Quân đội Philippines tăng cường an ninh sau vụ sĩ quan Mỹ bán thông tin mật

26/08/2024 17:44 GMT+7

Quân đội Philippines cho hay họ đang nỗ lực tăng cường phối hợp với Mỹ, và đã tăng lương cho quân nhân để ngăn chặn nạn bán thông tin mật cho điệp viên nước ngoài.

Quân đội Philippines đang tăng cường các biện pháp an ninh và quy định trung thành để ngăn chặn việc rò rỉ thông tin nhạy cảm cho đối thủ sau khi một sĩ quan tình báo Mỹ gần đây nhận tội bán dữ liệu mật, theo tờ South China Morning Post (SCMP) đưa tin gần đây.

Phát ngôn viên Lực lượng vũ trang Philippines Francel Margareth Padilla đã đưa ra cam kết như trên vài ngày sau khi trung sĩ Korbein Schultz thuộc quân đội Mỹ nhận tội bán thông tin mật, bao gồm các tài liệu về hệ thống vũ khí của Mỹ và các cuộc tập trận thường niên với Philippines.

Quân đội Philippines tăng cường an ninh sau vụ sĩ quan Mỹ bán thông tin mật- Ảnh 1.

Ảnh từ một video cho thấy trung sĩ Mỹ Korbein Schultz trong một cuộc trả lời phỏng vấn tại Fort McCoy thuộc bang Wisconsin (Mỹ) vào tháng 8.2021

Ảnh: Chụp màn hình SCMP

Shultz (24 tuổi), đã bị buộc tội âm mưu truyền thông tin quốc phòng, xuất khẩu dữ liệu kỹ thuật liên quan đến quốc phòng mà không có giấy phép và hối lộ một quan chức sau khi bán các tài liệu quân sự nhạy cảm cho một công dân nước ngoài được cho là có liên quan đến chính phủ Trung Quốc, theo SCMP.

Shultz đã nhận được ít nhất 14 khoản thanh toán với tổng số tiền 42.000 USD, theo một số báo cáo. Schultz có nguy cơ đối mặt với án tù hàng chục năm. Phiên tòa tuyên án đã được lên lịch vào ngày 23.1.2025.

Philippines, Mỹ sẽ chia sẻ thông tin tình báo?

Phát ngôn viên Padilla hôm 20.8 cho hay quân đội Philippines đang nỗ lực tăng cường phối hợp với các đối tác Mỹ bằng cách ký một thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo, Thỏa thuận An ninh Quân sự Chung (GSOMIA), nhằm chống lại hành vi cưỡng ép của Trung Quốc ở biển Tây Philippines, theo SCMP. Biển Tây Philippines là thuật ngữ Manila dùng để chỉ vùng biển Biển Đông mà họ cho là nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.

Sau khi được phê duyệt, GSOMIA sẽ tạo ra các quy tắc mới cho cả hai quốc gia để bảo vệ thông tin quân sự tuyệt mật và những hệ thống phát hiện sớm các mối đe dọa tiềm tàng ở biển Tây Philippines. "Chúng tôi đặt mục tiêu ký kết vào cuối năm nay. Thỏa thuận mới sẽ giúp Philippines tin tưởng vào Mỹ trong việc xử lý thông tin nhạy cảm", bà Padilla nhấn mạnh.

Quân đội Philippines tăng cường an ninh sau vụ sĩ quan Mỹ bán thông tin mật- Ảnh 2.

Binh sĩ Philippines trong cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Philippines tại Laur, Nueva Ecija (Philippines) ngày 9.8

Ảnh: AFP

Vào ngày 18.7, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, tướng Charles Brown Jnr, đã gặp các quan chức quốc phòng Philippines để tái khẳng định "cam kết vững chắc" của Washington đối với đồng minh lâu năm của mình, sau cuộc đối đầu giữa tàu Philippines và Trung Quốc tại một thực thể ở Biển Đông vào ngày 17.6.

Ông Brown đã kiểm tra các căn cứ quân sự được lựa chọn theo Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Nâng cao, một hiệp ước giữa Philippines và Mỹ cho phép các cuộc tập trận quân sự chung quy mô lớn, luân chuyển binh sĩ và vật liệu, thiết bị và vật tư quốc phòng được bố trí trước. Cuộc kiểm tra này là điều kiện tiên quyết để cả hai nước phê duyệt GSOMIA.

