Quân đội Myanmar phản đối thay đổi hiến pháp

18/11/2014 22:12 GMT+7

(TNO) Đại diện phe quân đội ở Myanmar đã lên tiếng phản đối việc sửa đổi hiến pháp trong cuộc tranh luận tại quốc hội. Nếu sửa đổi, hiến pháp sẽ dọn đường cho lãnh đạo đối lập bà Aung San Suu Kyi trở thành tổng thống, theo AFP ngày 18.11.

 

Bà Aung San Suu Kyi trong buổi họp báo - Ảnh: Reuters

Bà Suu Kyi từng bị chính quyền quân sự quản chế 15 năm và là biểu tượng dân chủ ở Myanmar. Phe quân đội không muốn bà Suu Kyi trở thành tổng thống.

Khoản f điều 59 trong hiến pháp Myanmar cấm bất kỳ ai có vợ chồng hay con cái là công dân nước ngoài được tranh cử tổng thổng. Trong khi đó, người chồng quá cố và hai con trai của bà Suu Kyi đều là công dân Anh.

Hiến pháp cũng cho phép phe quân đội được quyền bác bỏ việc sửa đổi các điều khoản trong hiến pháp. Cuộc tranh luận tại quốc hội lần này sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến tương lai của đất nước Myanmar sau cuộc bầu cử quan trọng sẽ diễn ra vào năm 2015.

“Tôi muốn các bạn phải nhớ rằng hiến pháp được viết cho tương lai của tất cả mọi người chứ không chỉ cho riêng ai”, đại tá Htay Naing phát biểu trước quốc hội hôm 17.11. Ông cũng thêm rằng nếu tổng thống có con cái là công dân nước ngoài thì đó sẽ điều phải lo lắng.

 

Quân đội Myanmar phản đối thay đổi hiến pháp - Ảnh: Reuters

Những tướng lĩnh quân đội không được dân bầu hiện đang chiếm khoảng 25 % số ghế trong quốc hội Myanmar. Việc này đảm bảo rằng quân đội vẫn tiếp tục nắm quyền sau khi chính quyền quân sự giải thể vào năm 2011.

Theo điều 436 trong hiến pháp Myanmar, bất kỳ thay đổi quan trọng nào trong hiến pháp cần phải được hơn 75% số phiếu ủng hộ. Quy định này cho phép phe quân đội có thể đưa ra quyết định cuối cùng.

Bà Suu Kyi đang là lãnh đạo đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD). Bà đã công khai tuyên bố muốn trở thành tổng thống. Trong năm 2014, NLD đã vận động được chữ ký ủng hộ của khoảng 5 triệu người, chiếm 1/10 dân số Myanmar. Những người đóng góp chữ ký ủng hộ việc chấm dứt quyền phủ quyết của phe quân đội đối với chuyện sửa đổi hiến pháp.

Phe quân đội đã phớt lờ những yêu cầu này. “Đây chưa phải là lúc để thay đổi điều khoản 436”, đại tá Htay Naing khẳng định.

Trong cuộc họp báo với Tổng thống Mỹ Obama hồi tuần trước, bà Suu Kyi cáo buộc quy định khiến bà không thể trở thành tổng thống là không công bằng, vô lý và phản dân chủ. Bà cũng đưa ra cảnh báo rằng những cải cách dân chủ đang được thế giới ca tụng ở Myanmar đang bị ngăn cản.

 

Tổng thống Mỹ Barack Obama và bà Aung San Suu Kyi trong buổi họp báo ở Yangon. - Ảnh: Reuters

Bà Suu Kyi là nhà dân chủ nổi tiếng của Myanamar. Bà từng được trao tặng nhiều giải thưởng danh giá vì những nỗ lực đấu tranh của mình. 

Năm 2007, bà được chính phủ Canada công nhận là công dân danh dự. Năm 2012, chính phủ Mỹ trao tặng bà Huân chương Vàng Quốc hội, một trong những giải thưởng cáo quý nhất của Mỹ.

Bà Suu Kyi được trao giải Nobel Hòa Bình vào năm 1991 nhưng không thể đến nhận vì bị chính quyền quân sự Myanmar giam lỏng vào thời gian đó.

Bảo Vinh - Ngọc Quý

>> Sinh viên Myanmar biểu tình phản đối luật giáo dục
>> Ông Obama kêu gọi Myanmar tiếp tục cải cách
>> Myanmar nỗ lực duy trì đà cải cách
>> Việt Nam - Myanmar tăng cường hợp tác nhiều lĩnh vực
>> Biển Đông sôi sục tại Myanmar

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.