Năm nay, Tuyên Quang vẫn tiếp tục tổ chức lễ hội Thành Tuyên - một lễ hội trước là của người dân sau mới làm thương hiệu du lịch.
Ở đó, mỗi tổ dân phố là một nhóm làm đèn lồng dự thi. Trừ khi trời mưa, đèn lồng cỡ lớn cao tới vài mét được các tổ mang diễu khắp phố trong tháng 8 âm lịch. Tuyên Quang hút thêm khách du lịch một phần nhờ lễ hội đó. Giờ đây, Tuyên Quang lại làm thêm lễ hội cam Hàm Yên. Lễ hội không chỉ có hái cam mà còn có nhà đầu tư sản xuất tinh dầu cam để người trồng cam đỡ lo phải bán tháo sản phẩm tươi.
tin liên quan
Doanh nghiệp muốn chọi trâu, dân muốn phát ấn đền Trần nửa đêm?Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Trịnh Thị Thủy cho biết, Bộ hoàn toàn ủng hộ những lễ hội mới như vậy. Nhiều năm sau, sau khi đã được tổ chức đều đặn, mang lại lợi ích cộng đồng bền vững, các lễ hội như thế sẽ là truyền thống mới được ghi nhận. Ông Phan cũng cho rằng, chính quyền có trách nhiệm cùng người dân tạo lập ra lễ hội mới.
Lễ hội luôn có những thay đổi. Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu, giá trị của nó nằm ở sự cộng cảm, cấu kết cộng đồng. Vì thế, những lễ hội mà người dân muốn vào phải mua vé sẽ giảm đi sự cộng cảm và cấu kết đó. Những lễ hội mà người dân phải xếp hàng chờ quan chức vào lễ trước, xin lộc trước rồi mới tới lượt mình như ở đền Trần mấy năm trước cũng phải thay đổi... Muốn lễ hội thực sự văn hóa, việc đầu tiên, là phải làm sao cho người dân được làm chủ. Họ, như ở lễ hội Thành Tuyên, phải được vui với việc chuẩn bị và tham gia lễ hội. Lễ hội phải vừa là việc chung, vừa là việc của chính gia đình và cá nhân họ.
PGS-TS Nguyễn Thị Phương Châm, Viện trưởng Viện Văn hóa, cho rằng nhà quản lý cần tránh tư duy, hoặc phát ngôn kiểu “cần hướng dẫn người dân tổ chức lễ hội”. “Chúng ta không nên dùng từ như vậy, nên là kết hợp với nhân dân. Bởi giữ lễ hội là do người dân chứ. Dân mà không giữ thì lễ hội không còn”, bà Châm nói. Trên thực tế, đã có những lễ hội nảy sinh vấn đề như hình ảnh chém lợn giữa chỗ đông người ở Ném Thượng (Bắc Ninh), tranh cướp lộc chảy máu ở Phù Đổng (Hà Nội). Tuy nhiên, khi nhà quản lý - nhà nghiên cứu - người dân cùng trao đổi với nhau thì phong tục cũ không còn phù hợp đã được thay đổi. Người dân đồng tình thay đổi nó. Trả lễ hội cho người dân như thế mới là cách quản lý lễ hội có văn hóa. Ở đó, nhà quản lý cùng người dân nhận định vấn đề bất cập, khoanh vùng và thảo luận phương án thay đổi.
Tuyệt đối không hành chính hóa quyết định văn hóa. Phải cùng người dân bàn bạc trên tinh thần lễ hội là của dân. Khi đó, lễ hội cũ sẽ bớt những yếu tố không phù hợp, lễ hội mới phát sinh cũng sẽ giàu tính văn hóa hơn. Sáng tạo truyền thống lễ hội mới là vậy.
Bình luận (0)