tốt mối quan hệ này. Nhiều người sau khi được bổ nhiệm các vị trí lãnh đạo, có quyền lực thì thay vì phục vụ nhân dân, đất nước, bắt đầu vun vén cho bản thân, gia đình. Và nó trở thành nguyên nhân của hành vi tham nhũng, chạy chức chạy quyền, mua quan bán chức, chạy luân chuyển, chạy quy hoạch rồi thậm chí cả chạy tội...
Đây có phải là lý do trong bài viết mới đây, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đặc biệt lưu ý, kiên quyết không để lọt vào T.Ư những cán bộ có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất, nhiều tài sản khác mà không giải trình rõ được nguồn gốc...?
Ở thế hệ như chúng tôi, phẩm chất, đạo đức thể hiện rõ nhất ở bản lĩnh chính trị, lý lịch bản thân. Khi ấy, chúng tôi chỉ được điều lên làm thư ký cho các ủy viên Bộ Chính trị hay lãnh đạo chủ chốt là phải thẩm tra lý lịch đến nơi đến chốn. Nhiều người làm thư ký suốt đời không vào được T.Ư mặc dù rất giỏi. Nhưng vừa rồi, có người làm thư ký cho lãnh đạo chủ chốt là nghiễm nhiên có một bước thăng tiến, rồi vào T.Ư, nắm giữ các vị trí lãnh đạo quan trọng mà không chú ý tới phẩm chất, năng lực, cuối cùng gây ra hậu quả.
Quan chức giàu bất thường, hỏi dân là ra ngay

“Biệt phủ” của ông Phạm Sỹ Quý, nguyên Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Yên Bái, xây trên hàng ngàn mét vuông đất nông nghiệp được chuyển thành đất ở không đúng quy định, từng gây xôn xao dư luận hồi năm 2017

ẢNH: THÁI SƠN

Vì vậy, tôi rất tâm đắc với điểm này trong bài viết của Tổng bí thư. Nếu anh làm cán bộ mà lại giàu lên nhanh chóng, nhiều nhà, nhiều đất mà chả có lý do gì chính đáng thì chắc chắn là phải đặt câu hỏi. Như những bộ trưởng mà ăn hối lộ tới 70 tỉ đồng thì thật không thể tưởng tượng nổi. Vì vậy, với những cán bộ giàu nhanh, giàu bất thường phải thẩm tra thật kỹ, không để lọt vào T.Ư những người như vậy để hại nước, hại dân.

