Đó là tiệm mì trộn của vợ chồng ông Văn Hóa (64 tuổi) và bà Thành Hiệp (62 tuổi) nằm ở tầng 1 của tòa nhà mặt tiền đường Pasteur (Q.1, TP.HCM), hầu như tối nào cũng đông đúc khách ghé ủng hộ.
Bán mì sụt… 20 ký
Chiều chiều, tôi tìm ghé quán ăn mì, ở thời điểm khách còn chưa quá đông. Quán không quá rộng, nhưng sạch sẽ, nép mình ở tầng 1 của một tòa nhà có phần cổ kính với lối kiến trúc cũ.
Quán ăn của ông Hóa và bà Hiệp "kế thừa" từ người con trai |
cao an biên |
Quán nằm ở số 63 đường Pasteur (Q.1), có view nhìn ra đường |
cao an biên |
Thấy tôi, vợ chồng chủ quán niềm nở tiếp đón, giới thiệu thực đơn của quán, gồm các món mì trộn hết sức đa dạng với giá dao động từ 40.000 đồng trở lên. Phần đặc biệt nhất của quán, chính là tô mì trộn “tổ chảng” dành cho 2 người ăn, có giá 110.000 đồng. Nghe lời giới thiệu, tôi gọi phần mì “King” được nhiều thực khách yêu thích lựa chọn.
Bạn đã từng ăn ở quán mì này chưa?
Trong lúc ông Hóa vào bếp tất bật chuẩn bị món, bà Hiệp tâm sự tiệm mì này được mở hơn 5 năm nay, ban đầu do con trai út của 2 vợ chồng làm chủ. Bán được hơn nửa năm, anh không còn mặn mà với quán nên quyết định “rút”.
Vì tiếc cho công sức của con trai dành nhiều năm trời để tìm hiểu công thức nấu, thuê mặt bằng, mua nguyên vật liệu mở quán, bà cùng chồng quyết định bỏ gánh chè bán hơn chục năm, cũng trên đường này để “kế thừa” quán ăn của con, dồn tất cả công sức và tâm huyết vào đó.
Tôi gọi phần mì trộn "King" |
cao an biên |
Mì ở đây dao động từ 40.000 - 55.000 đồng tuỳ loại |
cao an biên |
“Con tôi thích bay nhảy, nên không thể ở yên một chỗ. Nó mở quán mì này không bao lâu thì giao luôn cho ba mẹ. Người ta là con cái kế thừa từ ba mẹ, còn nhà tôi thì ba mẹ lại kế thừa từ con. Bán quán, công thức đến nguyên liệu… đều do con trai tôi truyền lại hết. Nó đi nhiều nước để ăn thử mì trộn, nhiều nguyên liệu, gia vị cũng mua tử Thái Lan về”, bà cười nói.
"Người ta là con cái kế thừa từ ba mẹ, còn nhà tôi thì ba mẹ lại kế thừa từ con. Bán quán, công thức đến nguyên liệu… đều do con trai tôi truyền lại hết"
Bà Hiệp
Thời điểm đó, khách vẫn chưa đông đúc như bây giờ, mỗi ngày số lượng mì ông bà bán ra đủ để xoay xở cho chi tiêu, cuộc sống hằng ngày. Theo bà, mì trộn khác với nhiều món ăn khác, nó đòi hỏi sự tỉ mẩn trong việc chuẩn bị từng nguyên liệu, dù là nhỏ nhất. Từ hành phi, tỏi phi, sa tế, thịt xá xíu, sườn heo, thịt bò, tôm, trứng… đều do 2 vợ chồng tự mua về và chế biến.
“Món mì trộn này mình không thể trộn trước, làm trước, khi nào khách gọi thì mới bắt đầu làm. Vì nếu làm trước thì không còn ngon nữa nên khách gọi đến đâu thì mình bắt đầu làm tới đó. Tô mì mang ra cho khách ngon bởi trứng lòng đào thì vừa được trụng, hoành thánh, cá viên thì vừa được chiên, mọi thứ còn nóng”, ông Hóa vừa nói xong, cũng là lúc tô mì trộn thơm phức được dọn ra trước mặt tôi.
Tô mì là sự phối hợp giữa nhiều nguyên liệu tươi ngon, ăn đậm đà |
cao an biên |
Tô mì bắt mắt với đủ các nguyên liệu, từ sợi mì vàng ươm vừa được trụng được đặt lên trên bởi sườn heo, xá xíu, bắp bò, cá viên, tôm, trứng lòng đào, cải trụng… thêm vào tỏi phi, hành phi được rắc lên, thơm nức mũi.
Ăn kèm một chút tương ớt và sa tế được chuẩn bị sẵn, tôi cảm nhận được sự hòa quyện của từng nguyên liệu. Sự đậm đà trong hương vị với sự phối hợp hài hòa của nhiều nguyên liệu khác nhau, chính là điều tôi ấn tượng nhất trong tô mì này. Riêng trải nghiệm và khẩu vị của cá nhân tôi, tôi chấm 9/10.
