Quan liêm nước Việt: Ngự sử Lê Quý Đôn nộp tiền bị can đút lót vào quỹ công

17/01/2023 07:02 GMT+7

Trải các đời, thời nào cũng đều có lương quan giữ đức tốt trong sạch, thanh bạch làm gương tốt và danh tiếng còn truyền mãi cho hậu thế.

Khi Lê Quý Đôn giữ chức ngôn quan

Thời Trần có Chu Văn An không chỉ thầy giỏi, ông còn là người “tính cương trực trong sạch giữ tiết tháo, không cầu danh lợi hiển đạt”; quan Trương Đỗ được Đại Việt sử ký tiền biên khen là “làm quan trong sạch nghèo túng, không tậu ruộng nương tài sản”.

Hay thời Hậu Lê có Nguyễn Công Cơ, Binh bộ thượng thư ở thời Lê Trung hưng “tuy làm quan sang nhưng ông không lập cơ nghiệp, nên được tiếng là thanh bần”; Đồng Tồn Trạch giữ chân Hộ bộ Thượng thư thời vua Lê Hy Tông (1675 - 1705), nghiệp làm quan được Tục biên khen: “Cầm quyền chính trong chín năm mà trong nhà không chứa của thừa. Được người ta khen là thanh liêm”. Ở Đàng Trong thế kỷ 18, Đại Nam liệt truyện còn ghi Nguyễn Cửu Pháp là rể chúa Nguyễn, “là người thanh liêm, tiết kiệm, bổng lộc được đều giúp cho bà con và chỗ cố cựu, không chịu lo đến ruộng đất tài sản”. Hay Lễ bộ Ngô Tòng Chu có tiếng “thanh liêm, học hạnh thuần chính”, Đại Nam thực lục chép.

Tác phẩm Vân đài loại ngữ của Lê Quý Đôn

Đình Ba

Thời Nguyễn, Liệt truyện chép nhiều gương liêm, trong đó có Trấn thủ Sơn Nam Hạ là Nguyễn Văn Hiếu “thanh liêm quả quyết […] hằng năm tết nhất đưa cho liền từ chối, nhà quan lơ thơ, lương bổng hằng năm được bao nhiêu, chỉ cung đủ hết năm, không cầu dư dật”; Tri huyện Kim Động Nguyễn Nhân Lý được thăng làm Tri phủ Thiên Trường năm Đinh Hợi (1827) vì “làm quan thanh liêm siêng năng, lại dân tin phục”, Thực lục thông tin…

Riêng Bảng nhãn Lê Quý Đôn được là một tri thức uyên bác, trí nhớ siêu phàm. Ông để lại sự nghiệp trước tác đồ sộ Kiến văn tiểu lục, Đại Việt thông sử, Vân đài loại ngữ, Thư kinh diễn nghĩa, Quế Đường thi tập… Ông từng có thời gian giữ chức ngôn quan ở Ngự sử đài và làm rất tốt vị trí của mình. Năm Kỷ Sửu (1769), được chúa Trịnh bổ chức Thiêm đô ngự sử. Năm Canh Dần (1770), Lê Quý Đôn được đặc cách vinh thăng Hữu thị lang bộ Hộ. Lý do cho sự thăng thưởng vượt cấp ấy, trong Đại Việt sử ký tục biên chép: “Đài phó Lê Quý Đôn vì nhiều lần đem số tiền của người bị kiện đút lót nộp vào quỹ công, nên được đặc cách thăng lên Hữu thị lang bộ Hộ”.

Đến năm Nhâm Thìn (1772), ông được chúa sai lên Lạng Sơn điều tra thực hư việc dân Lạng Sơn bị quấy nhiễu về việc chạy trạm. Chuyến đi ấy của Lê Quý Đôn, Đốc đồng Lạng Sơn là Lê Doãn Thân bị miễn chức vì tội hà khắc, quấy nhiễu dân. Vậy là khi giữ vị trí ngôn quan dâng lời nói thẳng, Lê Quý Đôn đã làm rất tốt chức phận của mình, giữ được lòng trong sạch, ngay thẳng.

