Qua hình ảnh chụp lại thì thấy điểm sạt lở là khu vực trồng sầu riêng, trong khi xung quanh đều là rừng tự nhiên, đây là một dấu hiệu không bình thường, phải được làm rõ. Rừng tự nhiên không bỗng dưng trở thành vườn sầu riêng và tại sao trên cùng một địa hình, cùng chịu đựng cường độ mưa lớn nhưng sạt lở chỉ xuất hiện ở nơi không còn rừng.
Chức năng của rừng phòng hộ là đảm bảo phòng hộ với những tính chất chống xói mòn, sạt lở, hạn hán, cháy rừng. Trong rừng phòng hộ có thể trồng cây nông nghiệp, lâm nghiệp nhưng phải tuân thủ quy định của luật Lâm nghiệp, chỉ trồng với tỷ lệ nhất định, không được can thiệp, tác động ảnh hưởng đến chức năng phòng hộ của rừng. Đối với cây sầu riêng phải trồng với mật độ thưa, đủ ánh sáng để cây ra quả, thảm thực bì mỏng, tán thưa nên không còn giá trị phòng hộ của rừng nữa.
VN phải hứng chịu mưa bão, thiên tai phức tạp nhưng tại sao trước đây hạn hán, sạt lở đất, lũ quét… ít khi xảy ra vì có nhiều rừng tự nhiên che phủ. Những năm gần đây, những hình thái thiên tai cực đoan, dị thường này xuất hiện ngày càng gây ra tổn thất nặng nề là có nguyên nhân từ biến đổi khí hậu, chức năng phòng hộ của rừng bị suy giảm.
Luật Lâm nghiệp năm 2017 yêu cầu phải đóng cửa rừng tự nhiên, nhất là ở những nơi xung yếu, miền núi, có độ dốc cao, mưa lớn. Nhưng thực tế, rừng vẫn bị phá hoại. Ngay tại Lâm Đồng, mỗi năm có hàng trăm vụ phá rừng với nhiều chiêu thức tinh vi, rất nhiều vụ việc trong số đó không xác định được đối tượng phá rừng để xử lý. Ở nhiều địa phương, khi soi ảnh vệ tinh, số liệu kiểm kê rừng thì chưa thấy bị tàn phá nhưng nếu đi vào rừng, mật độ cây rất thưa, nhiều cây bị chặt trộm, chỉ còn gốc. Rừng bị "rỗng ruột" thì chức năng phòng hộ giảm sút.
Rừng có 3 chức năng: nguồn cung gỗ, bảo vệ sinh thái, bảo tồn thiên nhiên. Tùy từng nơi, các địa phương phải xác định chức năng nào là chính để có đầu tư, chăm sóc, bảo vệ rừng. VN là nước chịu tác động mạnh của biến đổi khí hậu nên phải đặt trọng tâm vào rừng phòng hộ, đặc biệt là ở khu vực miền Trung, nơi có đất dốc lớn, mưa bão thường xuyên. Trong đó, phải khôi phục bằng được các khu vực rừng phòng hộ để bảo vệ nguồn nước, bảo vệ đất, chống xói mòn, sạt lở, lũ quét, lũ ống, chống sa mạc hóa, hạn chế thiên tai, điều hòa khí hậu.
Cùng với luật Lâm nghiệp năm 2017 và Chiến lược phát triển lâm nghiệp VN giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2021 đã coi rừng là giải pháp tốt nhất, rẻ nhất và toàn dân tham gia được để bảo vệ môi trường sống, môi trường phát triển của mình. Yêu cầu bảo vệ rừng hiện nay không chỉ là nhiệm vụ cấp thiết trước biến đổi khí hậu mà còn xuất phát từ yêu cầu của thị trường lâm sản thế giới. Vừa qua, Liên minh Châu Âu đã thông qua đạo luật cấm nhập khẩu các sản phẩm có liên quan đến hoạt động phá rừng, nhằm chống lại nạn phá rừng bất hợp pháp lấy gỗ, ngăn ngừa việc phá rừng lấy đất trồng trọt, chăn nuôi. VN cũng phải thực hiện quản lý rừng bền vững thì mới giữ được thị trường xuất khẩu, chúng ta không thể đứng ngoài quy định này, khi giá trị xuất khẩu lâm sản đang phấn đấu 20 tỉ USD.
Để giữ thị trường xuất khẩu bền vững, các địa phương phải quản lý chặt chẽ diện tích rừng tự nhiên hiện có; đầu tư phục hồi và nâng cao chất lượng rừng tự nhiên; hạn chế tối đa chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích ngoài lâm nghiệp; duy trì, nâng cao chất lượng rừng phòng hộ để giảm thiểu tác hại thiên tai, tăng hấp thụ carbon, cung ứng dịch vụ môi trường rừng.
(*) Viện trưởng Viện Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng, nguyên Cục trưởng Cục Phát triển lâm nghiệp, Bộ NN-PTNT
Bình luận (0)