Quản lý nhà nước cần kịp thời, dự báo tốt

18/11/2014 05:15 GMT+7

Thảo luận Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện các nghị quyết của QH, kết luận của Ủy ban Thường vụ QH về chất vấn, nhiều ĐBQH thẳng thắn cho rằng quản lý nhà nước hiện nay thường đi chậm, đi sau thực tiễn.

Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo của Chính phủ trước QH - Ảnh: Ngọc Thắng

Báo cáo của Chính phủ do Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày trước QH sáng 17.11, tập trung vào bảy lĩnh vực chính gồm: NN-PTNT; Nội vụ; TT-TT; Tài chính; GD-ĐT; Quản lý của Bộ Tư pháp; Thanh tra.

“Đã xử lý nghiêm các vụ án tham nhũng”

 

Đánh giá cao sáng kiến của T.Ư Đoàn

Trong phát biểu của mình, ĐB Lê Như Tiến (Quảng Trị) bày tỏ hoan nghênh và đánh giá cao sáng kiến của T.Ư Đoàn về việc xây dựng các làng thanh niên lập nghiệp ở các vùng dân tộc miền núi. “Hàng chục nghìn thanh niên chưa có việc làm có thể tình nguyện lên đây lập thành làng thanh niên, xây dựng cuộc sống mới, vừa trồng rừng vừa giữ đất, đây là một hướng tiếp cận tốt giữa trồng rừng với bảo vệ Tổ quốc cần được nhân rộng”, ĐB Tiến nói.

Về giải quyết khiếu nại, tố cáo và tiếp công dân trong lĩnh vực thanh tra, báo cáo cho biết đến nay đã giải quyết 500/528 vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài, đạt tỷ lệ 94,7%. Thanh tra Chính phủ đã ban hành kế hoạch tiếp tục giải quyết các vụ việc tồn đọng, phức tạp khác; các bộ, ngành, địa phương đã kiểm tra, rà soát 532 vụ việc, trong đó có 241 vụ việc đủ điều kiện chấm dứt thụ lý.

Về công tác thanh tra và xây dựng ngành thanh tra, báo cáo cho biết các cơ quan chức năng đã triển khai trên 5.500 cuộc thanh tra hành chính, trên 132.000 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện vi phạm về kinh tế gần 28.000 tỉ đồng, kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước trên 13.000 tỉ đồng; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 873 tập thể và trên 1.500 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra xử lý 34 vụ việc.

Đặc biệt, trong công tác phòng, chống tham nhũng đã tiếp tục hoàn thiện thể chế về phòng, chống tham nhũng; chỉ đạo xây dựng Đề án kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Đã xử lý nghiêm các vụ án tham nhũng, nhất là các vụ nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Tăng cường phối hợp với MTTQ VN trong phòng, chống tham nhũng và giải quyết khiếu nại, tố cáo...

Phó thủ tướng cho biết có 48 người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng; trong đó 3 người bị xử lý hình sự; 5 người bị cách chức và 40 người bị xử lý kỷ luật bằng các hình thức cảnh cáo, khiển trách. Đã chuyển đổi vị trí công tác đối với trên 27.400 cán bộ, công chức, viên chức. Trong năm 2013, kết quả kê khai tài sản, thu nhập năm 2013 có tỷ lệ kê khai đạt 99,2% (944.425/952.178 người phải kê khai), tăng 0,7% so với năm 2012. Trong số này đã có 914.250 bản kê khai được công khai, tăng 37,4% so với năm 2012.

Về tăng cường công tác bảo đảm an ninh, an toàn thông tin mạng, báo cáo của Chính phủ cho biết đã kiện toàn cơ quan quản lý nhà nước, thành lập các cục về bảo đảm an ninh, an toàn thông tin mạng tại một số bộ, ngành chức năng. Triển khai hệ thống giám sát mạng internet quốc gia để cảnh báo và điều phối ứng cứu sự cố mạng trong nước. Trong 9 tháng, đã kịp thời phát hiện, khắc phục gần 7.300 trường hợp các cổng, trang thông tin điện tử đặt tại VN bị tấn công.

Về bảo đảm an toàn nợ công, nợ Chính phủ, báo cáo cho biết thực hiện Nghị quyết của QH, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng, bảo đảm an toàn nợ công, nợ Chính phủ theo quy định của luật Quản lý nợ công. Dự kiến cuối năm 2014 nợ công khoảng 60,3% GDP, nợ Chính phủ 46,9% GDP, nằm trong giới hạn cho phép theo quy định. Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 nợ công khoảng 60,2% GDP, nợ Chính phủ khoảng 46,6% GDP, bảo đảm trong giới hạn an toàn cho phép theo quy định.

Về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, báo cáo cho biết trong 10 tháng đã tái cơ cấu được 119 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa 100 doanh nghiệp. Đã thoái vốn được trên 3.500 tỉ đồng, gấp hơn 3,6 lần so với năm 2013. Phấn đấu đến cuối năm 2015 hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa 432 doanh nghiệp.

