'Quần jeans' luận chiến

10/09/2017 12:23 GMT+7

Dư luận đang ồn ào việc UBND TP.Cần Thơ ra quy định “viên chức không mặc quần jeans ở công sở”.

Chuyện nhỏ, quá đỗi bình thường nhưng lại được báo chí đồng loạt đưa tin, có cả báo nước ngoài và xã hội quan tâm như vậy. Báo chí đồng khởi đưa tin, tựu chung vào việc, Cần Thơ “cấm” hoặc “không được” mặc quần jeans đi làm.
Việc các tập thể, từ nhà nước, hội đoàn, công ty cho đến nhóm bạn hay gia đình quy định đồng phục là chuyện xưa như trái đất, có gì đâu mà ầm ĩ. Ban đầu, tôi hơi khó chịu và không để ý. Nhưng đọc kỹ thì giật mình; nghe lãnh đạo giải thích thì suýt “té ngửa”.
Điều dư luận đang quan tâm không phải là việc cấm quần jeans vì đây là chuyện bình thường, dẫu từ trước đến nay chưa có đơn vị nhà nước nào ra hẳn văn bản như vậy. Thì cứ cho là khác biệt, là phong cách của người Tây đô. Đọc báo, thấy chữ “cấm” là nhiều người dị ứng, liên tưởng tới thời “ngăn sông cấm chợ”.
Trong nhà, mặc thế nào cũng được, thậm chí không cần mặc. Ra khỏi nhà thì tùy phong tục và văn hóa vùng miền mà có những quy ước riêng, có khi bất thành văn. Nhưng khi đi làm thì khác.
Việc gì cũng có quy định hẳn hoi, kể cả trang phục. Vào chơi bài ở Genting (Malaysia) còn quy định “mặc áo dài tay, đóng thùng và mang giày”. Còn hơn cả vào nhà thờ và chùa ở Việt Nam! Hà cớ gì Việt Nam dậy sóng việc công chức Cần Thơ không được mặc quần jeans, áo thun? Tại sao dư luận bức xúc về quần jeans hơn áo thun nhỉ?
Điều dư luận quan tâm là đằng sau quy định “Không mặc quần jeans, áo thun các loại nơi công sở” đó là cách giải thích.
Trả lời báo chí, Giám đốc Sở Nội vụ TP.Cần Thơ Nguyễn Hoàng Ba cho rằng: “Không cho cán bộ mặc quần jeans vì có nguồn gốc của dân chăn bò, chăn cừu”. Không chỉ ông Ba mà nhiều người cho rằng quần jeans là “cowboy” (cao bồi; người chăn bò). Người Việt gọi là “quần bò” (phía Bắc) hay “quần dzin” (phía Nam). Cách gọi này xuất phát từ những bộ phim West Wild (Miền Tây hoang dã) với các chàng cao bồi bắn súng, cưỡi ngựa như làm xiếc. Chính xác phải gọi là “quần công nhân”.
Cha đẻ của quần jeans là Levi Strauss, người Đức, (1829-1902). Sau khi chồng mất, mẹ ông đưa cả nhà đến New York (1847) rồi Califonia (1850) tham gia đào vàng. Thấy cảnh công nhân mặc đồ rách vì công việc nặng nhọc, ông tìm cách lấy vải lều bạt may quần cho họ. Cùng với Jacob Davis, thợ may, Levis Strauss không ngừng cải tiến chất lượng. Ngày 20.5.1873, cả hai nhận bằng sáng chế số #139,121 quần jeans từ Phòng sáng chế và thương hiệu Hoa Kỳ.
Chiếc quần của Levi dần dần được các thợ mỏ vàng yêu chuộng vì không sờn rách như trước đây. Levi đặt tên cho chiếc quần của ông là "Waist overall", ban đầu màu vàng nâu, sau qua màu xanh đậm. Từ loại vải thô dùng để căng lều, Levi đổi qua dùng loại vải dệt theo phương pháp "Serge de Nimes" của Pháp.
Vài năm sau, Levi Strauss thành lập công ty sản xuất quần jeans, trở thành người giàu có. Nhiều người thấy quân jeans quá tiện lợi và bền chắc, nên sử dụng, trong đó có dân “cowboy”.
Trong thế chiến thứ 2, lính Mỹ “xuất khẩu” quần jeans qua châu Âu, châu Á. Từ những năm 1960, quần jeans, với nhiều biến tấu, là biểu tượng phong trào “hippies” của giới trẻ ở Mỹ. Ngày nay, jeans không chỉ là quần dài mà còn là quần ngắn, là áo sơ mi, áo khoác, váy… với đủ biến tấu, gắn liền với sự tiện lợi, khỏe khoắn. Các Tổng thống như Bush, Clinton (Mỹ); Putin (Nga) và nhiều nguyên thủ quốc gia vẫn diện đồ jeans khi dã ngoại, chơi thể thao.
Ông Ba cho rằng vì jeans vốn là “của người chăn bò” nên phải cấm là phân biệt đối xử.
Chuyện trang phục công sở không nên đồng phục một cách máy móc như quân đội, công an. Đồng phục cả tỉnh lại càng không nên. Khi có việc phải ra ngoài, đi cơ sở, xuống nông thôn sông nước, ra ruộng… thì quần jeans, áo thun là tối ưu. Nếu cứ quần tây và sơ mi đóng thùng mới là lập dị.
Thống nhất cao độ với Sở Nội vụ, Chủ tịch TP.Cần Thơ Võ Thành Thống khẳng định: "Tôi làm đúng theo quy định của luật Cán bộ, công chức, viên chức và thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ của luật chính quyền địa phương nên không thay đổi quan điểm trong chuyện này”. Nghĩa là quần jeans đã bị chính quyền Cần Thơ “bỏ tù”. Có người cắc cớ là chỉ cấm quần jeans, chứ không cấm áo jeans, váy jeans nha. Ông nào quá mê quần jeans, muốn mặc quá thì chuyển qua váy cũng đâu chết ai, càng mát mẻ hoặc đi qua tỉnh khác làm việc. Nói cho vui vậy nhưng giật mình khi Chủ tịch Thống giải thích thêm: “Ví dụ, trong gia đình thì người làm chủ có quyền quy định con cái ăn mặc sao cho phù hợp, lịch sự, chứ để người ngoài can thiệp vào thì còn gì là quyền nữa".
Câu này, tôi không dám có ý kiến. Xin để thiên hạ gần xa, trừ dân Cần Thơ bình luận, vì “con cái thì không nên phản đối cha mẹ”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.