Tuy vậy, vấn đề quản lý, sử dụng tài chính công đoàn lại nhận được các ý kiến khác nhau.
Sử dụng kinh phí phải đúng mục đích
Tại dự thảo luật, Tổng liên đoàn Lao động VN đề xuất 2 phương án đối với khoản kinh phí công đoàn 2%: phương án 1 giao Chính phủ quy định chi tiết; phương án 2 quy định rõ công đoàn cấp trên được dùng 25%; 75% còn lại được phân phối cho công đoàn cơ sở và tổ chức người lao động tại doanh nghiệp.
Đại biểu (ĐB) Dương Văn Phước (đoàn Quảng Nam) đồng tình với phương án 1 vì cho rằng việc giao Chính phủ quy định nhằm đảm bảo tính linh hoạt và công bằng giữa công đoàn và tổ chức của những người lao động trong thu, chi tài chính. Tương tự, ĐB Hà Hồng Hạnh (đoàn Khánh Hòa) đánh giá quy định như phương án 2 sẽ trở thành cứng nhắc khi có tình huống phát sinh trong thực tiễn, nếu cần điều chỉnh sẽ khó khăn.
Ngược lại, nhiều ĐB lại cho rằng cần quy định cụ thể trong luật để đảm bảo sự công khai, minh bạch. Đồng tình với phương án 2, ĐB Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) đề xuất tỷ lệ cần đảm bảo quản lý chặt chẽ, công khai, minh bạch kinh phí công đoàn và nâng cao hiệu quả, đồng thời bám sát thực tế hoạt động của công đoàn các cấp và dự liệu các vấn đề phát sinh trong tương lai. Do đó, ông Thông cho rằng không nên quy định cứng tỷ lệ là 25/75% mà nên quy định theo hướng "tối thiểu 75%" và "tối đa 25%". "Việc này sẽ bảo đảm linh hoạt trong điều tiết tổng thể của cả hệ thống, tùy theo quy mô của tổ chức công đoàn hoặc theo địa bàn", ông Thông nói.
ĐB Phạm Văn Hòa đề nghị phân định rõ việc công đoàn cấp trên cơ sở gồm Tổng liên đoàn Lao động và liên đoàn cấp tỉnh, huyện phân chia 25% kinh phí công đoàn 25% như thế nào. ĐB Nguyễn Thị Lan Anh (đoàn Lào Cai) thì cho rằng dự thảo luật chỉ quy định về quản lý, sử dụng chung cả 4 nguồn thu tài chính công đoàn, chưa có sự phân định tách bạch nội dung chi của từng nguồn thu khác nhau. "Đề nghị nghiên cứu làm rõ các nội dung chi từ nguồn tài chính công đoàn để đảm bảo công khai, minh bạch, đúng mục đích", ĐB Lào Cai nêu.
Giải trình sau đó, Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động VN Nguyễn Đình Khang khẳng định 100% thực hiện theo các quy định hiện hành của luật Ngân sách Nhà nước, các luật tài chính khác như các cơ quan T.Ư khác. Về công khai tài chính công đoàn, ông Khang cho biết cũng thực hiện đúng các quy định hiện hành, công khai ở phiên họp ban chấp hành công đoàn 6 tháng đầu năm. Kiểm toán Nhà nước hiện cũng định kỳ 2 năm kiểm toán tài chính công đoàn một lần, ngoài ra cũng chịu sự thanh tra, giám sát của các cơ quan như Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ Tài chính…
Nên cho phép người nước ngoài gia nhập công đoàn
Liên quan vấn đề gia nhập và hoạt công đoàn của người nước ngoài, nhiều ĐB đồng tình nên cho phép người lao động là người nước ngoài làm việc tại VN theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên thì có quyền gia nhập công đoàn và hoạt động công đoàn tại cơ sở. ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) nhìn nhận quy định này mang tính nhân văn, tạo sự bình đẳng giữa lao động VN và lao động nước ngoài tại VN, có tác động tâm lý tích cực trong việc thu hút lao động nước ngoài chất lượng cao đến làm việc tại VN, tăng uy tín của VN trong việc đảm bảo quyền con người, đảm bảo sự công bằng giữa các lao động trong nước và ngoài nước.
Bà Nga cho hay vấn đề này đã được đặt ra khi sửa luật năm 2012 và cũng có nhiều ý kiến tán thành cũng như không tán thành. Tuy nhiên, tới nay bối cảnh đã khác rất nhiều khi VN đã hội nhập sâu rộng hơn, quy định pháp luật mới về quản lý lao động nước ngoài tại VN đã được ban hành, tạo hành lang pháp lý vững chắc hơn đối với nội dung này…
Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bến Tre) lại băn khoăn với quy định này. Theo bà, Công đoàn VN có tính đặc trưng giai cấp và chế độ chính trị nên thành viên của tổ chức công đoàn VN cũng mang đặc trưng giai cấp, quyền lợi và nghĩa vụ gắn liền với giai cấp và Tổ quốc mà người lao động nước ngoài thì không có được. Vẫn theo nữ ĐB, báo cáo đánh giá tác động cho biết, có 53% người lao động nước ngoài được khảo sát có nhu cầu tham gia tổ chức công đoàn. Tuy nhiên, tỷ lệ quá bán 3% là không cao, trong khi cơ quan soạn thảo cũng chưa cho biết mẫu khảo sát là bao nhiêu, có đủ độ tin cậy hay không và người được khảo sát có biết quyền lợi và nghĩa vụ khi gia nhập Công đoàn VN hay không, chưa kể những rào cản về ngôn ngữ, khả năng chuẩn bị để tiếp nhận của công đoàn cơ sở.
Bình luận (0)