Chủ trương 1, biện pháp 10, quyết tâm phải 20

Nhưng hiện tại, không phải quan chức nào giàu có do tham nhũng, tiêu cực cũng xây biệt phủ; họ rất giỏi giấu giếm, không dễ gì biết được?
Đúng là muốn giám sát được tài sản của quan chức không phải là việc dễ. Để có thể phát hiện những người giàu nhanh, bất thường, nhiều nhà, nhiều đất thì không thể chỉ dựa vào bộ máy Đảng, Nhà nước mà quan trọng nhất là phải dựa vào dân. Bác Hồ đã từng nói: Có khó khăn gì, cứ về hỏi dân. Mới đây, Tổng bí thư cũng khẳng định: Dân biết cả đấy. Vì vậy, muốn biết quan chức có bao nhiêu nhà, đất, có giàu nhanh hay không, chỉ cần hỏi dân là biết. Tôi đề nghị những người dự kiến đưa vào T.Ư khóa XIII nên công khai để dân biết và giám sát.
Chúng ta thấy trong gần 100 cán bộ thuộc diện T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý bị kỷ luật trong nhiệm kỳ này hầu hết là do những sai phạm từ những nhiệm kỳ trước. Đáng nói, trong đó rất nhiều trường hợp mà từ trước đó, người dân đã có ý kiến nhưng vẫn lọt được vào tổ chức của Đảng, chính quyền ở nhiệm kỳ XII. Thành ra, nhiều người dân nói là người dân đã biết, đã nói từ trước nhưng Đảng không nghe. Như trường hợp của Trịnh Xuân Thanh là ví dụ rất rõ.
Từ năm 2013, Bộ Chính trị đã có Quyết định 218 quy định về việc Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị, xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Chỉ làm tốt quy định này tôi cho đã là tốt lắm rồi. Mà trong tiêu chuẩn của Ủy viên T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng như các chức danh lãnh đạo chủ chốt từ Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội... vừa sửa đổi thì ngoài uy tín lớn trong Đảng, Nhà nước, đã bổ sung cả uy tín trong nhân dân nữa. Vậy tại sao lại không lấy ý kiến nhân dân?
Cứ mỗi khi tới kỳ Đại hội Đảng là câu chuyện lựa chọn nhân sự lại được đặt ra, song như ông nói, chúng ta vẫn để lọt những “con sâu làm rầu nồi canh”, mà càng ngày lại càng nhiều hơn?
Chúng ta cũng phải xác định, không phải một lúc có thể giải quyết tuyệt đối chuyện này. Đó phải là cả một quá trình, từ hạn chế tới đẩy lùi. Ngay như Tổng bí thư cũng đã nói, “tránh tối đa những sai sót” trong công tác nhân sự để “xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch”. Như nhiệm kỳ Đại hội XII, chúng ta đã làm một bước hạn chế những tiêu cực, tham nhũng. Đại hội XIII, nếu làm tốt, chúng ta sẽ từng bước đẩy lùi tiêu cực, loại bỏ những đảng viên thoái hóa, biến chất để Đảng ngày càng trong sạch hơn.
Quan trọng nhất vẫn là quyết tâm thực hiện cho được những chủ trương, biện pháp đã đặt ra. Bác Hồ nói rằng, đầu tiên phải có chủ trương, đường lối đúng. Có chủ trương đúng rồi thì phải có phương pháp đúng. Có phương pháp đúng rồi thì phải có quyết tâm cao. Thế nên, Bác mới dạy rằng chủ trương 1, biện pháp phải 10, quyết tâm phải 20. Những khóa vừa rồi chủ trương của chúng ta bao giờ cũng đúng nhưng biện pháp chưa đầy đủ, chưa toàn diện và đặc biệt quyết tâm trong quá trình thực hiện thì còn thiếu. Đây là điểm phải khắc phục nếu muốn làm tốt công tác nhân sự Đại hội XIII.
Xin cảm ơn ông!
Trong bài viết Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng mới đây, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Nói đến chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng là nói đến chuẩn bị nhân sự Ban Chấp hành T.Ư Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhân sự lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước. Đây là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, có quan hệ đến sự sống còn của chế độ.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước đặc biệt lưu ý không để lọt vào Ban Chấp hành T.Ư khóa XIII những người có biểu hiện cơ hội chính trị, xu nịnh, tham nhũng, quan liêu, phe cánh, lợi ích nhóm; để nội bộ mất đoàn kết nghiêm trọng hoặc để xảy ra tham nhũng, tiêu cực lớn.
Kiên quyết không để lọt những người kê khai tài sản không trung thực, có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất, nhiều tài sản khác mà không giải trình rõ được nguồn gốc; bản thân hoặc vợ, chồng, con có lối sống thiếu gương mẫu, lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính.
Ý kiến
PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng

ẢNH: LÊ HIỆP

       
Phải xem xét, thảo luận từng trường hợp vào T.Ư khóa XIII
Để lựa chọn nhân sự T.Ư khóa XIII, trách nhiệm của T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XII rất lớn. Kinh nghiệm cho thấy, nếu chỉ thông qua, biểu quyết về đại thể mà không thảo luận, cân nhắc từng trường hợp vào vị trí nào, vào T.Ư để làm gì, yêu cầu mỗi vị trí ra sao, có phù hợp không thì dễ sót, lọt những người không đủ tiêu chuẩn, năng lực. Vì vậy, tôi cho rằng trách nhiệm trước hết là T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XII phải lựa chọn, đánh giá, cân nhắc, thảo luận kỹ từng trường hợp. Dù là mấy trăm người cũng phải dành thời gian để đánh giá kỹ về phẩm chất, trí tuệ, tư cách đạo đức và tất cả những thứ liên quan. Và quyết định nhân sự khóa mới sẽ gắn với trách nhiệm của Bộ Chính trị, T.Ư khóa này trước Đảng, cũng là trước nhân dân.
PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng
 
Ông Lê Quang Thưởng, nguyên Phó trưởng ban thường trực Ban Tổ chức T.Ư

ẢNH: NGỌC THẮNG

       
Công khai, dân chủ là con đường duy nhất
Để lựa chọn những nhân sự T.Ư đủ đức, đủ tài, xây dựng một Ban Chấp hành T.Ư khóa XIII thực sự trong sạch, đoàn kết, theo tôi không có con đường nào khác ngoài con đường công khai, dân chủ. Điều này phải được thực hiện từ đại hội cơ sở cho đến đại hội toàn quốc, như Tổng bí thư đã nói, “dưới có vững thì trên mới bền chắc được”. Công khai là phải giới thiệu những người được tiến cử vào cấp ủy, T.Ư để mọi người biết và giám sát. Bên cạnh việc thí điểm đại hội bầu trực tiếp bí thư, phó bí thư cấp ủy, tôi cho rằng danh sách đưa ra bầu cũng phải đảm bảo có số dư để đại biểu có quyền lựa chọn. Nếu bầu tròn thì chẳng có chỗ nào để lựa chọn cả. Như thế, tính dân chủ sẽ cao hơn.
Ông Lê Quang Thưởng, nguyên Phó trưởng ban thường trực Ban Tổ chức T.Ư
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.