'Quân' của cựu Chủ tịch AIC phải chịu sức ép rất lớn, có người bị trầm cảm

23/12/2022 17:53 GMT+7

Nhiều cấp dưới của cựu Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn khai đã phải chịu rất nhiều áp lực từ công ty và cấp trên. Có người phải đi điều trị trầm cảm, phẫu thuật não sau khi nghỉ việc.

Chiều 23.12, phiên tòa xét xử 36 bị cáo trong đại án AIC Đồng Nai tiếp tục với phần tranh tụng, luật sư tham gia xét hỏi các bị cáo.

Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn và hai cựu lãnh đạo Đồng Nai bị đề nghị án tù

Trong vụ án, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tiến Bộ Quốc Tế (viết tắt là Công ty AIC) bị xét xử với 2 tội “đưa hối lộ” và “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, với cáo buộc là kẻ chủ mưu, cầm đầu. Tuy nhiên, bà Nhàn đang bỏ trốn cùng 7 đồng phạm khác.

Toàn cảnh phiên tòa

anh kiên

Theo cáo buộc, dù biết rõ AIC không đủ năng lực nhưng để trúng thầu tại dự án Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, bà Nhàn đã thiết lập mối quan hệ với lãnh đạo địa phương và dùng nhiều thủ đoạn gian lận để tham gia đấu thầu và trúng 16 gói thầu tại dự án, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 152 tỉ đồng.

Ngoài phải thực hiện các bước quy trình 70 bước gian lận trong đấu thầu của AIC, nhiều bị cáo là cựu nhân viên công ty này khai tại tòa phải chịu áp lực rất lớn từ lãnh đạo, không cố gắng làm sẽ bị kỷ luật, cắt thưởng. Có nhân viên phải đi điều trị trầm cảm sau khi nghỉ việc.

Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn cùng các bị cáo đang bỏ trốn

bộ công an

Trả lời thẩm vấn của luật sư tại tòa, bị cáo Hoàng Thế Quỳnh, cựu nhân viên AIC, cho hay được giao làm trưởng nhóm Kỹ thuật tại công ty. Quá trình làm việc, bị cáo Quỳnh phải chịu áp lực lớn. Năm 2016, sau khi nghỉ việc, người này phải đi điều trị trầm cảm và phẫu thuật não.

Bị cáo Quỳnh khai, thời điểm làm ở Công ty AIC không được hứa hẹn gì và cũng không được hưởng lợi gì ngoài lương, thưởng.

“Năm 2015, khi nhận thấy sai sót trong công việc tại Công ty AIC, đặc biệt để các công ty làm "quân xanh, quân đỏ" là trái quy định, bị cáo suy nghĩ và ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe của mình”, bị cáo Quỳnh khai.

Tương tự, bị cáo Lê Chí Tuân, được giao làm Trưởng nhóm Hồ sơ dự thầu của AIC, khai nhận nhiệm vụ của mình và những thành viên trong nhóm chủ yếu là tập hợp tài liệu, giấy tờ để các doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia đấu thầu tại dự án Bệnh viện đa khoa Đồng Nai.

Quá trình làm việc tại Công ty AIC, không chỉ bị cáo Tuân mà cả nhóm hồ sơ đều chịu rất nhiều áp lực từ phía lãnh đạo. Cả nhóm nhiều lần bị nhắc nhở, cảnh cáo nếu không cố gắng làm thì sẽ bị kỷ luật, cắt tiền thưởng lương tháng thứ 13, thậm chí bị đuổi việc.

Bị cáo Hoàng Thị Thúy Nga tại phiên tòa

anh kiên

Xác nhận lời khai của các cấp dưới, bị cáo Hoàng Thị Thúy Nga, cựu Phó tổng giám đốc AIC, khai cũng từng bị cắt thưởng tháng lương thứ 13 khi để trượt một gói thầu tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai.

Khai tại tòa, bà Nga cho hay quan hệ giữa mình và bà Nhàn khá tốt trong giai đoạn đầu. Nhưng sau đó hai bên có nhiều mâu thuẫn nên đã tách ra làm riêng. Lý giải về việc này, bị cáo Nga cho hay, AIC làm nhiều việc mạo hiểm, không an toàn. Ngoài ra, bà Nhàn nhiều lần hứa nhưng không thực hiện khiến cả bà Nga và nhân viên chịu thiệt thòi.

Theo tài liệu Thanh Niên thu thập được, sau khi tách ra làm riêng, bà Hoàng Thị Thúy Nga đã tham gia gian lận đấu thầu, gây hậu quả nghiêm trọng ở nhiều nơi, đang bị truy tố trong vụ án xảy ra tại Bệnh viện đa khoa Cần Thơ và đang bị điều tra trong một vụ án khác tại Tây Ninh.

Xem nhanh 20H ngày 23.12: Đội trưởng cảnh sát bị sát hại | Diễn biến bất ngờ đại án AIC
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.