Theo báo cáo, Bộ Quốc phòng Anh thừa nhận rằng sự hỗ trợ quân sự của nước này dành cho Ukraine đã "hạn chế" khả năng huấn luyện quân đội Anh. Theo đó, 1/4 căn cứ huấn luyện của quân đội Anh đang được sử dụng cho "Chiến dịch Interflex" - chương trình đào tạo bộ binh cơ bản cho binh sĩ Ukraine.
Theo The Telegraph, hơn 45.000 tân binh Ukraine đã tham gia chương trình này. Báo cáo chỉ rõ rằng do tác động của chiến dịch này, các đơn vị quân đội Anh đã bị từ chối đơn xin tham gia đào tạo tại các căn cứ huấn luyện nhiều hơn 8 lần vào năm ngoái so với năm 2019.
Quân đội Anh chịu thiệt vì huấn luyện tân binh Ukraine?
Báo cáo của NAO được đưa ra trong bối cảnh Bộ trưởng Quốc phòng Anh John Healey tuần trước tuyên bố "Chiến dịch Interflex" sẽ tiếp tục trong suốt năm 2025.
"Chiến dịch Interforge", một chương trình huấn luyện khác dành cho lính thủy đánh bộ Ukraine, cũng phải chuyển đến Hà Lan trong năm nay vì việc sử dụng các cơ sở huấn luyện tại Anh có nguy cơ ảnh hưởng đến nhu cầu đào tạo của lực lượng lính thủy đánh bộ của Hoàng gia Anh.
Người đứng đầu NAO Gareth Davies cảnh báo: "Khi Bộ Quốc phòng Anh lên kế hoạch hỗ trợ Ukraine trong tương lai, họ phải tiếp tục cân bằng lợi ích chiến lược với việc duy trì năng lực quân sự của chính Anh. Điều này bao gồm việc đảm bảo có đủ trang thiết bị phù hợp và đào tạo đầy đủ cho lực lượng Anh".
Phản hồi về báo cáo, người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Anh cho biết: "Tất cả các lực lượng của Anh đều được tiếp cận với chương trình huấn luyện cần thiết để sẵn sàng bảo vệ đất nước và thực hiện các cam kết với NATO".
"Chúng tôi hoan nghênh báo cáo của NAO khi thừa nhận rằng quân đội Ukraine đã được chuẩn bị tốt hơn để bảo vệ đất nước của họ trong cuộc xung đột với Nga nhờ có sự đào tạo của Vương quốc Anh", theo người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Anh.
Nguy cơ sụt giảm kho vũ khí
Ngay trước khi chiến tranh nổ ra, Anh đã tài trợ 171,5 triệu bảng Anh trang thiết bị từ kho dự trữ của mình cho Ukraine, ngoài ra còn chi 2,4 tỉ bảng Anh để mua trang thiết bị mới cho Kyiv.
Ngoài ra, kể từ khi Quỹ quốc tế hỗ trợ Ukraine được thành lập vào năm 2022, Anh cũng trở thành nhà tài trợ lớn nhất và đã cam kết hỗ trợ 7,8 tỉ bảng Anh cho Ukraine tính đến tháng 3.2025. Các khoản này được trích từ nguồn dự trữ của Bộ Tài chính Anh, bao gồm cả việc cung cấp thiết bị quân sự và huấn luyện binh lính Ukraine, theo The Telegraph.
Gần đây, tướng Patrick Sanders, cựu Tổng tư lệnh quân đội Anh cảnh báo rằng việc Anh cung cấp cho Ukraine 14 xe tăng Challenger 2 khiến nước này "tạm thời yếu đi" và để lại khoảng trống trong kho vũ khí của đất nước.
Đồng quan điểm trên, trả lời Financial Times hồi tháng 7, ông Rob Johnson, Giám đốc Trung tâm thay đổi tính chất chiến tranh Oxford (Anh) và từng là người đứng đầu Văn phòng Đánh giá và Thách thức thực tế (SONAC) của Bộ Quốc phòng Anh đánh giá quân đội Anh hiện trong tình trạng thiếu hụt đến mức không thể bảo vệ đất nước, đồng thời gặp khó khăn trong việc huy động quân số lớn.
Phương Tây đồng loạt viện trợ Ukraine, Mỹ chưa cho sử dụng tấn công tầm xa
Trước tình hình trên, cựu Tổng tư lệnh Sanders nhấn mạnh Anh sẽ đối mặt nguy cơ bùng nổ xung đột trong 5 năm nữa, do đó quân đội buộc phải lắp đầy kho vũ khí "trống rỗng" và tích trữ vũ khí sát thương.
Phản hồi báo cáo của NAO, Bộ Quốc phòng Anh khẳng định rằng chi phí bổ sung kho dự trữ vũ khí của Anh sẽ vượt xa giá trị các thiết bị tài trợ cho Ukraine. Sự khác biệt này là do Anh đang mua thiết bị mới hơn, trong một số trường hợp còn tiên tiến hơn vũ khí viện trợ cho Ukraine. Bộ Quốc phòng Anh cũng cho biết họ dự kiến sẽ chi 2,71 tỉ bảng Anh cho đến năm 2030 - 2031.
Bình luận (0)