Quan liêm nước Việt: Gương liêm dân yêu, vua quý

15/01/2023 07:30 GMT+7

Trải các đời, bên cạnh việc phòng, chống và trừng trị những quan lại tham nhũng, nhà nước cũng khen thưởng những quan viên nêu được đức tốt liêm khiết, trong sạch.

Phan Thanh Giản được vua thưởng ngọc

Thời Trần, có Phạm Ngộ được vua thăng làm Tham tri vì “làm quan thanh liêm cẩn thận được thời bấy giờ khen ngợi”, theo Đại Việt sử ký tiền biên. Chép tiểu sử Lê Lăng, Đại Việt thông sử đề cập đến việc Lăng giữ được sự thanh liêm nên vua Lê Thánh Tông “sai quan Chánh chưởng Nguyễn Lỗi đem bạc lạng ban cho và sắc dụ rằng: “Ngươi nên cẩn thận, sau cũng như trước, phải thanh liêm, phải công bằng”. Năm Tân Mão (1471), vua chinh phạt Chiêm Thành, hạ thành Chà Bàn, bắt chúa Chiêm. Khi vào thành, tướng sĩ tranh nhau cướp của cải làm của riêng. Nhưng riêng Nguyễn Quận không tham của, mà lấy cây cờ lớn giương lên biểu thị cho chiến thắng. Ghi nhận tiết tháo thanh cao ấy, Lê Thánh Tông bổ làm Quản vệ Thanh Hoa (Thanh Hóa nay), sau thăng đến Đô Tổng binh sứ đạo Quảng Nam. Đại Việt sử ký toàn thư cho biết năm Mậu Ngọ (1498), vua “lấy Dương Trực Nguyên làm Lại khoa đô cấp sự trung, lại ưu đãi cho thêm tiền quý bổng liêm khiết”, lý do là Dương Trực Nguyên đã “đàn hặc, trấn áp bọn cường hào, những kẻ có quyền thế cũng phải chùn tay”. Đến năm Canh Thân (1500) bởi liêm khiết, được thăng làm Đô đình úy.

Đền thờ Nguyễn Công Trứ tại Hà Tĩnh

ĐÌNH BA

Thời Lê Trung hưng, năm Bính Tý (1756), chúa Trịnh sai Lê Quý Đôn và các quan đi thăm hỏi dân tình. Đại Việt sử ký tục biên cho biết họ “dâng khải nói quan phủ thanh liêm cần mẫn là bọn Nguyễn Duy Thuần, nhũng tệ là bọn Trịnh Thụ cộng 13 người”. Gương liêm thì thăng thưởng, kẻ nhũng lạm thì giáng truất. Cũng thời này có Nguyễn Mậu Tài kinh qua Thượng thư bộ Binh, bộ Lễ, bộ Công, về hưu được chúa Trịnh Căn ban cho 5 chữ “Kỳ cựu trấn nhã tục” (tuổi già làm quan đã lâu, làm gương cho người nhã kẻ tục), và Lịch triều ghi: “Là người trong sạch, nhã nhặn, đứng đắn, chắc chắn; đối với người không bao giờ gây oán”. Còn Nguyễn Đức Vĩ “là người thanh bạch, cẩn thận, làm quan ở đài 18 năm, nhà không chứa của thừa, ai cũng phục là liêm khiết”. Khi ông về trí sĩ năm Giáp Thân (1764), chúa Trịnh làm bài thơ Đường luật trong đó có chữ khen “Mười phần thanh liêm”.

