Lăng kính bạn đọc:

Quản lý dịch vụ OTT từ SIM

Kim Lan
(tổng hợp)
16/04/2023 06:44 GMT+7

Để quản lý tốt hơn nội dung dịch vụ viễn thông trên nền tảng internet, nhiều bạn đọc góp ý chỉ cần siết hiệu quả quản lý SIM 'rác' từ các nhà mạng.

Như Thanh Niên đã thông tin, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa cho ý kiến đối với dự án luật Viễn thông sửa đổi. Trong dự án, các đề xuất bổ sung quản lý dịch vụ viễn thông cơ bản trên internet (dịch vụ OTT viễn thông) như Zalo, Viber, Telegram... thu hút sự quan tâm của dư luận.

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra của Quốc hội cho rằng nhiều đề xuất trong dự án luật Viễn thông sửa đổi "khó khả thi" hoặc gây lo ngại cho doanh nghiệp về cạnh tranh.

Chẳng hạn, quy định yêu cầu doanh nghiệp cung cấp OTT viễn thông phải có biện pháp bảo đảm sự hoạt động ổn định của dịch vụ là "khó khả thi"; quy định yêu cầu việc cung cấp dịch vụ viễn thông qua biên giới phải thông qua thỏa thuận thương mại với doanh nghiệp viễn thông VN cũng gây lo ngại cho doanh nghiệp về vấn đề cạnh tranh…

Lăng kính bạn đọc: Quản lý dịch vụ OTT từ SIM  - Ảnh 1.

Các dịch vụ OTT ngày càng phổ biến

Ngọc Thắng

Câu hỏi về dịch vụ OTT thuần Việt

Nêu ý kiến về dự án luật Viễn thông sửa đổi liên quan đến các dịch vụ OTT, bạn đọc (BĐ) Hung Nguyen Van phân tích: "Nếu chỉ vì khó quản lý mà chúng ta hạn chế hoặc siết chặt, tôi e là đang đi ngược thông lệ quốc tế".

Để làm rõ hơn, BĐ Hung Nguyen Van giải thích: "Khi tham gia vào kinh tế thị trường và các hiệp định thương mại, chúng ta phải chấp nhận tính cạnh tranh của các dịch vụ OTT như một loại hàng hóa đặc thù của thế giới mở, của kỷ nguyên số xuyên lục địa".

Tán thành, nhiều BĐ cho rằng dịch vụ OTT liên quan mật thiết đến các nhà mạng và đây là mối quan hệ cộng sinh. BĐ Ròm nêu: "Người dùng sử dụng dịch vụ OTT thì họ đã trả tiền dữ liệu cho nhà mạng. Càng dùng nhiều dịch vụ OTT thì tiền dữ liệu nhiều. Vấn đề là trước đây các nhà mạng bao sân dịch vụ còn hiện nay chỉ khai thác mạnh đường truyền".

Nhận xét về mối liên hệ này, BĐ Godel Kurt cho rằng: "Các công ty OTT tạo ra được giá trị hơn và đủ năng lực hơn nên thành công. Câu hỏi đúng là làm sao để nhà mạng Việt phát triển hơn, chứ không nên cào bằng". "Vậy thì người Việt cần nỗ lực để tạo ra các dịch vụ OTT thuần Việt, thậm chí là một hệ sinh thái mạng xã hội thuần Việt đủ chất lượng cạnh tranh với các mạng xã hội của thế giới đang thâm nhập", BĐ Minh Nghĩa nêu ý kiến.

Thực tế, nhiều nhà mạng tại VN vẫn đang cố gắng cung cấp các dịch vụ OTT. Nhưng một thực tế khác cũng chỉ ra rằng các dịch vụ OTT xuyên biên giới lại tỏ ra mạnh hơn.

Xem nhanh 12h ngày 16.4: Ca sĩ Vy Oanh ‘bốc hơi’ trên mạng | Thót tim cô bé kẹt trong thang máy

Quản lý từ khâu khách hàng

BĐ Minh Hùng Lê đề nghị không nên hành chính hóa các dịch vụ OTT: "Nhà mạng với OTT là quan hệ mua bán, vừa là đối thủ vừa là cộng sinh. Hiện trạng được chỉ ra là nhà mạng đang cung cấp lưu lượng data để OTT hoạt động. Vậy thì cứ đưa ra mức cước để ông kia trả, thuận mua vừa bán. Nếu thực tế đúng là vậy thì ông nhà mạng mới là bên nắm cán, nhưng lại loay hoay kêu hoài".

Tôi nghĩ nhiều người sẽ đồng thuận việc doanh nghiệp không được tự động khai thác thông tin cá nhân vào những mục đích mà chưa có sự đồng ý của khách hàng. Ai cũng muốn được bảo vệ.

Trịnh Cường

Các OTT cũng nộp thuế, người sử dụng cũng trả tiền internet, Theo tôi, vấn đề là cần chủ động tạo ra các OTT để cạnh tranh và quản lý, kiểm soát việc cạnh tranh này cho thật tốt.

Anh Năm

Chia sẻ với những lý do, bao gồm những lo ngại, khi cơ quan chủ trì xây dựng dự án luật Viễn thông sửa đổi là Bộ TT-TT đưa ra nhiều đề xuất "siết" quản lý dịch vụ OTT như Zalo, Viber, Telegram…, BĐ Lam Thai nêu ý kiến: "Nếu nỗ lực dẹp câu chuyện SIM "rác" thôi mà chưa làm được thì lại càng khó quản lý những dịch vụ ăn theo cái SIM. SIM "rác" mà không còn thì lấy đâu ra họ đăng ký được các ứng dụng OTT mà phát tán nội dung xấu, độc trên mạng xã hội?". Cũng nhận định này, BĐ Thuần Lương cho rằng các "cổng vào" internet vốn được chủ động quản lý thì "mức độ đề kháng trong cuộc cạnh tranh dịch vụ OTT dễ dàng nâng cao nếu chúng ta quản lý được khách hàng, tức là ngay từ khâu SIM điện thoại di động chính chủ".

Kết luận tại buổi cho ý kiến đối với dự án luật Viễn thông sửa đổi, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng vấn đề quản lý dịch vụ OTT viễn thông còn nhiều ý kiến khác nhau. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cân nhắc kỹ, đánh giá kỹ tác động để đưa các dịch vụ này vào luật và xác định mức độ điều chỉnh cho phù hợp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.