Trung Quốc đã triển khai “gần 10 máy bay chiến đấu” gồm tiêm kích J-11 và máy bay chiến đấu ném bom JH-7 đến đảo Phú Lâm, theo đài Fox News ngày 23.2 dẫn lời 2 quan chức Mỹ.
Máy bay chiến đấu J-11 của Trung Quốc - Ảnh: Reuters |
Các quan chức trên cho hay, tình báo Mỹ đã nhìn thấy tiêm kích Shenyang (Thẩm Dương) J-11 và Xian (Tây An) JH-7 xuất hiện trái phép tại đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng. Chỉ mới tuần trước, Trung Quốc cũng đã đưa hệ thống tên lửa đất đối không HQ-9 đến đảo Phú Lâm, trong lúc Tổng thống Mỹ đang đón tiếp các nhà lãnh đạo ASEAN.
Một quan chức Mỹ nói rằng số máy bay được nhìn thấy tại đảo Phú Lâm khoảng dưới 10 chiếc. Tin tức này xuất hiện ngay lúc Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đang đón tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tại Mỹ, theo Fox News ngày 23.2.
Trong cuộc gặp ngày 23.2, ông Vương nói Mỹ nên chấm dứt các chuyến bay và tàu tuần tra quân sự gần các đảo mà Trung Quốc gọi là có tranh chấp tại Biển Đông. Đáp lại, Ngoại trưởng Kerry nói rằng muốn Trung Quốc chấm dứt việc quân sự hoá tại các đảo này.
Ngay trước chuyến thăm của ông Vương Nghị đến Washington, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói rằng việc thiết lập trang thiết bị quân sự trái phép trên đảo Phú Lâm cũng giống như Mỹ làm tại Hawaii.
|
Các hình ảnh về hệ thống radar trên Đá Châu Viên được vệ tinh chụp hôm 24.1.2016 vừa qua - Ảnh: CSIS/Digital Globe
|
Trung Quốc đã từng đưa máy bay chiến đấu đến đảo Phú Lâm của Việt Nam. Fox News đưa tin, hồi tháng 11.2015, truyền thông nhà nước Trung Quốc từng công bố các bức ảnh cho thấy tiêm kích J-11 xuất hiện tại đảo này.
Ngày 22.2, Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) công bố các ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc có thể đang lén lút xây dựng các hệ thống radar cực mạnh tại nhiều bãi đá gồm Gaven, Tư Nghĩa, Gạc Ma và Châu Viên thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Trong phiên điều trần tại Uỷ ban quân vụ Thượng viện Mỹ ngày 23.2, tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ, đô đốc Harry Harris nói rằng Trung Quốc rõ ràng đang quân sự hoá Biển Đông. Hành động này khiến Mỹ phải điều tàu khu trục tuần tra qua các đảo nhân tạo mà Trung Quốc chiếm tại Biển Đông. Hồi năm 2015, Mỹ cũng cho máy bay ném bom B-52 và các tàu chiến thực hiện các cuộc tuần tra bảo vệ tự do hàng hải xung quanh các đảo này.
J-11 là chiến đấu cơ đa nhiệm một chỗ ngồi, là một biến thể của tiêm kích Su-27SK của Nga. Máy bay này có khả năng không chiến và tấn công mặt đất. Máy bay dài 21,9 m, sải cánh 14,7 m, cao 5,9 m, có thể cất cánh với trọng lượng 33.000 kg, theo trang Air Force-Technology.
J-11 được trang bị một pháo 30 mm, có 10 giá treo cho phép mang theo nhiều loại tên lửa tầm ngắn và tầm xa không đối không. Ngoài ra, J-11 còn có thể chở theo tên lửa không dẫn đường và bom chùm rơi tự do.
J-11 có thế bay ở độ cao tối đa 19.000 m, tốc độ tối đa là 2.878 km/giờ, tầm hoạt động 3.530 km. Tốc độ tối đa trên biển khi không mang theo vũ khí đạt 1.400 km/giờ.
Trong khi đó, JH-7 là máy bay chiến đấu - ném bom 2 chỗ ngồi, tầm hoạt động ở tốc độ bình thường 1.759 km, ở tốc độ chậm đạt 3.700 km. Tốc độ tối đa của JH-7 là 1.808 km/giờ, trần bay 16.000 m.
JH-7 được trang bị một pháo tự động 2 nòng 23 mm và nhiều loại tên lửa không đối không, tên lửa chống hạm, bom. Máy bay có 9 giá treo, có thể chở 9 tấn vũ khí.
|
Bình luận (0)