Thấy tôi ăn ngon, ông chủ cười tươi, tâm sự rằng, từ ngày khách đông, vợ chồng ông bán không ngơi nghỉ. Kết quả là chỉ trong vòng 2 tháng, ông tuột gần 20 ký, ốm nhom. Thế nhưng trước đó, tình hình buôn bán không “được mùa” như bây giờ.
Nổi tiếng nhờ một lần… nhiều chuyện với khách
Trước kia, việc buôn bán đều đặn, vì tuổi đã cao, sức yếu, chủ nhà cũng ngỏ ý muốn lấy lại mặt bằng, nên vợ chồng ông dự định bán đến tháng 9 năm nay thì nghỉ. Trong một lần buồn bã vì ý định chia tay quán ăn đã gắn bó với mình suốt nhiều năm trời, vợ chồng bà có kể cho một vị khách nghe.
“Kết quả là mấy bữa sau, khách kéo tới đây ăn nườm nượp. Hỏi ra thì mới biết chuyện của vợ chồng tôi được khách chia sẻ lên mạng, và được nhiều người biết tới nên người ta tới ủng hộ. Suốt 1 - 2 tháng đó, quán lúc nào cũng ùn ùn khách ghé thăm, mà có 2 vợ chồng già nên làm cũng chậm. Vậy là khách cũng vào phụ vợ chồng tôi một tay”, bà hạnh phúc nhớ lại.
Ông Hóa bị giảm 20 ký từ ngày khách tới ủng hộ nhiều |
cao an biên |
Quán nổi tiếng từ một lần bà "nhiều chuyện" với khách |
cao an biên |
Vì thương mến sự ủng hộ của khách, họ quyết định bán đến thời điểm này, bán đến khi nào không còn sức thì thôi. Nghe được nguyện vọng của 2 vợ chồng, chủ nhà cũng cảm thông và tiếp tục cho thuê.
Bạn có tới ủng hộ quán mì trộn của vợ chồng bà Hiệp?
Ông Hóa thì tâm sự rằng, chính sự ủng hộ bất ngờ và tình cảm mà những vị khách dành cho quán, đã tiếp thêm cho ông bà sức mạnh, động lực để tiếp tục bán. Ban đầu họ bán vì mưu sinh, vì tiếc công của con trai, nhưng giờ họ còn bán chính bởi tình yêu đối với những vị khách đã ủng hộ mình.
“Tính ra nhờ một lần nhiều chuyện với khách, mà quán được nhiều người biết tới, giờ quán cũng có một lượng khách ổn định, đông hơn so với hồi trước. Thực sự vợ chồng tôi không còn từ nào để diễn tả sự biết ơn của mình”, bà Hiệp nói thêm.
Món ăn đa dạng |
cao an biên |
Mỗi ngày quán bán từ 11 giờ trưa đến 21 giờ tối, sau đó ông bà dọn dẹp, tranh thủ thời gian nghỉ ngơi rồi tối sáng hôm sau lại tiếp tục chuẩn bị. Nói về bí quyết có món mì trộn ngon, vợ chồng chủ quán tâm sự rằng, khi nấu bằng cái tâm, cái tình dành cho khách thì mọi thứ tự nhiên sẽ ngon. Và đó, cũng là bí quyết lớn nhất của ông bà.
“Tính ra nhờ một lần... nhiều chuyện với khách, mà quán được nhiều người biết tới, giờ quán cũng có một lượng khách ổn định, đông hơn so với hồi trước. Thực sự vợ chồng tôi không còn từ nào để diễn tả sự biết ơn của mình”
Bà Hiệp
Thấy ba mẹ buôn bán vất vả, chị Thùy Trang (38 tuổi, con gái đầu) cũng từ Vũng Tàu về TP.HCM phụ suốt nhiều tháng nay. Chị tâm sự rằng nhiều lần thấy ba mẹ bán đến quên ăn, thấy ba sụt ký kinh khủng, chị khuyên ông bà nghỉ, nhưng không được.
Mỗi phần mì đều là tâm huyết của vợ chồng bà Hiệp |
cao an biên |
“Mình thấy ba mẹ cũng thương và quý khách, không dám nghỉ ngày nào. Có hôm bị bỏng phải nhập viện cấp cứu, về vẫn bán tiếp. Mình không khuyên được thì mình phụ ba mẹ”, chị bày tỏ.
Với vợ chồng U.70 này, tiệm mì chính là tâm huyết, là tình yêu, là niềm vui của tuổi già, mà họ sẽ cố gắng từng ngày để có thể mang đến những phần ăn tâm huyết nhất cho những vị khách thân yêu của mình.
Bình luận (0)