Quản lý yếu kém, 70% khiếu kiện từ đất đai

22/05/2020 11:09 GMT+7

Chậm sửa đổi luật Đất đai , theo một số đại biểu Quốc hội, sẽ không giải quyết được vấn đề khiếu kiện, quản lý chồng chéo, yếu kém.

Sáng 22.5, Quốc hội thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 và điều chỉnh cho năm 2020. Trước đó, Chính phủ đã có tờ trình xin rút 2 dự án luật trong năm 2020 gồm luật Đất đai (sửa đổi) và luật Khám chữa bệnh (sửa đổi).
Về luật Đất đai, Chính phủ xin rút để tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, khắc phục các vướng mắc, bất cập, bảo đảm thể chế hóa kịp thời Nghị quyết đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII cũng như các nghị quyết, kết luận khác của T.Ư, Bộ Chính trị và khẩn trương xây dựng dự án luật bảo đảm chất lượng. Nếu kịp thì báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho bổ sung vào chương trình năm 2021, để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV (tháng 10.2021).
Theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang), thời gian qua năng lực quản lý đất đai quá nhiều vướng mắc, yếu kém, trong đó có quy định pháp luật chung chung, chưa rõ ràng. Một số nội dung chồng chéo, có nội dung nằm ở nhiều điều khoản dẫn đến khó hiểu, khó áp dụng. Bên cạnh đó, quản lý đất đai tác động lớn đến tài sản của nhân dân, khiếu kiện đất đai kéo dài và chiếm khoảng 70% đơn khiếu kiện của công dân.
“Sửa luật Đất đai có cấp bách hay không? Vừa qua, đại biểu đi ghi nhận ý kiến của cử tri tại kỳ họp này đã đặt ra tại sao Quốc hội không sửa. Cử tri mong 1 đạo luật thật rõ ràng, phù hợp để quản lý, chấp hành tốt, nên tôi đề nghị đưa dự án vào chương trình xây dựng luật năm 2021. Chính phủ có động thái tích cực hơn chuẩn bị trình có trách nhiệm hơn”, ĐB Nguyễn Thị Kim Bé đề nghị.

Người dân Thủ Thiêm khiếu nại về đất đai với lãnh đạo TP.HCM

Ảnh Đình Phú

Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) cũng cho rằng, vấn đề đất đai luôn được cử tri đặc biệt quan tâm, nhiều lần xem xét đề nghị sửa đổi. “Đơn thư khiếu nại, tố cáo từ đất đai chiếm tỷ lệ rất cao. Nếu chậm sửa đổi, bổ sung sẽ ảnh hưởng đến điều hành, quản lý và kìm hãm phát triển kinh tế, cũng như không duy trì được trật tự xã hội”, đại biểu Xuân bày tỏ.
Trước đó, tại phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Thường trực Chính phủ đã họp để thảo luận về kế hoạch và định hướng sửa đổi luật Đất đai. Qua thảo luận, Chính phủ thấy rằng luật Đất đai là đạo luật quan trọng, phức tạp, nhạy cảm, có tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước. Việc sửa đổi, bổ sung dự án luật này tại thời điểm diễn ra đại hội Đảng các cấp sẽ có tác động lớn đến ổn định chính trị - xã hội, không loại trừ khả năng các thế lực thù địch lợi dụng, kích động làm cho khiếu kiện gia tăng, ảnh hưởng đến ổn định chính trị, trật tự xã hội và Đại hội Đảng các cấp.
Mặt khác, theo ông Long, sau Đại hội Đảng XIII, T.Ư sẽ ban hành nghị quyết mới mang tính chiến lược, toàn diện, đầy đủ và có tính chất lâu dài về phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cho giai đoạn mới, trong đó có nội dung về đất đai. Do vậy, Chính phủ đã giao Bộ TN-MT tiếp tục nghiên cứu, phân tích, đánh giá toàn diện các quy định của luật Đất đai hiện hành, định hướng sửa đổi, bổ sung toàn diện luật Đất đai sau Đại hội Đảng XIII. “Trước mắt, Chính phủ giao Bộ TN-MT đề xuất xây dựng ngay nghị quyết của Quốc hội để để xử lý, tháo gỡ một số nội dung vướng mắc, nổi cộm gây ách tắc trong thời gian qua”, ông Long cho hay.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.