Quân Nga tiến vào thành phố lớn cuối cùng ở Luhansk; NATO nói hết hạn chế đưa quân đến Đông Âu

30/05/2022 21:30 GMT+7

Ngày hôm nay 30.5, giới chức Ukraine xác nhận lực lượng Nga đã tiến gần đến trung tâm của Severodonetsk, thành phố lớn nhất còn thuộc về Ukraine ở vùng Luhansk , sau nhiều ngày giao tranh ác liệt.

Trong bài đăng trên mạng xã hội, tỉnh trưởng Luhansk Serhiy Hayday viết: "Chiến sự vẫn tiếp diễn. Tình hình rất khó khăn. Lực lượng Nga đang tiến vào trung tâm Severodonetsk".

Thị trưởng Severodonetsk hôm 28.5 cho biết còn khoảng 12.000-13.000 dân thường ở lại. Dân số thành phố trước khi chiến sự bùng phát là khoảng 100.000 người. Việc sơ tán dân thường vẫn tiếp diễn.

Ông Hayday cho biết "Cơ sở hạ tầng quan trọng của Severodonetsk bị phá hủy và 60% các tòa nhà dân cư bị hư hại đến mức không thể phục hồi".

Severodonetsk là một trong vị trí quan trọng trong mục tiêu kiểm soát toàn bộ khu vực Luhansk của Nga.

Oleksandr Striuk, người đứng đầu chính quyền quân sự Severodonetsk, thông báo "chiến sự ác liệt diễn ra trong thành phố".

Tỉnh trưởng Hayday nói thành phố láng giềng Lysychansk vẫn còn nằm trong sự kiểm soát của phía Ukraine, tuy rằng con đường chính dẫn tới hai thành phố vừa bị nã pháo, nhưng không bị ngăn chặn.

Ông Hayday cho biết các lực lượng Nga vẫn áp dụng chiến thuật “nã pháo liên tục trong vài tiếng đồng hồ rồi tấn công”, và tiếp tục như vậy cho đến khi phá vỡ được vị trí phòng thủ.

Trước đó, CNN dẫn thông tin từ quân đội Ukraine khẳng định quân đội Nga đã nối lại việc pháo kích dọc theo giới tuyến ven các khu vực phía bắc của Sumy và Chernihiv.

Văn phòng Tổng tham mưu trưởng quân đội Ukraine cho rằng quân Nga đang cố gắng “bao vây quân Ukraine ở các vùng thuộc phạm vi của hai thành phố Lysychansk và Severodonetsk, đồng thời phong tỏa các tuyến tiếp tế hậu cần chính”. Văn phòng này cũng nhận định lực lượng Nga “tìm cách giành vị trí ở vùng ngoại ô đông bắc Severodonetsk, từ đó triển khai các chiến dịch thọc sâu về hướng trung tâm thành phố”.

Phía Nga chưa bình luận về thông tin trên. Trả lời phỏng vấn Đài TFI (Pháp) ngày 29.5, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov xác nhận mục tiêu “ưu tiên tuyệt đối” hiện thời của chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine là đẩy quân của chính quyền Kyiv khỏi Donbass.

Trong lúc mặt trận phía đông tiếp tục ác liệt, quân đội Ukraine cho hay đã khởi động cuộc phản công ở miền nam và đạt được đà tiến đáng kể về hướng Kherson. Ông Serhii Hlan của hội đồng khu vực Kherson cho biết lực lượng Ukraine “tiếp tục các chiến dịch phản công và đẩy đối phương lùi xa khoảng 9 km ở phạm vi huyện Beryslav”.

Ông Hlan còn nói rằng các đơn vị Ukraine “bẻ gẫy đội hình của quân Nga và bao vây lực lượng này ở Davidiv Brid”. Nga cũng chưa bình luận về cập nhật này của phía Ukraine.Cũng ở miền nam, lực lượng Ukraine nói đã thực hiện thành công cuộc phản công ở phía nam Kryvyi Rih.

Nga chưa xác nhận các thông tin trên.

Hãng tin AFP ngày 30.5 dẫn lời ông Mircea Geoana, Phó tổng thư ký NATO, tuyên bố tổ chức quân sự này không còn bị ràng buộc bởi những cam kết trong quá khứ liên quan đến việc hạn chế triển khai lực lượng ở Đông Âu.Ông Geoana cho rằng Nga đã “vô hiệu hóa toàn bộ nội dung” của Đạo luật sáng lập NATO-Nga, với hành động đưa quân đến Ukraine và tạm ngừng đối thoại với khối an ninh.

Theo Đạo luật sáng lập 1997, được xây dựng nhằm thiết lập lại quan hệ giữa Nga và NATO, hai bên đồng ý hợp tác “ngăn chặn bất kỳ nguy cơ tiềm tàng nào về việc xây dựng lực lượng thông thường ở những khu vực được nhất trí của châu u, bao gồm Trung và Đông Âu”.

Với các động thái gần đây của Nga, ông Geoana cho rằng đạo luật trên đã mất đi hiệu lực.

Liên quan đến đề xuất gói cấm vận thứ 6 của Liên minh châu Âu đối với nga, các nhà ngoại giao EU ngày 29.5 cho biết họ vẫn chưa thể đạt được thống nhất về lệnh cấm vận đối với dầu mỏ của Nga, nhưng sẽ tiếp tục cố gắng.

Trước thềm hội nghị thượng đỉnh ngày 30-31.5, một nhà ngoại giao cấp cao của EU cho biết "vẫn còn quá nhiều chi tiết cần giải quyết" để đạt được một thỏa thuận, theo Reuters.

Đề xuất cấm vận dầu Nga là một phần trong gói trừng phạt thứ 6 của EU áp đặt lên Moscow.

Gói này bao gồm việc loại ngân hàng lớn nhất của Nga, Sberbank, khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, cấm các đài truyền hình Nga tham gia EU, và bổ sung thêm vào danh sách cá nhân bị đóng băng tài sản và không thể vào EU.

Toàn bộ gói trừng phạt mới này đã bị bế tắc vì Hungary. Nước này nói rằng lệnh cấm vận dầu mỏ sẽ là đòn giáng mạnh vào nền kinh tế. Slovakia và CH Czech cũng bày tỏ quan ngại tương tự.

Đàm phán về lệnh cấm vận dầu mỏ đã diễn ra trong một tháng mà không có tiến triển. Các nhà lãnh đạo muốn đạt được một thỏa thuận trước hội nghị thượng đỉnh của họ để tránh bị mất đoàn kết và thiếu nhất quán của khối trong phản ứng với Moscow.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.