Quản lý nguy cơ giúp TP.HCM gần 1 tháng không có ca tử vong do Covid-19

06/05/2022 07:12 GMT+7

Ngày 5.5, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM tổ chức Hội nghị khoa học công nghệ lần thứ 15 năm 2022.

Tại hội nghị, PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết gần 1 tháng nay (tính từ ngày 8.4.2022), TP không có ca tử vong do Covid-19. Kết quả này có được là nhờ việc áp dụng nguyên lý quản lý nguy cơ tại TP.

Theo ông Thượng, TP đã trải qua 3 đợt cao điểm dịch bệnh Covid-19. Đợt cao điểm thứ nhất vào ngày 6.9.2021 với 154.000 ca mắc và 1.058 ca thở máy xâm lấn. Đợt cao điểm thứ hai vào ngày 8.12.2021 với 84.643 ca mắc và 455 ca thở máy xâm lấn. Đợt cao điểm thứ ba vào ngày 13.3.2022 với 108.300 ca mắc nhưng chỉ có 80 ca thở máy xâm lấn. Ngày có số ca tử vong cao nhất là 340 ca (ngày 23.8.2021), nhưng đến hiện nay, gần 1 tháng qua không có ca tử vong dù số ca mắc tăng cao. Điều này cho thấy việc áp dụng nguyên lý quản lý nguy cơ đã cải thiện ca nặng và giảm tử vong ở đợt cao điểm thứ 3. Nguyên lý rất đơn giản, đó là xác định có nguy cơ, đánh giá nguy cơ, đưa ra biện pháp và đánh giá hiệu quả.

Theo đó, mỗi ngày TP phân tích và đã xác định được người nguy cơ tử vong. Kết quả cho thấy, tử vong tập trung vào nhóm người trên 50 tuổi, đặc biệt trên 65 tuổi; người có bệnh nền hơn 90% tử vong; số tử vong chưa tiêm vắc xin chiếm 50%. Từ đó, ưu tiên nhóm trên 65 tuổi và người có bệnh nền; tập trung đánh giá những người chưa tiêm vắc xin, người chậm phát hiện ra bệnh (mắc bệnh mà không biết).

Sau đó, TP triển khai chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ bằng các giải pháp: giảm nguy cơ lây nhiễm trên người cao tuổi, người có bệnh nền, tiêm vắc xin; hạn chế tối đa tiếp xúc F0 trong gia đình; phát hiện và điều trị sớm bằng test nhanh định kỳ; kiểm soát các yếu tố nguy cơ. Cụ thể, lên danh sách người thuộc nhóm nguy cơ trên từng địa bàn phường, xã; cho xét nghiệm hàng loạt phát hiện F0 điều trị bằng thuốc kháng vi rút; phát hiện người chưa tiêm vắc xin thì tiêm ngay, tiêm tại nhà; tổ chức tư vấn từ xa...

“Sau khi triển khai các biện pháp, đánh giá kết quả, thấy rõ nhất là tử vong giảm hẳn, gần 1 tháng không có ca tử vong. Chỉ còn 9 ca thở máy (lúc cao điểm có 1.058 người thở máy/ngày). Chủ động phát hiện 637.000 người thuộc nhóm nguy cơ, 25.333 người thuộc nhóm nguy cơ chưa tiêm vắc xin (đã tiêm được 13.874 người) và phát hiện 5.402 người mắc Covid-19 mà không biết, đưa vào điều trị sớm”, ông Thượng thông tin.

Tính đến ngày 5.5, TP chỉ còn 207 ca nằm viện, trong đó có 57 ca hỗ trợ hô hấp, 9 ca thở máy và 2.766 ca cách ly tại nhà. Bộ Y tế công bố tại TP đã có 609.530 ca mắc Covid-19 và 20.488 ca tử vong (tính từ khi có dịch Covid-19 đến ngày 5.5.2022).

Ngày 5.5: Cả nước 4.305 ca Covid-19, 5.084 ca khỏi | Hà Nội 684 ca | TP.HCM 82 ca

Phê duyệt đề án tổ chức lại TTYT thuộc Sở Y tế về quận, huyện

Ngày 5.5, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM đã ký Quyết định 1989 về việc phê duyệt đề án tổ chức lại Trung tâm y tế (TTYT) quận, huyện, TP.Thủ Đức trực thuộc Sở Y tế về trực thuộc UBND quận, huyện, TP.Thủ Đức.

Theo lộ trình thực hiện đề án, từ quý 3/2022 đến trước quý 4/2022 tổ chức bàn giao nguyên trạng 22 TTYT từ Sở Y tế về quận, huyện, TP.Thủ Đức.

Theo đề án, mục tiêu của việc bàn giao này nhằm nâng cao năng lực và chất lượng dịch vụ mạng lưới y tế cơ sở, đảm bảo hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu; khám chữa bệnh cho người dân theo hướng toàn diện, liên tục; phối hợp chặt chẽ giữa dự phòng và điều trị, giữa cơ sở y tế phường, xã với tuyến trên. Điều này góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến TP, đảm bảo công bằng, hiệu quả trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Đề án trên cũng được Sở Y tế trình UBND TP.HCM để ra quyết định chuyển TTYT quận, huyện, TP.Thủ Đức trực thuộc Sở Y tế về trực thuộc UBND quận, huyện, TP.Thủ Đức.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.