Đế chế này đã tan vỡ và Thổ Nhĩ Kỳ hiện tại là nhà nước kế thừa về phương diện pháp lý quốc tế.
Cho tới nay, phía Thổ luôn coi vụ tàn sát 1,5 triệu người Armenia khi xưa chỉ là sự việc bình thường xảy ra trong chiến tranh. Trên thế giới đã có quốc hội và chính phủ của 25 quốc gia bác bỏ quan điểm của Thổ và coi vụ việc này là diệt chủng, trong đó có cả Quốc hội Mỹ và nhiều quốc gia châu Âu.
Thật ra, nghị quyết trên chỉ là chuyện riêng của nước Đức, nhưng lại có tác động mạnh mẽ cùng nhiều hệ lụy khó lường hết tới chuyện chung khác của cả EU. Nó có ý nghĩa sâu sắc vừa về pháp lý và đạo lý lại vừa về chính trị châu lục.
Chuyện chung ấy là vấn đề tị nạn đối với EU. Trong tình cảnh bị cuộc khủng hoảng này xô đẩy đến tận chân tường, EU không có sự lựa chọn nào khác ngoài phải lụy Thổ để đổi lấy sự giúp đỡ của Ankara. Bây giờ, EU bị phụ thuộc vào Thổ đến mức giải pháp cho vấn đề tị nạn được thực hiện thành công hay thất bại là do Thổ chứ không phải do EU quyết định.
Thủ tướng Đức Angela Merkel là tác giả chính của ý tưởng giải pháp này. Vì thế, cả bản thân giải pháp lẫn chuyện tàn sát hay diệt chủng người Armenia khi xưa đều rất nhạy cảm đối với nước Đức và bà Merkel.
Sau quyết định nói trên của Quốc hội Đức, Thổ sẽ lại khống chế EU và đòi EU nhượng bộ thêm để bù vào việc không ngăn cản nổi Quốc hội Đức thông qua nghị quyết kia.
|
Bình luận (0)