Sửa luật để hướng đến "không có củi" nữa
Trao đổi tại hội thảo phòng, chống tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước theo quy định của luật Phòng chống tham nhũng năm 2018 diễn ra sáng 6.12, ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội, khẳng định mục đích sâu xa, lâu dài của luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua là hướng đến phòng ngừa tham nhũng.
"Việc sửa luật Phòng chống tham nhũng trong bối cảnh hiện nay là “tiếp lửa” cho lò chống tham nhũng, nhưng về lâu dài thì luật này không phải để “tạo củi” mà hướng đến “không có củi” nữa", ông Cường nói.
Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, Luật đã quy định nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng trong hoạt động kinh doanh khu vực công, từ việc công khai, minh bạch trong tổ chức hoạt động của doanh nghiệp cho tới quy định về thực hiện định mức, chỉ tiêu, chế độ và công khai kết quả thực hiện trong doanh nghiệp…
Bên cạnh đó, luật mới cũng quy định thực hiện quy tắc ứng xử của người giữ chức danh, chức vụ quản lý trong doanh nghiệp nhà nước, trong đó có những biện pháp rất mới để kiểm soát xung đột lợi ích như người giữ chức danh, chức vụ trong doanh nghiệp nhà nước không được ký các hợp đồng với các doanh nghiệp của người thân mà chúng ta vẫn gọi là “sân sau” hay không bố trí người thân làm thủ quỹ, kế toán, không thành lập doanh nghiệp trong lĩnh vực quản lý mà trước đây mình quản lý trong thời hạn nhất định.
“Như trường hợp bà Hồ Thị Kim Thoa, nguyên Thứ trưởng Bộ Công thương, có vốn, cổ phần trong doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực quản lý là vi phạm”, ông Cường dẫn ví dụ.
Một biện pháp khác, theo ông Cường, là cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ và đặc biệt là thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt.
“Đây là việc hiện nay chúng ta rất yếu kém. Luật quy định hướng tới các khoảng chi tiêu lớn đều phải thanh toán qua tài khoản”, ông Cường nêu.
Xác minh kê khai tài sản ngẫu nhiên
Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường cũng cho hay, một trong những biện pháp phòng ngừa quan trọng là kiểm soát tài sản thu nhập của những người giữ chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp nhà nước đã được đổi mới cơ bản.
“Hiện nay mỗi năm có 1 triệu bản kê khai nhưng chỉ xác minh có vài chục bản, trong vài chục bản đó chỉ phát hiện vài bản vi phạm. Trong khi đó thực tế, dư luận, cử tri nói không phải như thế. Rất nhiều kê khai không trung thực nhưng chúng ta không kiểm soát được”, ông Cường nêu.
Ông Cường phân tích nguyên nhân của tình trạng nêu trên là đối tượng kê khai rộng song hiện nay lại áp dụng chung một hình thức kê khai; cơ quan xác minh dàn trải, cán bộ thiếu chuyên môn, cơ quan xác minh lại không độc lập…
“Dư luận cứ nói Thanh tra Chính phủ mỗi năm xác minh tài sản chỉ có mấy trường hợp vi phạm trong khi có hàng triệu bản kê khai là oan cho Thanh tra Chính phủ, vì theo Luật trước đây chỉ giao cho Thanh tra Chính phủ xác minh những trường hợp đủ căn cứ theo quy định”, ông Cường phân tích.
Từ đó, luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi lần này đã quy định cho phép cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập tập trung hơn, có đủ thẩm quyền hơn. “Các cơ quan này có thể yêu cầu ngân hàng, cơ quan thuế, công an cung cấp thông tin, tư liệu liên quan đến kê khai tài sản thu nhập của cán bộ công chức để phục vụ việc thẩm định, xác minh”, ông Cường cho hay.
Bên cạnh đó, căn cứ xác minh cũng được thay đổi thành xác minh theo xác suất ngẫu nhiên, bất cứ ai cũng có thể rơi vào diện xác minh và có kế hoạch xác minh, chứ không phải chỉ khi nào cơ quan có thẩm quyền yêu cầu, cho phép mới làm.
“Quy định như vậy sẽ khiến ai cũng phải kê khai trung thực nếu không khi xác minh phát hiện kê khai không trung thực sẽ bị xử lý rất nghiêm khắc”, ông Cường nói và cho biết, Thanh tra Chính phủ cũng được giao xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về kê khai tài sản quốc gia để quản lý thống nhất.
“Việc kiểm soát tốt tài sản thu nhập sẽ phục vụ tốt hơn việc thu hồi tài sản tham nhũng nếu có hành vi tham nhũng xảy ra. Tránh tình trạng như hiện nay, khi phát hiện người có hành vi tham nhũng nhưng không biết họ có tài sản nào để kê biên, phong toả, rất khó thu hồi”, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nói thêm.
Luật Phòng chống tham nhũng được Quốc hội thông qua vào ngày 20.11 vừa qua và sẽ có hiệu lực vào 1.7.2019 tới đây.
Bình luận (0)