Quan hệ Hàn Quốc - Việt Nam trong bối cảnh thế giới mới

22/12/2022 07:30 GMT+7

Ông Hàn Quốc ủng hộ TP.HCM 6 tỉ đồng chống dịch">Kang Myong-il , Tổng lãnh sự Hàn Quốc tại TP.HCM, phân tích những cơ hội làm sâu sắc hơn tình hữu nghị Hàn - Việt trong bối cảnh thế giới mới.

Trả lời phỏng vấn Thanh Niên, Tổng lãnh sự (TLS) Kang Myong-il cho rằng thời điểm kỷ niệm 30 năm quan hệ ngoại giao Hàn Quốc - Việt Nam (1992 - 2022) chính là lúc để hai bên phải nghiêm túc suy nghĩ về những câu hỏi mà theo ông nếu trả lời chính xác sẽ giúp duy trì và phát triển sâu sắc hơn mối quan hệ hữu nghị song phương.

Tổng lãnh sự Kang Myong-il và bức tranh kỷ niệm 30 năm quan hệ Hàn - Việt

Ngọc Dương

Những câu hỏi then chốt

Hàn Quốc có quan hệ ngoại giao lâu hơn với nhiều nước khác ở Đông Nam Á. Thế nhưng tại sao chỉ trong khoảng thời gian ngắn, kim ngạch thương mại với Việt Nam lại vượt qua và vươn lên dẫn đầu các quốc gia Đông Nam Á khác? Tại sao số lượng các cặp đôi kết hôn giữa người Hàn Quốc và người Việt Nam ngày một tăng? Quan trọng nhất là phải chăng có thể đánh giá thành quả vượt bậc trong hợp tác kinh tế và giao lưu nhân dân là minh chứng rõ ràng nhất cho mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước và nhân dân hai bên hay không?

Theo TLS Kang, bất chấp những điểm giao thoa trong lịch sử, trên thực tế Hàn Quốc và Việt Nam chỉ mới đẩy mạnh giao lưu về khía cạnh con người - kinh tế trong 30 năm qua. Và ông khẳng định chính nhân dân hai nước là những người đang viết nên trang lịch sử mới này. Tuy nhiên, ông nhắc nhở rằng quan hệ thường xuyên thay đổi. Hàn Quốc và Việt Nam đã và đang thay đổi và trong tương lai sắp tới quan hệ hai nước chắc chắn cũng sẽ tiếp tục có đổi thay. Vì thế, lẽ tất yếu là những điểm khác biệt trước đây sẽ dần trở nên không còn xa lạ nữa.

Ví dụ, trong thời gian qua, mối quan hệ giữa hai nước có tính chất bổ sung hỗ trợ lẫn nhau trong hợp tác về kinh tế. Đến giai đoạn Việt Nam phát triển nền kinh tế ở mức độ cao hơn thì điều kiện tương ứng sẽ thay đổi mối quan hệ trên từ bổ sung - hỗ trợ sang cạnh tranh lẫn nhau.

Xích gần về lượng lẫn chất

Ông cho rằng khía cạnh thứ nhất của giai đoạn kế tiếp trong quan hệ song phương chính là “Hãy thân thiết gần gũi hơn”. Chẳng hạn, bên cạnh những lĩnh vực giao lưu truyền thống trước đây, như thương mại, đầu tư, văn hóa, xã hội, sắp tới nên tích cực mở rộng giao lưu sang các lĩnh vực khác như chính trị, quốc phòng, an ninh. Ngoài ra, giao lưu trong lĩnh vực kinh tế sẽ được mở rộng theo chiều sâu hơn, cụ thể là các vấn đề liên quan biến đổi khí hậu - môi trường...

Khía cạnh mới trong giai đoạn kế tiếp

Về hợp tác an ninh - quốc phòng, TLS Kang ví von ngoại giao và quốc phòng là hai mặt của đồng tiền. Bản thân ông từng tham gia các hoạt động tình báo của lực lượng đa quốc gia tại Afghanistan, có cơ hội tận mắt trải nghiệm thực tế Hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ (PKO). Theo ông, sẽ tốt hơn nếu Hàn Quốc và Việt Nam hợp tác để cùng cải thiện PKO thay vì chỉ tập trung vào các hoạt động duy trì hòa bình như hiện tại. Bên cạnh đó, hiện Hàn Quốc và Việt Nam vẫn chưa có giao lưu liên quan đến vũ khí/khí tài. TLS Kang hy vọng hai nước có thể tiến thêm một bước trong lĩnh vực này, mà theo ông là minh chứng cho sự gia tăng tin tưởng giữa hai nước.

Thứ hai, trong bối cảnh Hàn Quốc lẫn Việt Nam giờ đây đều cảm nhận vị trí quan trọng của đối phương và vì thế kim ngạch thương mại song phương sẽ nhanh chóng đạt mốc 100 - 150 tỉ USD như kỳ vọng. TLS Kang cũng đánh giá quan hệ Hàn - Việt được vun trồng tươi tốt nhờ mối quan hệ giao lưu nhân dân. Ông cho rằng cục diện tương lai của quan hệ Hàn Quốc - Việt Nam cũng sẽ được quyết định bởi nhận thức, lợi ích và hành động của người dân hai bên. “Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, khác với ẩn dụ mang tính trừu tượng, nó mang theo ý nghĩa cụ thể rằng mỗi người dân phải đối mặt với vấn đề cụ thể và thực tế là làm thế nào để chấp nhận những chủ thể khác mình trong phạm vi cuộc sống xung quanh mình”, nhà ngoại giao phân tích.

Theo ông, người dân hai nước phải chủ động suy nghĩ về phương pháp luận chứ không thể chỉ dựa vào chính phủ. “Tôi hy vọng rằng chúng ta sẽ làm quen với sự kiên nhẫn và lòng bao dung để chấp nhận đối tác xung quanh mình dù có sự khác biệt về ngôn ngữ, phong tục và văn hóa để cùng nhau tồn tại vì sự thịnh vượng chung”, ông kết luận.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.