Bất chấp sự mập mờ về ý nghĩa và dù giới chuyên gia quốc tế luôn khẳng định yêu sách đường lưỡi bò vi phạm luật pháp quốc tế, bản đồ phi lý này vẫn được cho xuất hiện trên hộ chiếu Trung Quốc. Với lý do thay đổi hộ chiếu thường sang loại công nghệ cao nhằm chống tình trạng giả mạo, từ tháng 5, Bộ Công an Trung Quốc đã cho in hàng loạt hộ chiếu mới có hình đường 9 đoạn, gây phản ứng mạnh từ nhiều phía. Dựa trên tỷ lệ đăng ký hộ chiếu mỗi tháng, tờ Telegraph ước tính đến nay, Trung Quốc đã in gần 6 triệu hộ chiếu mới.
Ngày 22.11, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị khẳng định việc làm của Trung Quốc vi phạm chủ quyền Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển liên quan ở biển Đông. Ông Lương Thanh Nghị cho biết Việt Nam đã trao công hàm phản đối và yêu cầu hủy bỏ những nội dung sai trái. Theo tờ Inquirer, Bộ Ngoại giao Philippines cũng đã có phản ứng tương tự và Thứ trưởng Ngoại giao Raul Hernandez khẳng định nước này sẽ không thừa nhận bất cứ công dân Trung Quốc nào.
Đến hôm qua, có thêm nhiều ý kiến phản đối, quan ngại về hành động in yêu sách phi lý đường lưỡi bò lên hộ chiếu Trung Quốc. AP dẫn lời giới quan sát nhận định hành động này khiến người ta có cơ sở để nghi ngờ những tuyên bố lâu nay của Trung Quốc về giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế và không làm phức tạp thêm tình hình. Còn theo hãng tin CAN, Hội đồng Các vấn đề Đại lục của Đài Loan (MAC) đã gọi điện phản đối động thái của đại lục. Nhà lãnh đạo Mã Anh Cửu thì ra tuyên bố kêu gọi đại lục “không đơn phương phá hoại sự ổn định hai bên bờ eo biển”. Theo AP, Đài Loan hiện không công nhận hộ chiếu từ đại lục và thay vào đó, cấp một loại giấy thông hành đặc biệt cho du khách hoặc doanh nhân Trung Quốc.
Bên cạnh đó, theo AFP, nhiều cư dân mạng Trung Quốc cũng bày tỏ lo ngại trên mạng xã hội Weibo rằng sự xuất hiện của tấm bản đồ phi pháp trên hộ chiếu sẽ làm ảnh hưởng sự đi lại của họ.
“Đường lưỡi bò” trong hộ chiếu không mang tính pháp lý Trao đổi với Thanh Niên, các chuyên gia quốc tế đều nhận định bản đồ Trung Quốc có in hình đường 9 đoạn trong hộ chiếu mới không mang bất cứ giá trị pháp lý nào như chính bản thân yêu sách “đường lưỡi bò”. Động thái mới nhất này của Trung Quốc có phải lại là biểu hiện tiếp nối của chính sách độc chiếm biển Đông, thưa ông? Tiến sĩ Euan Graham (Trường nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam, Đại học Công nghệ Nanyang - Singapore): Theo tôi đúng là như vậy. Tuy nhiên, cần phải phân biệt rất rõ: tấm hộ chiếu là một văn kiện pháp lý nhưng in thêm bất cứ cái gì lên trên đó thì phần thiết kế ấy không mang bất kỳ sức nặng pháp lý nào. Điểm mấu chốt là khi luật pháp quốc tế không thừa nhận đường lưỡi bò thì Trung Quốc có in nó vào tấm hộ chiếu phổ thông cũng chẳng thể thay đổi điều bất di bất dịch đó. Vì vậy, theo tôi, động thái này của Trung Quốc chỉ thuần túy mang tính biểu tượng mà thôi. Cũng có ý kiến lo rằng nếu các nước tham gia tranh chấp đóng dấu xác nhận vào hộ chiếu, Trung Quốc sẽ mặc nhiên cho rằng các nước này thừa nhận yêu sách “đường lưỡi bò” của mình? TS Graham: Hoàn toàn không có cơ sở để kết luận như vậy. Hãy xem ngay chính trường hợp của Trung Quốc và Đài Loan. Công dân của họ vẫn dùng hộ chiếu của riêng mình để đi lại qua eo biển Đài Loan. Nhưng Trung Quốc có bao giờ thừa nhận Đài Loan chưa và giữa họ cũng có quan hệ ngoại giao chính thức nào đâu? Do vậy, ngay cả khi hải quan Philippines hay nước nào khác đóng dấu xác nhận chính thức lên tấm hộ chiếu mới của Trung Quốc cũng không có nghĩa là thừa nhận tuyên bố chủ quyền của nước này. Vẫn có dư luận cho rằng Trung Quốc đang đi một nước cờ mới trong ván cờ biển Đông? TS Mark Valencia (Viện Nautilus, Mỹ): Về phần mình, tôi cho rằng động thái này rất mạo hiểm; có thể sẽ phản tác dụng ngay nếu các nước liên quan hợp lại từ chối không cấp thị thực cho công dân Trung Quốc nào mang tấm hộ chiếu đó. An Điền (thực hiện) |
Thụy Miên
Bình luận (0)