Ông Joshua Espeña, Phó chủ tịch tổ chức Hợp tác Phát triển và An ninh Quốc tế (Philippines), cho rằng vụ án gián điệp liên quan Shultz là một chiến thuật thuộc chiến tranh nhận thức. "Để ngăn chặn điều này, [Lực lượng vũ trang Philippines] phải tăng cường mọi khía cạnh của quản lý nhân sự, từ giáo dục, học thuyết, lãnh đạo và đào tạo. Ngoài ra, tôi cho rằng không chỉ nhân viên mặc quân phục có thể phạm tội này mà cả nhân viên nguồn nhân lực dân sự của [lực lượng vũ trang] cũng có thể phạm phải. Nhiều người trong số họ có mức lương thấp và không được hưởng nhiều phúc lợi", ông Espeña nói.

Chiến đấu cơ Trung Quốc bị tố bắn pháo sáng vào máy bay Philippines ở Biển Đông

Tăng lương để ngăn cám dỗ

Trong khi đó, phát ngôn viên Padilla nói rằng quân đội Philippines đã tăng lương cho quân nhân, nên sẽ không có sự cám dỗ nào để bán thông tin mật cho các điệp viên Trung Quốc, và đào tạo họ cách chống lại các mối đe dọa an ninh mạng, theo SCMP. "Việc hiện đại hóa an ninh mạng là rất quan trọng. Chúng tôi đang đào tạo nhân viên của mình về cách sử dụng các kênh an toàn và mã hóa từ đầu đến cuối", bà Padilla chia sẻ.

Trong tháng này, Philippines cho hay một cuộc điều tra đang được tiến hành về thông tin từ phương tiện truyền thông rằng một nhà báo nước ngoài, được xác định là Zhang "Steve" Song, có thể là một điệp viên Trung Quốc. Zhang là trưởng phòng Manila của tờ Wenhui Daily từ năm 2021-2024.

Theo báo Rappler trích dẫn một báo cáo tình báo của Philippines được công bố vào tháng 5, Zhang đã gặp một số nhân viên truyền thông trước khi Manila tổ chức chuyến cung cấp hàng tiếp tế cho binh sĩ Philippines đóng trú trên một thực thể ở Biển Đông. Theo báo cáo tình báo, những nhân viên truyền thông đó được cho là biết rõ các chiến lược quân sự của Philippines.

Quân đội Philippines tăng cường an ninh sau vụ sĩ quan Mỹ bán thông tin mật- Ảnh 3.

Tàu hải cảnh Trung Quốc phun vòi rồng vào một tàu Philippines khi tàu này đang trên đường thực hiện nhiệm vụ tiếp tế cho binh sĩ Philippines đóng trú tại một thực thể ở Biển Đông vào ngày 5.3

Ảnh: Reuters

Khi được hỏi về khả năng Zhang xâm nhập quân đội Philippines, bà Padilla khẳng định họ có những đơn vị chuyên trách tiến hành cuộc điều tra lý lịch kỹ lưỡng để đảm bảo các sĩ quan vẫn tận tâm với nhiệm vụ của mình và an ninh đất nước.

Trợ lý Tổng giám đốc Hội đồng An ninh Quốc gia Philippines Jonathan Malaya ngày 19.8 khẳng định một số thành viên của Bộ Quốc an Trung Quốc đang hoạt động ở quốc gia Đông Nam Á này. "Vẫn còn những người khác. Chúng tôi đã biết từ khá lâu. Đó là điều bình thường mà các quốc gia vẫn làm. Vì vậy, trách nhiệm bây giờ tất nhiên là thuộc về lực lượng an ninh phản gián", ông Malaya nói, ám chỉ đến vụ Zhang bị nghi là điệp viên Trung Quốc.

Cựu thẩm phán Tòa án Tối cao Philippines Antonio Carpio cho rằng Philippines cần cập nhật luật chống gián điệp của mình. Luật này được soạn thảo trong Thế chiến 2 và nêu rõ rằng tội phản quốc chỉ có thể xảy ra trong thời chiến.

"Rất nhiều người Philippines đã phản bội vì lợi ích quốc gia, và chúng ta không thể truy tố họ vì chúng ta không ở trong chiến tranh. Chúng ta phải cập nhật luật hình sự về tội phản quốc và cập nhật luật của chúng ta. Tội này phải bị trừng phạt trong thời chiến và thời bình", ông Carpio nhấn mạnh, lưu ý việc tiết lộ bí mật và thông tin nhà nước sẽ bị xem là tội phản quốc.

Ông Carpio còn nhấn mạnh chính sách của Trung Quốc là giành chiến thắng trong chiến tranh mà không cần nổ súng, và việc cập nhật luật là một cách để Philippines có thể tự bảo vệ mình, theo SCMP.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.