Đại học sĩ Phan Thanh Giản có tiếng là vị quan thanh liêm

T.L

Thời vua Thiệu Trị nhà Nguyễn, năm Đinh Mùi (1847), Thực lục cho hay vua thưởng cho Tri châu Vạn Ninh là Bùi Huy Phan một tấm lụa, 20 lạng bạc, gia hàm Tri phủ vì “làm việc thanh liêm, công bằng, làm cho dân tin yêu”. Trong hàng ngũ quan lại thanh liêm, Phan Thanh Giản nêu được đức tốt trong sạch, nhiều lần được vua khen thưởng khích lệ. Năm Canh Tuất (1850), ông làm Tả kỳ Kinh lược đại sứ, lĩnh Tổng đốc Bình-Phú, vua Tự Đức khen “là người học hạnh thuần chính, giữ tiết ngay hiền, giữ mình công bằng siêng năng, cầm lòng thanh liêm trong sạch, thưởng cho 20 lạng bạc”. Đến năm Bính Thìn (1856) vua lại “khen Thanh Giản là thanh liêm, cẩn thận, thưởng cho bài đeo bằng thứ ngọc tốt”.

Danh thần “ngất ngưởng” nhà nghèo

Sự nghiệp danh thần “ngất ngưởng” Uy viễn công Nguyễn Công Trứ được Đại Nam liệt truyện ghi, trong đó có chi tiết Nguyễn Công Trứ lúc đang làm quan “vì có tang cha nên bỏ chức. Vua nghĩ Trứ là người thanh liêm, giản dị, sai mang cho Trứ 100 lạng bạc”. Sau này, có trường hợp tương tự là Nguyễn Đăng Huân thời Minh Mạng. Thi đỗ tiến sĩ, Đăng Huân khi làm quan “tính người thanh liêm cẩn thận, bình dị gần dân”. Lúc bố mất ông về để tang, dân tình quý mến đưa đồ tiễn biếu, ông đều khước từ không nhận. Sau lĩnh Lang trung Bộ Lễ, theo vua đi tuần qua nơi trấn trị cũ, nhân dân biết đón đường yết kiến ông, đưa biếu tiền lụa, ông đều không nhận. Khi qua đời “túi làm quan vẫn rỗng tuếch, duy có một cái áo mùa đông mới ban cho để khâm liệm”. Dân ở Điện Bàn nhớ công ơn đã thờ ông vào Văn từ của quận. Trường hợp này ứng với câu dân gian dạy “Yêu dân dân lập đền thờ”.

Làm quan được dân tin yêu, quý mến, thì vàng bạc nào cũng không mua được. Quan Đoàn Văn Phú thời Gia Long là một người được như thế. “Là người liêm khiết, ở quan thanh bạch, lâu làm việc cai trị dân mà túi làm quan rỗng không. Ngày Phú chết, quan lại nhân dân nhớ tiếc quyên tiền giúp việc mai táng”, Liệt truyện chép việc ông. Vua trọng lòng thanh liêm tặng cho hàm Hiệp biện Đại học sĩ, thưởng cho 3 cây gấm Trung Quốc, 500 quan tiền và dụ “đó là để khuyến khích cho người làm tôi liêm khiết sau này”. Theo Đại Nam thực lục, năm Ất Mùi (1835) thời Minh Mạng, có Án sát Nghệ An Mai Thăng Đường làm quan thanh liêm, giản dị. Khi ông mất trong túi không có tiền. Quan tỉnh phải tạm chi 5 tấm trừu và 70 quan tiền kho để lo việc tang.

Vẫn thời nhà Nguyễn, Nguyễn Quốc Hoan làm Hộ lý ấn quan phòng Tổng đốc Ninh Thái dưới triều Tự Đức, sống thanh bạch đến nỗi khi chết năm Bính Thìn (1856) nhà nghèo túng, không có gì để lo việc mai táng, tỉnh phải xuất tiền kho công lo liệu. Ông có tiếng “nghiêm nghị, khi trị một địa phương, răn cấm cẩn thận người nhà không cho phép chúng đưa đón lễ lạt, có tiếng liêm khiết”. Vua từng ghi nhận đức liêm này và thưởng một chiếc kim khánh có chữ thanh liêm cần cán. (còn tiếp)

Quan liêm nước Việt

Vàng quý không bằng tấm lòng trung

'Người đời đều đục cả thì một mình ta cứ trong'

Làm quan to mà cảnh nhà bần hàn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.