Quản không xuể thức ăn đường phố

28/01/2015 08:17 GMT+7

Chiều 27.1, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và đoàn công tác của Chính phủ làm việc với UBND TP.HCM về an toàn thực phẩm trên địa bàn TP.

* Hơn 59.000 vụ vi phạm ATTP bị phát hiện trong năm 2014
* Sẽ thành lập lực lượng thanh tra chuyên ngành thực phẩm

Chiều 27.1, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và đoàn công tác của Chính phủ làm việc với UBND TP.HCM về an toàn thực phẩm trên địa bàn TP.

Thức ăn đường phố bán tràn lan tại TP.HCMThức ăn đường phố bán tràn lan tại TP.HCM - Ảnh: Diệp Đức Minh

Theo Phó chủ tịch UBND TP Lê Thanh Liêm, những năm qua, TP đã chú trọng xây dựng mô hình chợ bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) và đã thí điểm tại 2 chợ điển hình là chợ Bến Thành (Q.1) và chợ đầu mối nông sản Hóc Môn (H.Hóc Môn). Tuy nhiên, vấn đề đáng lo là cơ sở dịch vụ ăn uống, đặc biệt là thức ăn đường phố những năm gần đây phát triển mạnh. Trong khi đó, ông Liêm thừa nhận cán bộ quản lý tuyến phường, xã, thị trấn do lực lượng còn mỏng, hầu hết làm kiêm nhiệm, đa số chưa được đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ nên “quản” không xuể.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết Chính phủ đang dự thảo nghị định thành lập lực lượng thanh tra chuyên ngành thực phẩm trên phạm vi cả nước, để tăng cường công tác kiểm tra, xử lý những cá nhân, tổ chức không tuân thủ quy định về ATTP. Theo Phó thủ tướng, sản xuất nông sản, thực phẩm đảm bảo an toàn là việc không thể chần chừ được nữa. “Đây không phải là việc gây khó cho nông dân mà là giúp cho bà con quen dần với cách làm mới, là tạo ra được sản phẩm an toàn”, ông Vũ Đức Đam nói.

TP hiện có 20.038 cơ sở thức ăn đường phố (tăng 22% so với năm 2013 với 16.443 cơ sở). Trong năm 2014 tiến hành kiểm tra 16.125 cơ sở thì phát hiện  8.062 cơ sở (chiếm khoảng 50%) vi phạm ATTP. Chi cục Thú y (Sở NN-PTNT) kiểm tra 3.677 mẫu thịt ở các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, điểm kinh doanh, nhà hàng, quán ăn, siêu thị, chợ... thì phát hiện 807 mẫu chưa đạt các chỉ tiêu vi sinh. Kiểm tra các mặt hàng như thạch, trân châu, nước giải khát, các sản phẩm từ sữa, bánh, mứt, bún, phở, hủ tiếu vẫn còn tình trạng nhiễm vi sinh vật, sử dụng phụ gia ngoài danh mục và vượt ngưỡng cho phép (16/81 mẫu kiểm tra có vi phạm).

Ngoài ra, ông Liêm cho biết TP chỉ có thể đáp ứng được khoảng từ 20 - 30% nhu cầu của người dân về các loại nông sản, thực phẩm như rau quả, thịt... “Hiện nay chỉ có sản phẩm động vật có quy định giấy chứng nhận kiểm dịch đi kèm theo lô hàng. Còn thủy sản và sản phẩm rau quả chưa có quy định về giấy chứng nhận đi kèm lô hàng. Do đó việc thực hiện truy xuất nguồn gốc gặp nhiều khó khăn”, ông Liêm nói.

Bộ trưởng NN-PTNT Cao Đức Phát đề nghị: “Với dân số gần 10 triệu dân, thực phẩm đưa vào TP phải được sản xuất theo quy trình an toàn, phải được kiểm tra và xác nhận rõ ràng. TP không nên để ai muốn đưa gì vào thì đưa”.

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, vi phạm ATTP không chỉ ở TP.HCM mà còn phổ biến trong cả nước. Trong năm 2014, chỉ riêng lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện đến hơn 59.000 vụ vi phạm ATTP, xử phạt tiền hơn 120 tỉ đồng.

Với quyết tâm chặn thực phẩm bẩn tuồn vào địa bàn TP, Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân chỉ đạo các sở ngành chức năng trong quý 2/2015 phải hình thành các phòng xét nghiệm mẫu rau quả, thực phẩm tại các chợ đầu mối.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.