Quản lý nhà nước nên cảnh báo doanh nghiệp thay vì đi bắt lỗi

18/03/2021 06:20 GMT+7

Hôm qua (17.3), Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng đã tổ chức họp báo công bố báo cáo chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính năm 2020 (APCI 2020).

Chi phí thủ tục môi trường cải thiện vẫn “nặng đô”

Kết quả cho thấy, lĩnh vực đứng đầu về chi phí tuân thủ thủ tục hành chính (TTHC) là môi trường với trên 63,3 triệu đồng; thứ hai là xây dựng với 25,28 triệu đồng; thứ ba là đầu tư với 9,15 triệu đồng. APCI thấp nhất trong 9 nhóm TTHC được khảo sát là lĩnh vực thuế với 267.000 đồng.
Luật sư Nguyễn Hưng Quang, đại diện nhóm nghiên cứu, giải thích thêm, để thực hiện TTHC trong nhóm môi trường, trung bình mỗi doanh nghiệp (DN) phải bỏ ra 61,5 giờ; chi phí trực tiếp là 3,1 triệu đồng. Theo khảo sát APCI 2020, cứ 100 DN thì có 52 DN thuê dịch vụ trọn gói để thực hiện các TTHC liên quan đến môi trường, đặc biệt là cho thủ tục thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Còn để thực hiện các TTHC trong nhóm thuế, trung bình mỗi DN phải bỏ ra 3,8 giờ và 11,6 triệu đồng chi phí trực tiếp. TTHC thuế là nhóm đứng đầu mức độ cải thiện khi tăng 5,6 điểm so với năm 2019. Trong khi đó, nhóm TTHC môi trường đứng thứ ba về mức độ cải thiện (tăng 0,5 điểm so với năm 2019), nhưng phân tích các chi phí thành phần cho thấy sự cải thiện của nhóm môi trường chưa phải thực chất.
Đánh giá chung, Hội đồng tư vấn cải cách TTHC cho rằng APCI 2019 và APCI 2020 đều cho thấy những nhóm TTHC có điểm APCI cao và có những tiến bộ đáng kể qua các năm là nhờ vào việc áp dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ cho việc thực hiện TTHC của DN cũng như giải quyết TTHC của cơ quan nhà nước trên môi trường điện tử. Thành công ban đầu của Cổng dịch vụ công quốc gia càng minh chứng cho điều đó.

Cảnh báo thay vì chờ bắt lỗi

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng (Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách TTHC), việc thực hiện và giải quyết TTHC trên môi trường điện tử để cải thiện và tiết kiệm chi phí thực hiện TTHC cho DN đã là một nhiệm vụ cấp bách, được đặt lên hàng đầu của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương. “Cùng với đó, cần tiếp tục cắt giảm chi phí tuân thủ TTHC, nhất là chi phí không chính thức, để tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch”, ông Dũng nói, đồng thời nhấn mạnh: “Phải triệt để tiêu diệt chi phí không chính thức”.
Đáng chú ý, theo ông Dũng, muốn giảm chi phí tuân thủ thì phải chuyển tiền kiểm sang hậu kiểm. Và muốn làm điều này thì quản lý nhà nước thay vì đi bắt lỗi DN, nên chuyển sang cảnh báo để DN không mắc lỗi. “Nghị định 15 thay thế Nghị định 38 về quản lý an toàn thực phẩm là ví dụ. Việc thay đổi tư duy quản lý để DN tự công bố và chịu trách nhiệm về chất lượng đã giúp tiết kiệm 3.700 tỉ đồng/năm”, ông Dũng nói. Minh họa thêm cho nhận định này, đại diện nhóm nghiên cứu dẫn chuyện thực tế của Cục Thuế tỉnh Bình Định chủ trương không kiểm tra mà chủ động hướng dẫn, cảnh báo cho DN. “Điều này không hề khiến số thuế thu bị giảm, mà ngược lại thu thuế tăng 32,6%, dù cho phạt hành chính đã giảm hơn 20%”, đại diện nhóm nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.