Đó là quán ăn của cô P.TA.H (65 tuổi) cùng bà sui N.T.M.T (58 tuổi, ngụ Q.11) ở số 205 đường Lạc Long Quân (Q.11). Dù PV thuyết phục mãi nhưng cả 2 cô đều muốn giấu tên thật vì “việc làm này là bình thường”.
Cô H. (bìa phải) và cô T. (giữa) chuẩn bị cơm cho khách |
Trả nghĩa cuộc đời
Chúng tôi ghé quán một buổi trưa, thấy mặt bằng rộng rãi, thoáng mát với hàng chục khách ngồi ăn kín 6 bàn. Ngay trước quán, tấm bảng “Quán cơm Nhân Ái phục vụ người có thu nhập thấp, gia đình khó khăn, người già neo đơn, người khuyết tật…” khiến mọi người ấm lòng. Trong quán, cô T., cô H. cùng vài cộng sự tất bật chuẩn bị món, kịp phục vụ người lao động đang xếp hàng mua cơm. Họ là người bán vé số, thợ hồ, bảo vệ, xe ôm… “Hết cơm mà đói anh chị cứ tới lấy thêm!”, một nhân viên quán cất lời khiến ai cũng mát lòng mát dạ.
Khách đến quán bỏ tiền vào thùng rồi tự lấy 1 phiếu, mang vào khu tiếp thực, trả phiếu rồi nhận phần cơm nóng hổi, bắt mắt. Quán còn có bình inox trà đá với ống rút ly nhỏ cho mọi người sử dụng riêng rất vệ sinh. Thực đơn hôm đó gồm: cá ngừ kho cà, thịt heo kho củ cải, canh cải thảo và dưa leo xào thịt. Mọi thứ từ bàn ghế đến đũa muỗng, gia vị đều còn mới toanh. Thì ra, quán mới mở từ ngày 3.8, bán từ 11 - 12 giờ 30 (thứ hai đến thứ sáu). Cô H. bật mí quán thường hết sớm vì đông khách, ngày nào cũng bán chỉ chừng 1 tiếng. “Ban đầu ít người biết, giờ khách đến quen rồi, bán chút là hết sạch 150 phần cơm”, cô H. kể.
Phần cơm “ngon như cơm nhà” giá chỉ 2.000 đồng |
Cô H. tâm sự cô và bà sui nghỉ hưu đã ổn định về kinh tế nên muốn góp một chút sức nhỏ của mình để “trả nghĩa cho cuộc đời”. Quán ăn có 5 cộng sự cùng nhau duy trì, kinh phí tự xuất và mọi người cùng hỗ trợ nhau. May mắn, mặt bằng mở quán được một ngân hàng có tiếng ở TP.HCM hỗ trợ, kho chứa dụng cụ nấu nướng cũng được ban quản lý chung cư gần đó giúp đỡ, nên mọi việc thuận lợi vô cùng.
Nấu ăn bằng cái tâm
Chỉ sang bà sui kế bên, cô H. cho biết cô T. là bếp chính của quán. Hằng ngày, các thành viên đi chợ mua và chuẩn bị nguyên liệu, nấu nướng ở nhà riêng để kịp đến trưa phục vụ khách. Mỗi ngày, thực đơn thay đổi để khách ăn không thấy ngán.
“Sao cô bán cơm 2.000 đồng mà không miễn phí cho người ta luôn?”, tôi hỏi. Nhìn nhiều khách đang ăn ngon lành ở quán, cô nói vì ở đây cô bán chứ không cho, quan hệ người bán và khách hàng, để không ai thấy mắc nợ ai. “Với chị em chúng tôi, nhìn mọi người ăn thật ngon, thật no, khen món chúng tôi làm, đã là một động lực rất lớn rồi. Tôi nấu ăn cho họ bằng cái tâm, như nấu cho người nhà mình”, cô T. tiếp lời.
Khách luôn đông và đa phần là người lao động |
Anh Văn Minh (34 tuổi) đến quán ăn thay vì trả 2.000 đồng như thông thường lại nhét vào đó 20.000 đồng. Hỏi mới biết đây là lần thứ 3 anh đến đây ăn và những lần trước anh cũng trả nhiều tiền hơn. “Tôi làm thợ hồ gần đây. Hôm trước nghe anh em đồn nên tới đây ăn thử, thấy ngon quá, như cơm nhà mà bán có 2.000 đồng, tôi trả theo khả năng để tiếp sức chủ quán nấu cơm mỗi ngày cho những người khó khăn. Có nhiêu góp nhiêu mà. Phần cơm này 20.000 đồng ở Sài Gòn kiếm đỏ mắt không ra”, anhMinh nói.
Ông Châu Hoàng (53 tuổi, ở Q.11) kể nhà có hai ông cháu nên buổi trưa ông hay đưa cháu tới ăn. “Tôi đi làm công cho người ta, thu nhập thấp, giá cơm ở đây lại rẻ, phù hợp với dân lao động nên tôi cũng thường xuyên tới đây ăn”, ông nói. Ngồi kế bên, ông Ngô Tiến Dũng (63 tuổi, ở Q.11) bộc bạch: “Đồ ăn ở đây ngon, thái độ phục vụ của quán ân cần lắm. Những quán cơm như thế này mở ra mang nhiều ý nghĩa nhân văn”.
Bình luận (0)