(Tin Nóng) Các nhà hoạch định chính sách ở Lầu Năm Góc đang xem xét khả năng hợp tác với các đồng minh và đối tác để bố trí pháo binh ở Biển Đông nhằm bắn hạ các tên lửa hành trình và rocket từ trên trời, theo trang tin Scout Warrior ngày 22.2.
Pháo tự hành M109 Paladin của Mỹ đang khai hỏa |
Theo đó, quân đội Mỹ dự định bố trí các đơn vị pháo binh di động để bắn hạ các tên lửa tấn công mục tiêu trên mặt đất như tên lửa hành trình và đạn pháo phản lực (rocket). Dọc theo Biển Đông, các đơn vị pháo binh này sẽ được sử dụng như hệ thống phòng không hữu hiệu mà Mỹ đã triển khai ở Đông Âu và Trung Đông, theo Scout Warrior.
Một sĩ quan Lầu Năm Góc nói với Scout Warrior rằng loại pháo tự hành M109 Paladin của Mỹ bắn loại đạn 155 mm có đầu dò mục tiêu hướng dẫn chính xác (GPS) có thể hạ được tên lửa, máy bay và đạn rocket của Nga ở Đông Âu.
Theo Scout Warrior, với tình hình Biển Đông gần đây đang gia tăng căng thẳng, Mỹ tiếp tục duy trì quan hệ với Trung Quốc theo kiểu vừa hợp tác vừa đối đầu, Mới đây nhất là việc Trung Quốc bố trí tên lửa phòng không ở đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng càng làm leo thang căng thẳng khiến Lầu Năm Góc phải xem xét nhiều lựa chọn để đối phó.
Các quan chức Lầu Năm Góc đã công khai tuyên bố Mỹ sẽ tiếp tục tiến hành các chiến dịch "tự do hàng hải", trong đó cho tàu hải quân đi bên trong khu vực 12 hải lý quanh các bãi đá và đảo Trung Quốc chiếm đóng phi pháp ở Biển Đông. Ngoài các hoạt động này, có thể Mỹ cũng tìm cách triển khai thêm vũ khí tấn công và phòng thủ cho khu vực này.
Dĩ nhiên là động thái này sẽ cần phải phối hợp chặt chẽ với các đồng minh của Mỹ trong khu vực, khi Mỹ tuyên bố không có tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Tuy vậy, điều này sẽ liên quan đến việc triển khai một hệ thống vũ khí mà trong lịch sử đã được sử dụng cho các cuộc tấn công trên bộ. Đó là Mỹ có thể sử dụng loại đại bác M777 hoặc pháo tự hành Paladin là loại vũ khí có thể bắn đạn 155 mm.
“Chúng ta có thể sử dụng loại pháo mặt đất hiện có và loại đạn 155 mm để tiêu diệt các mối đe dọa bằng rocket và tên lửa hành trình từ trên không ở khoảng cách xa”, một sĩ quan Lục quân Mỹ nói.
Theo ông này, pháo mặt đất hoặc pháo tự hành Paladin có thể được sử dụng như những loại vũ khí khắc chế các tên lửa của đối phương. Loại pháo tự hành Paladin có thể được chọn vì có tính cơ động, dễ dàng di chuyển tránh các đợt tấn công của đối phương.
Những đơn vị phòng không như pháo mặt đất M777 hay Paladin có thể bắn chính xác và với công nghệ điều khiển hỏa lực hiện đại có khả năng tiêu diệt các mục tiêu trên không của đối phương như máy bay, UAV và cả đạn pháo của đối phương bắn tới.
Thêm loại hình phòng thủ này sẽ hỗ trợ cho các hệ thống phòng không hiện tại của Mỹ như tên lửa phòng không Patriot và tên lửa đánh chặn tầm cuối THAAD.
Pháo tự hành M109 Paladin của Mỹ có thể dùng bắn hạ tên lửa của đối phương bằng loại đạn có điều khiển chính xác và định vị vệ tinh GPS - Ảnh: Lục quân Mỹ |
Loại pháo mặt đất M777 từng được Mỹ sử dụng ở chiến trường Iraq và Afghanistan, nay có thể bắn các quả đạn pháo loại Excalibur được hướng dẫn bằng định vị vệ tinh GPS có thể tiêu diệt mục tiêu trong khoảng cách từ 1 m đến 30 km hoặc hơn. Và khi trang bị công nghệ này, pháo mặt đất trở thành vũ khí phòng không hiệu quả.
Ngoài ra, sử dụng pháo mặt đất để phòng không tính ra rẻ hơn việc dùng tên lửa. “Dùng đạn pháo rẻ tiền hơn là dùng tên lửa giá hàng triệu USD để đánh chặn vũ khí giá khoảng 100.000 USD đang lao tới”, sĩ quan này nói.
Trước đó, khi phát biểu về ngân sách quốc phòng năm 2017 vào ngày 2.2 qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã đề cập đến khả năng của việc dùng pháo binh tầm xa bắn hạ tên lửa đối phương. Ông cho hay: "Chúng tôi đã thử nghiệm bắn những phát đầu tiên của loại đạn bay tốc độ siêu thanh từ một khẩu Paladin một tháng trước đây, và chúng tôi thấy rằng nó làm tăng đáng kể phạm vi bắn của Paladin", theo Popularmechanics ngày 3.2.
Pháo mặt đất M777 có thể bắn hạ mục tiêu trên không nhờ công nghệ dẫn đường chính xác - Ảnh: Lục quân Mỹ |
Trong khi các quan chức Lầu Năm Góc chưa chính thức xác nhận triển vọng làm việc với các đồng minh để bố trí vũ khí như pháo mặt đất dùng phòng không ở vùng Biển Đông, nhưng họ nói rằng Mỹ đã đẩy mạnh sự phối hợp với các đồng minh trong khu vực. "Chúng tôi tiếp tục làm việc với các đối tác và đồng minh của chúng tôi để phát triển khả năng an ninh hàng hải của họ", trung tá Bill Urban, phát ngôn viên Lầu Năm Góc nói với Scout Warrior.
Trong thực tế, Lầu Năm Góc đang đẩy mạnh việc hỗ trợ cho các đồng minh ở Thái Bình Dương. Một đạo luật quốc phòng năm 2016, gọi là Sáng kiến an ninh hàng hải Đông Nam Á, sẽ cung cấp viện trợ mới cho Philippines, Việt Nam, Indonesia, Malaysia và Thái Lan, ông Urban giải thích.
" Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter đã cam kết viện trợ 425 triệu USD cho năm tài chính 2016-2020 cho Sáng kiến An ninh Hàng hải (MSI), với mức viện trợ ban đầu là 50 triệu USD có sẵn trong năm tài chính 2016 hướng tới nỗ lực này", ông Urban nói.
Anh Sơn
>> Chuyên gia quốc tế: Vũ khí Nga giúp Việt Nam tạo sức răn đe
>> Tư lệnh Không quân Mỹ: Trình độ phi công Trung Quốc còn kém xa Mỹ
>> Báo Nga: Trung Quốc đối mặt tên lửa tàu ngầm Nga ở Biển Đông
>> Tên lửa Trung Quốc ở Hoàng Sa có thể bắn tới đâu?
>> Philippines muốn theo dõi các chuyến bay qua Biển Đông
>> Chuỗi máy bay tuần biển P-3C giám sát Trung Quốc ở Biển Đông
Bình luận (0)