Quan chức Pháp nói gì sau khi Tổng thống Macron lên tiếng ủng hộ mở rộng EU?

03/06/2023 09:23 GMT+7

Quốc vụ khanh phụ trách các vấn đề châu Âu của Pháp cho rằng việc kết nạp Ukraine và có thể 9 quốc gia khác sẽ là một cuộc "cách mạng nhỏ" với Liên minh Châu Âu (EU).

Quan chức Pháp nói gì sau khi Tổng thống Macron lên tiếng ủng hộ mở rộng EU? - Ảnh 1.

Bà Laurence Boone, quốc vụ khanh phụ trách các vấn đề châu Âu của Pháp

WEBSITE CHÍNH PHỦ PHÁP

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 31.5 đã gây bất ngờ khi lên tiếng ủng hộ việc mở rộng EU hiện gồm 27 thành viên, trong một bài phát biểu tại Slovakia. "Câu hỏi đối với chúng ta không phải là liệu chúng ta có nên mở rộng hay không… mà là chúng ta nên làm điều đó như thế nào", ông nói.

Trước đó, nhà lãnh đạo từng phản đối việc tiến hành đàm phán để Albania và Bắc Macedonia có thể gia nhập EU vào năm 2019.

Tổng thống Pháp Macron: Xung đột giúp NATO "thức tỉnh", cần đảm bảo an ninh cho Ukraine

Bà Laurence Boone, quốc vụ khanh phụ trách các vấn đề châu Âu của chính phủ Pháp, ngày 2.6 nói rằng việc mở rộng biên giới EU sẽ là "một cú sốc lớn" đòi hỏi những thay đổi đối với hoạt động của liên minh, theo AFP. Lần gần nhất EU trải qua một đợt mở rộng quy mô lớn là vào năm 2004.

"Điều đó đồng nghĩa với việc chúng tôi sẽ phải xem xét lại các chính sách, điều chỉnh ngân sách cũng như hoạt động của các cơ quan", bà nói với đài phát thanh Europe 1, cho rằng mở rộng EU sẽ là "dự án cho thập niên tới".

Theo bà, mở rộng EU có nghĩa là xem xét “chúng ta tự sắp xếp bản thân như thế nào để có thể tiến lên. Đó là một cuộc cách mạng nhỏ".

Việc Tổng thống Macron ủng hộ mở rộng EU, cũng như tán thành Ukraine gia nhập liên minh quân sự NATO, được thúc đẩy bởi xung đột bùng nổ vào đầu năm ngoái giữa Nga và Ukraine.

Xem nhanh: Ngày 463 chiến dịch, Tổng thống Ukraine muốn NATO dứt khoát; Nga nhắm mục tiêu nào sau Bakhmut?

Các nhà phân tích cho rằng bất kỳ sự mở rộng mới nào cũng có thể đi kèm với những thay đổi lớn đối với quy trình ra quyết định của EU, vốn đòi hỏi sự nhất trí của toàn bộ 27 thành viên trong nhiều lĩnh vực chính sách.

Trong phát biểu của mình, ông Macron bóng gió về một ý tưởng mà ông từng nêu ra trong quá khứ gọi là “châu Âu đa tốc độ”, trong đó các quốc gia mới vẫn sẽ được kết nạp vào EU nhưng có địa vị và quyền lợi khác so với các thành viên cũ.

Tổng cộng có 10 quốc gia được coi là ứng viên hoặc ứng viên tiềm năng gia nhập EU, bao gồm Ukraine nhưng cũng có Moldova, Georgia và gây tranh cãi nhất là Thổ Nhĩ Kỳ.

Những lời kêu gọi mở rộng EU đang nhận về chỉ trích gay gắt từ các đảng phái chính trị hoài nghi châu Âu.

Nhà lãnh đạo theo đường lối cực hữu của Pháp Marine Le Pen, người từ lâu đã chỉ trích EU, đang nhận được mức độ ủng hộ cao kỷ lục trong các cuộc thăm dò và lăm le đánh bại ông Macron vào năm 2027.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.