Tiêm kích và các máy bay khác
Những tháng đầu năm 2023, Ukraine tiếp nhận các dòng tiêm kích MiG-29 vốn quen thuộc từ Slovakia và Ba Lan.
Tuy nhiên, sau thời gian kiên trì vận động hành lang yêu cầu tiêm kích phương Tây, Kyiv vào tháng 8.2024 đã tiếp nhận F-16, dòng máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4 do Mỹ sản xuất từ các nước Đan Mạch, Hà Lan, Bỉ và Na Uy.
Quân đội Ukraine chuyển biến ra sao trước thềm năm 2025?
Để vận hành loại máy bay đắt đỏ này, các phi công của Ukraine phải trải qua thời gian đào tạo kéo dài, và xây dựng các cơ sở hạ tầng phục vụ liên quan.
Ukraine đã tổn thất ít nhất 1 chiếc F-16, điều không thể tránh khỏi trong một cuộc xung đột. Và giới chuyên gia cảnh báo rằng dòng máy bay quân sự do Mỹ sản xuất không phải là giải pháp toàn diện cho Ukraine.
Thế nhưng, số tiêm kích trên chắc chắn đã giúp hiện đại hóa không quân Ukraine và kéo gần khoảng cách so với các tiêu chuẩn của NATO, theo phân tích của Tạp chí Newsweek.
Tên lửa và pháo
Phe ủng hộ Ukraine đã viện trợ nhiều loại tên lửa, pháo hoàn toàn mới mẻ cho quân đội Kyiv trong quá trình xung đột nổ ra.
Từ Mỹ, Ukraine tiếp nhận một số lượng chưa rõ Hệ thống Tên lửa Chiến thuật Lục quân (ATACMS), vốn là dòng tên lửa đạn đạo bộ binh tầm xa với tầm bắn hơn 480 km. Tổng thống Mỹ Joe Biden tháng trước đã bật đèn xanh để Ukraine sử dụng ATACMS tấn công vào lãnh thổ Nga.
Theo tài liệu của Lầu Năm Góc, Washington cũng chuyển giao hơn 40 Hệ thống Tên lửa Pháo binh Cơ động Cao (HIMARS), cùng tên lửa nạp cho hệ thống.
Bên cạnh đó, Ukraine cũng sử dụng tên lửa Storm Shadow/SCALP do Anh, Pháp cung cấp. Đây là dòng được trang bị cho tiêm kích F-16 và nếu được điều chỉnh cũng có thể phóng từ các máy bay thời Liên Xô của Ukraine.
Ukraine còn tiếp cận những dòng vũ khí mới như đạn chùm, mìn sát thương và bom dẫn đường cỡ nhỏ do Mỹ sản xuất.
Phát triển công nghệ nội địa
Bên cạnh vũ khí phương Tây, Ukraine nỗ lực phát triển các dòng vũ khí mới được sản xuất nội địa, vốn không bị ràng buộc bởi những quy tắc như trong trường hợp nhận vũ khí từ đồng minh.
Trong số đó bao gồm các máy bay không người lái (UAV) mang theo chất nổ tầm xa, đủ sức tấn công các mục tiêu cách biên giới hơn 1.000 km. Các căn cứ không quân, hải quân, những cơ sở lọc dầu, các nhà máy sản xuất vũ khí, thậm chí cả thủ đô Nga cũng lọt vào tầm ngắm của UAV cảm tử do Ukraine phát triển xuyên suốt chiến sự.
Ukraine cũng thiết kế, chế tạo và nâng cấp một loạt UAV để sử dụng dọc theo các tiền tuyến, thực hiện các sứ mệnh trinh sát, dẫn đường cho các vụ pháo kích hoặc phá hủy xe bọc thép của đối phương.
Năm 2023, những dòng góc nhìn thứ nhất (FPV) đã thống trị trên các chiến trường, trở thành dòng vũ khí chiến thuật cần có và theo đó được gia tăng tầm tấn công. Từ năm 2022 đến 2024, các loại FPV ngày càng uy lực hơn, đủ sức thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau.
Ukraine còn ưu tiên phát triển các xuồng không người lái hoạt động trong vùng biển xung quanh bán đảo Crimea, trong đó có thể kể đến dòng Magura V5 và SeaBaby.
Các phương tiện trên bộ không người lái cũng lộ diện trên các mặt trận, phục vụ công tác sơ tán và hậu cần ở những khu vực trận địa nguy hiểm.
Các dòng tên lửa mới
Trong những năm qua, Ukraine đồng thời phát triển tên lửa đối hạm Neptun nội địa, mà theo chính quyền Kyiv đã được sử dụng để đánh chìm tàu Mosvka, soái hạm của Hạm đội Baltic của Nga, trong giai đoạn đầu của chiến sự.
Tháng 8, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thông báo thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo đầu tiên do nước này sản xuất, và tiến đến sẽ thử nghiệm vũ khí không người lái.
Dòng vũ khí đề cập được cho là Hrim-2, tên lửa đang phát triển với tầm bắn gần 500 km, theo Tạp chí Newsweek dẫn lời ông Jacob Parakilas, nhà nghiên cứu về chiến lược quân sự, chính sách và năng lực của tổ chức Rand Corporation, Văn phòng châu Âu.
Một tên lửa nội địa khác là Palianytsia (UAV lai tên lửa), lựu pháo Bohdana, cùng vũ khí laser Tryzub.
Hệ thống phòng không
Kể từ tháng 2.2022, Kyiv kiên trì kêu gọi đồng mình cấp thêm các hệ thống phòng không, và tên lửa đánh chặn.
Các nước ủng hộ Ukraine từ đầu đã viện trợ nhiều loại hệ thống phòng không, bao gồm Patriot do Mỹ sản xuất, Iris-T và SAMP/T. Chỉ tính riêng Mỹ đã cung cấp 3 khẩu đội Patriot và 12 tổ hợp tên lửa phòng không NASAMS, hơn 3.000 tên lửa phòng không Stinger.
Kyiv cũng sử dụng pháo phòng không tự hành Gepard do Đức sản xuất, vốn có hiệu quả cao khi sử dụng chống UAV cảm tử Shahed do Iran sản xuất và được Nga sử dụng ở Ukraine.
Xe tăng và thiết giáp
Ukraine nhận được xe bọc thép và xe tăng từ những nước ủng hộ, cho phép Kyiv mở rộng năng lực bộ binh.
Theo số liệu của Lầu Năm Góc, Ukraine tiếp nhận tổng cộng 31 xe tăng tác chiến chủ lực Abrams từ Mỹ, bên cạnh 45 xe tăng T-72B. Washington cũng gửi thêm 300 xe chiến đấu bộ binh Bradley.
Về phần mình, Anh viện trợ xe tăng Challenger 2, còn một số nước viện trợ xe tăng Leopard do Đức sản xuất. Nhiều dòng xe bọc thép khác nhau của phương Tây, trong đó có 140 xe chiến đấu bộ binh Marder (Đức) và hàng chục xe chiến đấu bọc thép AMX-10 RC (Pháp), cũng được tích hợp vào lực lượng Ukraine.
Mỹ cũng tặng Ukraine các dòng xe bọc thép như ít nhất 400 chiếc Stryker và hơn 1.000 xe bọc thép chống mìn.
Bình luận (0)