(TNO) Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng (khóa X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí” được Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng (gọi tắt là BCĐ PCTN) trình bày tại Hội nghị sơ kết tình hình PCTN cũng như việc thực hiện luật PCTN 5 năm qua để chuẩn bị cho việc sửa luật này trong thời gian tới.
Hội nghị diễn ra cả ngày hôm nay 7.3, tại Hội trường Bộ Quốc phòng, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Theo Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, “việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng gặp nhiều khó khăn và số trường hợp được xử lý còn ít so với số vụ việc tham nhũng được phát hiện, xử lý nhưng đã có tác dụng đề cao trách nhiệm người đứng đầu, đồng thời có tác dụng răn đe nhất định”.
Báo cáo cũng làm rõ thêm, trong 5 năm qua, Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã xử lý hoặc kiến nghị xử lý kỷ luật 4 ủy viên T.Ư Đảng (trong nhiệm kỳ khóa X), 17 bí thư, phó bí thư, ủy viên ban cán sự đảng UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư, các bộ, ngành; 2 bí thư đảng ủy, chủ tịch HĐQT tập đoàn kinh tế nhà nước.
Ngoài ra, theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, trong 5 năm qua, đã có 451 cán bộ, công chức nộp lại quà tặng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, với tổng giá trị trên 1,798 tỉ đồng.
Chưa có biện pháp hữu hiệu “trị” nạn chạy chức chạy quyền
Bên cạnh kết quả đạt được, có tới 9 vấn đề còn tồn tại, yếu kém trong công tác PCTN 5 năm qua cũng được chỉ rõ trong báo cáo mà theo BCĐ là “tính chiến đấu, dân chủ, công khai trong tự phê bình và phê bình theo phương châm trên trước, dưới sau, trong trước, ngoài sau còn rất hạn chế. Kết quả tự phê bình, kiểm điểm gần như chưa được công khai theo yêu cầu của Nghị quyết T.Ư 3”.
Tồn tại khác được chỉ ra là “công khai, dân chủ trong công tác cán bộ còn hạn chế. Những biểu hiện tiêu cực, tham nhũng trong công tác cán bộ chưa được khắc phục. Dư luận vẫn bức xúc về tình trạng chạy chức chạy quyền. Việc thi tuyển công khai một số chức danh cán bộ quản lý theo yêu cầu của Nghị quyết T.Ư 3 vẫn chỉ là cá biệt. Chủ trương cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ động từ chức vì lý do trách nhiệm chưa đi vào cuộc sống”.
Đáng lo ngại là việc thực hiện nguyên tắc công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị tuy có tiến bộ nhưng vẫn còn nhiều hạn chế. “Tình trạng lạm dụng quy định về bí mật nhà nước để không công khai những nội dung không thuộc phạm vi bí mật nhà nước còn khá phổ biến. Quyền tiếp cận thông tin của người dân chưa được bảo đảm. Nhiều quy định về công khai, minh bạch chưa được thực hiện đầy đủ…”, Phó thủ tướng dẫn chứng.
Tình trạng nhiều cấp ủy, chính quyền còn nể nang, né tránh việc xử lý đối với người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng; số vụ việc tham nhũng được phát hiện và xử lý ngày càng có chiều hướng giảm… cũng là những hạn chế được chỉ ra trong báo cáo, kèm theo sự phân tích về 6 nguyên nhân dẫn tới những hạn chế yếu kém nói trên.
Đánh giá chung trong báo cáo, BCĐ PCTN nhận định: “Công tác PCTN 5 năm qua đã có những chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động, đã đạt được những kết quả quan trọng. Trên một số lĩnh vực, tham nhũng đã từng bước được kiềm chế…”.
Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, BCĐ khẳng định công tác PCTN nói chung và việc thực hiện Nghị quyết T.Ư 3 nói riêng trong nhiệm kỳ vừa qua chưa đạt được mục tiêu “Ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí…” như Nghị quyết đề ra. Quan liêu, tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, gây bức xúc xã hội”.
Để kiên quyết ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, loại bỏ dần các cơ hội, điều kiện phát sinh tham nhũng, góp phần xây dựng Đảng, bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh, BCĐ PCTN đã xác định 10 nhóm giải pháp, nhiệm vụ cần thực hiện thời gian tới, như nghiên cứu quy định một số chức danh cán bộ lãnh đạo Đảng và Nhà nước ở T.Ư và cấp tỉnh “cam kết công khai trước nhân dân sự liêm khiết và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng của mình”. Hay, mạnh dạn miễn nhiệm, bãi nhiệm, cho từ chức, tạm đình chỉ chức vụ người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng tại cơ quan do mình quản lý, phụ trách; công khai danh tính những người thực hiện hành vi tham nhũng, bất kể ở chức vụ nào, đương chức hay đã nghỉ hưu; tịch thu, sung công tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng...
Bảo Cầm
Bình luận (0)