Từ cuối năm ngoái, lực lượng Houthi tại Yemen đã tiến hành rất nhiều vụ tấn công bằng tên lửa lẫn UAV nhằm vào tuyến hàng hải tại biển Đỏ, vịnh Aden cũng như lãnh thổ Israel.
Để ngăn chặn, quân đội Mỹ cùng đồng minh từ tháng 12.2023 đã triển khai Chiến dịch Người hộ vệ thịnh vượng. Hồi tháng 4, Bộ trưởng Hải quân Mỹ Carlos Del Toro cho biết lực lượng của ông đã sử dụng số vũ khí trị giá khoảng 1 tỉ USD để ngăn chặn các mối đe dọa trên không lẫn trên biển, theo chuyên san quân sự Breaking Defense.
Các quan chức Mỹ không tiết lộ đã sử dụng vũ khí gì, nhưng hầu hết các chuyên gia cho rằng khả năng cao là tên lửa SM-2, vốn có giá lên đến 2,1 triệu USD mỗi quả. Tên lửa Sea Sparrow có tầm bắn ngắn hơn cũng có giá gần 1,6 triệu USD mỗi quả.
Trong khi đó, các UAV tấn công một chiều của Houthi, chủ yếu do Iran chế tạo, có giá chỉ khoảng 2.000 USD mỗi chiếc. Những loại lớn hơn như Shahed-136 ước tính trị giá 20.000 USD.
Chuyên gia về phòng thủ tên lửa Wes Rumbaugh tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ) trong một bài phân tích hồi tháng 2 cho rằng không thể đơn giản so sánh giá trị của tên lửa đánh chặn với mục tiêu của nó, bởi cần tính đến giá trị của những tài sản mà lực lượng Mỹ đang bảo vệ, đó là tuyến hàng hải quan trọng cũng như tính mạng của các thủy thủ trên các tàu.
Tuy nhiên, các quan chức Lầu Năm Góc thừa nhận quân đội cần tìm kiếm những hệ thống với chi phí hợp lý hơn.
Tại một hội thảo do CSIS tổ chức ngày 15.5, chuẩn đô đốc Fred Pyle, Giám đốc Tác chiến mặt nước của Hải quân Mỹ, cho rằng quân đội tuyệt đối cần đầu tư vào các hệ thống hiệu quả hơn về chi phí để đánh chặn UAV giá rẻ, nhắc đến chương trình bầy UAV Replicator bí mật của Lầu Năm Góc.
Theo Breaking Defense, Lầu Năm Góc hồi tháng 3 đề nghị quốc hội cung cấp 1 tỉ USD trong 2 năm tới để phát triển chương trình này, nhằm sản xuất hàng ngàn thiết bị tự hành giá rẻ để ngăn chặn UAV đối phương.
Mỹ mất UAV MQ-9 30 triệu USD tại Yemen, Houthi nói đã bắn rơi
Trong phiên điều trần trước Tiểu ban Phân bổ ngân sách Thượng viện Mỹ ngày 16.5, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phụ trách mua sắm vũ khí Bill LaPlante lặp lại đề xuất đầu tư và phát triển các vũ khí có giá phù hợp để đối phó những UAV này, theo trang Axios.
“Nếu chúng ta bắn hạ một UAV một chiều 50.000 USD bằng một tên lửa 3 triệu USD thì không phải là một sự cân bằng tốt về chi phí”, ông LaPlante nói.
Trước đó, quan chức này nhiều lần cho rằng mức chi phí hơn 100.000 USD cho mỗi phát bắn để ngăn chặn những mối đe dọa như trên là “quá đắt đỏ” và không bền vững khi ngày càng nhiều UAV được đưa ra chiến trường.
Vị thứ trưởng cho biết mục tiêu là tìm ra những hệ thống chỉ tốn khoảng vài chục ngàn USD cho mỗi phát bắn.
Hồi tháng 2, Lục quân Mỹ mua 600 UAV đánh chặn Coyote trong hợp đồng trị giá 75 triệu USD với Hãng RTX, tên cũ là Raytheon Technologies. UAV Coyote có hình dạng trụ tròn, được phóng lên từ giàn phóng trên bộ lẫn trên tàu.
Coyote bay bằng động cơ phản lực và có cánh gập vào trong thân và sẽ bung ra ngay khi vừa được phóng. Loại vũ khí này tiêu diệt mục tiêu bằng cách đâm thẳng vào hoặc phát nổ khi tiếp cận.
Mặc dù tần suất sử dụng vũ khí của hải quân tại biển Đỏ trong 7 tháng qua đã gia tăng, chuẩn đô đốc Fred Pyle cho biết nguồn cung vũ khí vẫn trong tình trạng bền vững.
Tuy nhiên, với việc các giải pháp mới cho phòng không vẫn còn xa vời, hải quân đã bàn bạc với các nhà sản xuất tối ưu hóa sản xuất, cung ứng để đảm bảo đủ số lượng và chất lượng của các hệ thống vũ khí đang có.
Bình luận (0)