Quan liêm nước Việt: Làm quan to mà cảnh nhà bần hàn

14/01/2023 07:17 GMT+7

Thân làm quan to nhưng không dùng chức vị để tơ hào công tư. Những vị quan giữ được sự thanh liêm, kiệm ước còn để tiếng tốt cho dòng họ, cháu con, trong đó có Lương Đắc Bằng.

Quan đại thần, thân thanh bạch

Bảng nhãn Lương Đắc Bằng của đất Hoằng Hóa, Thanh Hóa là vị quan giỏi giang vì nước của nhà Lê sơ. Làm quan thời vua Lê Tương Dực (1509 - 1516), ông dâng 14 kế sách trị bình. Dù là trọng thần làm đến Lại bộ Thượng thư mà cuộc sống của ông thanh bạch, bần hàn. Đến nỗi sau khi ông mất, vợ con sống trong nghèo khổ, phải chạy ăn từng bữa. Công dư tiệp ký cho biết, Lương Hữu Khánh con ông (sau làm Thượng thư) lúc trẻ đã phải than thở với mẹ rằng: “Cha con ngày trước làm quan thanh bạch, cho nên ngày nay rau cháo chẳng đủ no lòng, vậy con xin tạm biệt để đi tìm kế sinh nhai, khỏi phiền mẫu thân lo nghĩ”.

Tượng thờ Bảng nhãn Lương Đắc Bằng ở xã Hoằng Phong, H.Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa

Trần Hồng

Sự thanh bạch ấy, còn thấy ở gương quan Ngô Tuấn Kiệt. Trong Kiến văn tiểu lục, Lê Quý Đôn đề cập đến trường hợp thời vua Lê Chiêu Tông (1516 - 1522), Hữu thị lang Bộ Lại Ngô Tuấn Kiệt dù chức đứng hàng thứ hai trong cơ quan chuyên trách việc xét tuyển, bổ dụng quan lại, nhưng bản thân giữ được nhân phẩm cao đẹp “thanh liêm, thẳng thắn, cứng rắn, trong sạch, thường mặc áo rách, ăn cơm hẩm, chỗ ở che bằng cỏ lau”. Vua Lê thấy bề tôi sống kham khổ, bần hàn, lại nêu gương tốt không ăn của đút nên sai người ban thưởng cho Ngô Tuấn Kiệt tiền gạo dưỡng liêm. Vậy mà, tiền ấy ông chỉ lấy đủ dùng, còn thừa bao nhiêu lại nộp vào kho công của nhà nước chứ tham. Không chỉ là quan thanh liêm, ông còn là người trung nghĩa. Vẫn theo Kiến văn tiểu lục, khi Mạc Đăng Dung làm loạn cướp ngôi vua Lê, ông bị bắt nhưng không phục, nhịn ăn mà chết. Bình về gương của Ngô Tuấn Kiệt và Vũ Tụ, Bảng nhãn Lê Quý Đôn ghi nhận: “Giữ lòng liêm khiết được như hai ông này cũng không thấy được mấy người”.

Sang thời Lê Trung hưng, có tiến sĩ Lê Trạc Tú quê Thanh Hóa làm tới Lại bộ Thượng thư, giữ chức Tể tướng, được vua Lê tin yêu mà luôn giữ được lòng ngay thẳng không thay đổi tâm tính, “khí khái chững chạc, ngay thẳng trong sạch, không cầu tài lợi; giữ quyền chính mười năm. Khi thôi làm tướng, nhà không có của dư, cái tiết tháo thanh giới đó bấy giờ ai cũng khen”. Chép tiểu sử của ông, Lịch triều hiến chương loại chí đã đúc kết như thế.

Cha con thượng thư nối gương liêm

Lịch sử ghi nhận, đức tốt làm quan được truyền nối ở nhiều dòng họ, gia đình. Như gương liêm của Bùi Xương Trạch thời Lê sơ được Phan Huy Chú nhận xét là: “Thanh liêm, kiệm ước, không mưu tính của riêng một tí nào; bổng lộc được bao nhiêu đều chia cho họ hàng làng mạc. Lòng tốt tiếng to được người đương thời tôn phục”.

Sau này, cháu ông là Bùi Bỉnh Uyên, làm đến Lễ bộ Thượng thư, được Lịch triều hiến chương loại chí khen là “tính ông thanh liêm không bè cánh, không lập sản nghiệp; sau khi mất nhà không có của dư”. Đời làm quan của ông thực xứng với sự tin yêu của vua Lê gửi gắm trong phần cuối bài chế khi thăng ông làm thượng thư: “Ngươi phải: trong sạch, thẳng thắn, một lòng coi giữ ba lễ; chỉ có đức trời cho sống lâu, nên con cháu hưởng phúc dài cùng nước”. Gia tộc họ Bùi được Lịch đại danh hiền phổ đúc kết là “về sau sẽ còn nhiều đời hiển đạt, chưa thể lường được, nhưng chỉ thanh quý mà nghèo”.

Vốn quê đất ngàn năm văn vật Bắc Ninh, Kiến văn tiểu lục ghi Nguyễn Thực xuất thân khoa cử, đỗ đầu thi Đình năm Ất Mùi (1595). Giúp rập nhà Lê Trung hưng tới tận 80 tuổi, kinh qua đủ những chức vụ quan trọng như Hình bộ Thượng thư, Thiếu phó, vinh thăng tước công (Hương quận công), Thiếu úy, Thái phó. Ấy vậy nhưng đến khi mất năm Đinh Sửu (1637), thọ 83 tuổi cảnh nhà vẫn thanh bạch chứ không giàu sang, có của như nhiều đồng liêu. Phan Huy Chú nhận xét về ông, có đôi dòng: “Ông là người thuần hậu, trong sạch, cẩn thận, không lập sản nghiệp, làm quan trải những bước vinh hiển trọng yếu mà nhà vẫn thanh bạch”; Ngự chế Việt sử tổng vịnh nhấn mạnh ông “nổi tiếng là vị quan thanh liêm và cẩn thận”; “bổn tính thuần hậu, thanh cẩn; không thích ruộng nương; làm quan Tể tướng mà trong nhà rất thanh bạc”.

Lấy đức liêm làm trọng, khi thấy những kẻ vì tiền làm điều nhơ nhuốc, Nguyễn Thực không e ngại mà đứng ra tố cáo nhằm làm thanh sạch quan trường. Bấy giờ hai Thị lang bộ Lại là Nguyễn Tuấn và Nguyễn Lại thường dựa vào việc thuyên chuyển, tuyển bổ quan lại để ăn đút lót, khiến người đời chê cười chế giễu là “Các chức bị viên, lưỡng Bột tận điền” ý chỉ các viên chức được tuyển dụng cho đủ số, thì hai làng Bột (quê Nguyễn Lại) hết ruộng vì hắn dùng tiền mua. Việc đó bị Nguyễn Thực, Nguyễn Khải đàn hặc khiến cho hai tên quan tham bị bãi chức.

Sự trong sạch của Nguyễn Thực còn được con ông là tiến sĩ Nguyễn Nghi nối theo. Kiến văn tiểu lục cho hay, “hai cha con đồng thời làm Thượng thư, tước phong quận công, đứng đầu các quan, thực là hiếm có. Hơn nữa, lại dùng đức độ danh vọng trấn phục người trong nước, thanh liêm, sẻn nhặt, giữ gìn mộc mạc, điềm đạm”.

(còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.