Cho vay tiêu dùng online, vay ngang hàng (người vay tiền và người cho vay sẽ kết nối thông qua ứng dụng trực tuyến trên di động hoặc máy tính)... đang nở rộ khắp nơi, lãi suất khiến người ta kinh hoàng, lên tới 500 - 700%/năm nhưng lại chưa có một đầu mối quản lý chính thức. Nếu không nhanh chóng bít lỗ hổng này, hệ quả là rất khó lường.
Với mức lãi suất này, phải nói luôn, đây chính là một dạng tín dụng đen.
Tín dụng đen, chỉ nói đến thôi đã khiến người ta nghĩ đến chuyện giang hồ siết nợ, đến những khoản lãi phải trả cao gấp chục, trăm lần số vay gốc mà gánh nợ vẫn đeo bám người vay; đến những bất ổn như cơn lốc quét qua các làng quê thanh bình, những gia đình đang yên ấm.
Vay tiêu dùng online, vay ngang hàng còn đáng sợ hơn bởi vay qua chợ mạng không có biên giới, nên quy mô và độ lan tỏa rất lớn, rất khó kiểm soát. Đã cho vay lãi suất quá cao, chắc chắn sẽ phát sinh đòi nợ kiểu giang hồ hăm dọa. Bởi không có con nợ nào trả nổi mức lãi suất cao nhất hiện nay lên tới 720%/năm, trung bình cũng 100 - 400%. Ai dám vay lãi suất cắt cổ này? Chỉ có thể là những người đã rơi vào đường cùng, không còn cách nào khác. Mà đường cùng thì lấy đâu tiền mà trả lãi trên trời như vậy. Không trả được thì phải đòi, đòi khó thì phải hăm dọa, khủng bố, thậm chí truy sát... lại dẫn đến các hệ quả về kinh tế - xã hội. Một vòng luẩn quẩn.
Thế nên, vấn đề ai chịu trách nhiệm nếu xảy ra đòi nợ kiểu xã hội đen là một trong những nội dung gây tranh cãi trong dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 104/2007 của Chính phủ về việc kinh doanh dịch vụ đòi nợ. TP.HCM thậm chí đề xuất cấm dịch vụ đòi nợ. Chỉ trong vòng 4 tháng của năm nay, Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần ra văn bản yêu cầu tăng cường kiểm tra nhằm chấn chỉnh hoạt động của các công ty này.
Nhắc lại để thấy, biến tướng của dịch vụ đòi nợ là rất kinh khủng. Có thể nhìn thấy trước, hậu cho vay tiêu dùng online, cho vay ngang hàng... chính là các kiểu đòi nợ giang hồ, đòi nợ xã hội đen đang được nhiều công ty tài chính sử dụng. Thế nên các hoạt động này phải có một cơ quan quản lý làm đầu mối. Xã hội có nhu cầu thì dịch vụ, sản phẩm ra đời để đáp ứng, chúng ta không thể cấm đoán. Vấn đề là lãi suất bao nhiêu, hoạt động thế nào, trách nhiệm ra sao... phải được quy định rõ ràng, cụ thể, để buộc họ phải tuân theo. Cái này thuộc thẩm quyền của Ngân hàng Nhà nước. Đã có bộ tiêu chí thì những cá nhân, doanh nghiệp muốn hoạt động trong lĩnh vực này cứ chiếu theo đó mà đáp ứng, đủ thì được cấp phép hoạt động. Hoạt động chui thì xử lý theo chế tài. Đòi nợ kiểu xã hội đen phải chịu trách nhiệm... Từ đó, đưa hoạt động này vào quy củ, quản lý cũng dễ dàng hơn. Nếu không, chúng ta quyết liệt quét tín dụng đen "truyền thống" lại né qua tín dụng đen online thì cũng bằng thừa.
Đừng để mất bò mới lo làm chuồng.
Bình luận (0)