“Lương thần” Nguyễn Quán Nho được dân tin yêu

Thời Lê Trung hưng, Nguyễn Quán Nho được Phan Huy Chú gọi là “lương thần”. Trước khi hưu trí năm Đinh Hợi (1707), ông là Lễ bộ thượng thư, được nhân dân tin yêu. Lịch triều tạp kỷ ghi: “Người trong nước đặt câu vè rằng: Tham tụng Vãn Hà/Trăm họ âu ca”. Vãn Hà là quê ông, nay thuộc TT.Vạn Hà, H.Thiệu Hóa, Thanh Hóa. Trong Đại Nam quốc sử diễn ca ca ngợi ông: “Bởi ai thiên hạ âu ca/Chẳng quan Tham tụng Vạn Hà là chi”.

Cũng ở thời “Lê tồn - Trịnh tại”, chúa Trịnh lấn quyền vua. Hồ Sĩ Đống làm quan, cùng Vũ Trần Tự đi sứ nhà Thanh. Trịnh Sâm dặn Tự dâng của đút lót để xin phong làm phó vương. Đến hồ Động Đình thì Vũ Trần Tự bị bệnh mất. Lá thư chúa ủy thác được giao cho Sĩ Đống, “Đống đốt đi, rồi giấu nhẹm việc ấy, khi về cũng không đề cập đến. Qua đó có thể thấy vẻ khí khái của ông”, Thoái thực ký văn ghi.

Bên cạnh đó, nhiều bậc danh thần có tiếng thời Nguyễn cũng nổi tiếng liêm khiết. Tổng đốc yêu nước Hoàng Diệu còn được biết đến với “tính cương trực, làm quan thanh liêm, liêm sự quyết đoán”. Thời gian ông làm Bố chánh Bắc Ninh, tiếng tốt lan tỏa. Tác phẩm Thân thế và sự nghiệp cụ Hoàng Diệu (Văn Nhan viết, Nùng Sơn thư xã xuất bản, Hà Nội, 1952) ghi nhận: “Luôn chín năm trời cụ làm việc ở Bắc Ninh, lúc nào cụ cũng tỏ ra cái đức tính thanh liêm, và lòng thương dân yêu nước, khiến toàn dân hạt Bắc Ninh đối với cụ đầy ái mộ. Tiếng tăm của cụ vang đến triều đình, vua Tự Đức phải phê rằng: “Bắc Ninh chi dân, phi Hoàng Diệu bất năng”, nghĩa là: “Với dân Bắc Ninh, ngoài Hoàng Diệu không ai trị nổi”.

Trong thời nhà Nguyễn sơ, Ngô Nhân Tĩnh được biết đến trong “Gia Định tam gia” cùng Trịnh Hoài Đức và Lê Quang Định. Ông còn là vị lương quan, “Tĩnh làm quan thanh liêm, giản dị, nghiêm, đuổi kẻ sâu mọt, dân được yên”, Liệt truyện ngợi khen. Quốc triều chánh biên toát yếu thì ghi việc năm Kỷ Dậu (1849), Tổng đốc An Hà là Doãn Uẩn mất, vua Tự Đức biết ông là người thanh liêm, vì nước. Khi mất đi nhà không có tài sản gì, do đó “vua bèn cho thêm 500 quan tiền, 100 phương gạo để chi dùng về việc đưa đám và cho vợ con no đủ hằng ngày để khuyến khích người làm quan thanh liêm, nêu lên người làm tôi tài năng”.

Quan liêm nước Việt

Vàng quý không bằng tấm lòng trung

'Người đời đều đục cả thì một mình ta cứ trong'

Làm quan to mà cảnh nhà bần hàn

Gương liêm dân yêu, vua quý

Hành khiển Nguyễn Trãi mắng quan tham

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.