“Tại sao Bộ Công an lên làm thì bắt được, địa phương thì không”

Theo ĐB Phạm Đức Châu (Quảng Trị), Chính phủ cần đánh giá sâu hơn việc sau khi có nhiều vụ việc xảy ra trong thực tiễn rồi sau đó Chính phủ buộc phải chỉ đạo rà soát do trước đó công tác quản lý lỏng lẻo. “Một con tàu chìm thì rà soát tàu. Một mỏ sập thì rà soát mỏ đá. Một cầu treo sập thì rà soát cầu. Như vậy, rõ ràng quản lý nhà nước đi chậm, đi sau. Cử tri mong muốn công tác quản lý nhà nước phải bằng tổng hợp, dự báo tình hình, qua công tác thanh tra, kiểm tra, đừng để tình trạng đó xảy ra”, ĐB Châu nói.

ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) thẳng thắn chỉ ra tính đồng bộ, phối hợp còn thiếu trong các giải pháp của Chính phủ. ĐB này đề nghị Chính phủ xem xét lại việc  công tác tham mưu Chính phủ nhiều vấn đề dường như còn quan liêu, không thực tế. “Điển hình là việc xử lý cai nghiện. Chúng ta thấy tới khi Thủ tướng nghe tình hình, triệu tập cuộc họp, ngồi quyết định thì chúng ta mới trình ra QH để xử lý vấn đề một cách rất bị động”, ông Lịch nói.

Đồng tình với ĐB Lịch về những bất cập trong đồng bộ, phối hợp các giải pháp của Chính phủ, ĐB Danh Út (Kiên Giang) chỉ rõ một điển hình. “Từ tháng 8 đến hôm nay, trong 107 ngày giá xăng đã giảm 10 lần. Nhưng cách đây 2 hôm, một số hiệp hội mới rục rịch làm đơn xin giảm giá cước phí. Như vậy chúng ta rất chậm”, ĐB Út nói.

Theo ĐB Lê Nam (Thanh Hóa), trong lĩnh vực chống buôn lậu mặc dù nói nhiều đến trách nhiệm của lãnh đạo các tỉnh nhưng thực tiễn chưa thực hiện được trách nhiệm này. “Tại sao biên giới của chúng ta buôn lậu khủng khiếp như vậy, cứ Bộ Công an lên làm thì bắt được một số vụ nghiêm trọng, Bộ Công an về thì lại "ném đá ao bèo", tại sao lại như thế? Trách nhiệm của đồng chí chủ tịch huyện ở đâu? Trách nhiệm của trưởng công an huyện đó ở đâu? Trách nhiệm của chỉ huy trưởng biên phòng đâu?”, ĐB Nam đặt câu hỏi. Theo ĐB Nam, “nếu tiếp tục không rõ ràng, không kiên quyết, sẽ không giải quyết được tình trạng buôn lậu dù QH, Chính phủ cố đến mấy cũng vẫn thế”.

ĐB Hồ Trọng Ngũ (Vĩnh Long) cho rằng trong Báo cáo của Chính phủ, những vấn đề về quốc phòng và an ninh dường như hơi mờ nhạt. Theo ĐB Ngũ, cần có sự đánh giá đầy đủ, đúng mức về vấn đề củng cố thế trận lòng dân, tăng cường tiềm lực chính trị tinh thần để bảo vệ Tổ quốc.  

“Nhắc nợ” các Bộ trưởng

Theo ĐB Lê Như Tiến (Quảng Trị), tại các kỳ họp trước ông đã nêu trách nhiệm của các bộ, ngành về việc để cho 10 tỉnh trong cả nước cho nước ngoài thuê 342.000 ha đất rừng với thời hạn 50 năm ở những khu vực rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ, khu vực phòng thủ, nhạy cảm về quốc phòng, an ninh. “Các bộ, ngành quản lý nhà nước hứa sẽ chấm dứt cho thuê và sẽ thu hồi giấy phép đầu tư, đến nay đã xử lý vấn đề này như thế nào? Còn bao nhiêu héc ta rừng cho nước ngoài thuê?”, ĐB Tiến nêu câu hỏi và đề nghị các Bộ trưởng KH-ĐT, NN-PTNT, TN-MT trả lời về kết quả xử lý.

Cũng theo ĐB Tiến, thống kê cho thấy hiện cả nước có trên 78.000 lao động nước ngoài làm việc nhưng công tác quản lý còn nhiều bất cập. Nhiều thông tin cho biết có những lao động nước ngoài không được cấp giấy phép lao động, giấy phép cư trú, nhưng mặc nhiên đi lại, thay đổi công việc, nơi làm việc mà không ai kiểm soát. Điều này ảnh hưởng đến chất lượng việc làm, ảnh hưởng đến bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, nên ông “đề nghị bộ trưởng các bộ Công an, LĐ-TB-XH chia sẻ”.

Trường Sơn

>> Cần quan tâm hơn công tác quản lý nhà nước về thanh niên
>> Nhiều tiêu cực, sách nhiễu trong quản lý nhà nước về đất đai
>> Cần một quy định thống nhất về quản lý nhà nước tại các khu kinh tế ven biển
>> Đề nghị làm rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước về sai phạm ở Vinashin
>> Quản lý nhà nước và giá sữa
>> Quy định quản lý nhà nước về quảng cáo
>> Nâng mức xử phạt tối đa trong lĩnh vực quản lý Nhà nước lên 500 triệu đồng
>> Quản lý nhà nước là một ngành dịch vụ
>> VN ổn định chính trị cao, khả năng quản lý nhà nước thấp

 

 

 

 

 

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.