Tại Việt Nam, loãng xương ảnh hưởng đến hàng triệu người, đặc biệt là người cao tuổi. Tuy nhiên, đây không chỉ là vấn đề của tuổi già, mà còn có thể gây nguy hiểm cho những người trẻ hơn do lối sống thiếu vận động và dinh dưỡng không cân đối. Điều này đòi hỏi sự quan tâm và hành động kịp thời trong việc phòng ngừa, chẩn đoán, và điều trị.
Loãng xương - Nguy cơ âm thầm nhưng nghiêm trọng
Loãng xương là tình trạng mật độ và chất lượng xương suy giảm, khiến xương trở nên giòn và dễ gãy. Những người bị loãng xương có nguy cơ cao bị gãy xương chỉ sau một cú ngã nhẹ, đặc biệt là các vị trí như khớp hông, cột sống, và cổ tay. Theo ước tính, có khoảng 3,6 triệu người Việt Nam đang mắc loãng xương, trong đó nhiều người không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
ThS-BS Nguyễn Phú Chân (Khoa Chấn thương chỉnh hình tại Bệnh viện Đại học Y Dược (BV ĐHYD) TP.HCM, chia sẻ: "Loãng xương là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây gãy xương ở người cao tuổi. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng như mất khả năng vận động, suy giảm chất lượng cuộc sống, và thậm chí tử vong". Bác sĩ nhấn mạnh rằng loãng xương có thể ảnh hưởng đến cả nam và nữ, đặc biệt là phụ nữ sau mãn kinh. Một chế độ dinh dưỡng thiếu canxi và vitamin D, cùng với việc sử dụng các loại thuốc như corticosteroid kéo dài, có thể làm tăng nguy cơ loãng xương.
Phương pháp điều trị và phục hồi chức năng
Theo PGS-TS-BS Bùi Hồng Thiên Khanh, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình, BV ĐHYD TP.HCM, việc điều trị loãng xương tại BV ĐHYD TP.HCM được thực hiện theo các phương pháp hiện đại và toàn diện. Đầu tiên, các bác sĩ sẽ đo mật độ xương bằng máy hấp thụ tia X năng lượng kép (DEXA) để tầm soát loãng xương. Đây là phương pháp giúp phát hiện bệnh sớm và chính xác, từ đó xây dựng phác đồ điều trị cá nhân hóa cho từng người bệnh.
Phác đồ điều trị loãng xương thường bao gồm việc sử dụng thuốc đặc trị như biphosphonate, một nhóm thuốc giúp ức chế quá trình hủy xương. Ngoài ra, người bệnh cần được bổ sung canxi và vitamin D để hỗ trợ quá trình tái tạo xương. Việc sử dụng thuốc cần được theo dõi chặt chẽ bởi bác sĩ để đảm bảo hiệu quả điều trị và tránh các tác dụng phụ không mong muốn.
Trong các trường hợp gãy xương do loãng xương, các kỹ thuật phẫu thuật ít xâm lấn như tạo hình thân đốt sống bằng xi măng sinh học hoặc thay khớp được áp dụng. Công nghệ phẫu thuật tiên tiến như robot và C-Arm giúp tăng độ chính xác trong phẫu thuật, giúp người bệnh phục hồi nhanh hơn và giảm nguy cơ tái phát.
Một trường hợp điển hình là người bệnh C.T.K.D, 98 tuổi, có tiền sử bệnh lý nền phức tạp bao gồm hẹp van 2 lá, tăng huyết áp và rung nhĩ, bệnh thận mạn. Một năm trước, người bệnh bị té ngã tại nhà, gây gãy cổ xương đùi phải. Do tuổi cao và tình trạng bệnh lý nền, người bệnh được chuyển đến BV ĐHYD TP.HCM để điều trị. Tại đây, người bệnh được tiến hành phẫu thuật thay khớp háng bán phần. Quá trình phục hồi diễn ra tốt đẹp, và chỉ sau một tuần, người bệnh có thể đi lại bằng khung hỗ trợ. Một tháng sau, người bệnh có thể tự đi lại trong nhà mà không cần sự trợ giúp.
Tuy nhiên, do không tuân thủ liệu trình điều trị loãng xương (bằng Alendronate 70mg/tuần), sau một năm, người bệnh tiếp tục té ngã trong nhà vệ sinh, gây gãy liên mấu chuyển xương đùi trái. Sau khi nhập viện, người bệnh được hội chẩn liên chuyên khoa, ổn định nhanh các bệnh lý nền trước phẫu thuật và thực hiện phẫu thuật thay khớp háng trái sau 1 ngày nhập viện, với sự hỗ trợ đa chuyên khoa và chương trình phục hồi chức năng cá thể hóa, người bệnh có thể đứng dậy và vận động nhẹ nhàng chỉ sau một ngày. Sau 5 ngày nằm viện, người bệnh xuất viện trong tình trạng ổn định và tiếp tục điều trị tại nhà.
Ca bệnh này là minh chứng cho tầm quan trọng của việc tuân thủ phác đồ điều trị loãng xương, cũng như sự cần thiết của việc phòng ngừa té ngã, đặc biệt là ở người cao tuổi.
Phòng ngừa loãng xương - Hành động ngay từ bây giờ
"Phòng ngừa loãng xương cần bắt đầu ngay từ khi còn trẻ". ThS-BS Nguyễn Phú Chân nhấn mạnh rằng, chế độ ăn uống cân đối và lối sống lành mạnh đóng vai trò quan trọng. Để giảm nguy cơ loãng xương, cần bổ sung đủ canxi và vitamin D hằng ngày.
Bên cạnh đó, việc duy trì thói quen tập luyện thể dục thường xuyên cũng rất quan trọng. Các bài tập giúp tăng cường sức mạnh cơ bắp và cải thiện sự linh hoạt của khớp. Yoga, đạp xe, bơi lội có thể giúp giảm nguy cơ té ngã và gãy xương.
Đặc biệt, việc phòng ngừa té ngã đóng vai trò then chốt. Cải thiện thiện ánh sáng trong nhà, lắp đặt tay vịn tại cầu thang và nhà vệ sinh, loại bỏ các vật cản sẽ giúp giảm nguy cơ té ngã. Bên cạnh đó, người cao tuổi cần mang giày dép phù hợp và kiểm tra thị lực thường xuyên để tránh té ngã. Loãng xương không phải là căn bệnh không thể chữa trị. Với các phương pháp điều trị hiện đại và chế độ phục hồi hợp lý, người bệnh loãng xương có thể cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống.
Nhằm nâng cao kiến thức cộng đồng về bệnh loãng xương, BV ĐHYD TP.HCM phối hợp Công ty TNHH Dược phẩm Gigamed thực hiện chương trình tư vấn "Quản lý phục hồi và điều trị chấn thương do loãng xương", theo dõi tại: https://bit.ly/Dieutrichanthuong
Bình luận (0)