Bún bò “chị chiều, em sáng”
Chiều chiều, quán bún bò của 2 chị em bà Nguyễn Thị Dung (62 tuổi) và bà Nguyễn Thị Minh (55 tuổi) nằm trên con đường ẩm thực nức tiếng TP.HCM - Phan Xích Long (Q.Phú Nhuận) đều đặn khách ra vào.
Buổi sáng, bà Minh đứng bán, còn chiều thì bà Dung tất bật cùng 2 nhân viên chuẩn bị để phục vụ cho khách đến mua mang đi cũng như ăn tại đây. Hẳn vì thế mà nhiều khách nói vui rằng đây là quán bún bò “chị chiều, em sáng”.
Quán ăn không quá rộng, nhưng thoáng đãng với 4 - 5 cái bàn inox và vài chiếc ghế cho khách ngồi ăn. Phía trước, là khu vực bếp nơi chủ quán làm những tô bún bò nóng hôi hổi mang ra cho khách, được bày trí bắt mắt với đủ các loại “topping” của một tô bún bò đặc biệt.
Chỉ vào dĩa dồi chiên vàng ươm được đặt trên tủ kính, bà Dung cho biết đó chính là niềm tự hào, và cũng là điểm đặc trưng mà quán hút khách suốt hàng chục năm qua bởi hiếm có quán bún bò nào ở TP.HCM kết hợp bún bò với thành phần đặc biệt này.
Bún bò thịt ‘vét’ siêu béo ngậy khó tìm tại Sài Gòn
Mọi chuyện bắt đầu từ hơn 40 năm trước, khi bà Dung chỉ mới là một cô gái 20 tuổi. “Bữa đó tôi ăn ở quán bún bò của một cô người Huế ở Sài Gòn, thấy cô có cho dồi chiên vào. Đó giờ lần đầu tiên mình ăn bún bò mà có sự kết hợp ngộ ngộ như vậy, thấy lạ, mà ngon.
Xin bí quyết nhưng không được, tôi tự mày mò công thức nấu bún bò cũng như làm dồi chiên, rồi mở một hàng ăn nho nhỏ ở chợ Phú Nhuận để kiếm sống", người phụ nữ tóc hoa râm nhớ lại.
Ngay từ những ngày đầu buôn bán, bà chủ tâm sự rằng hàng ăn của mình được khách thương nên đông đúc. Thời điểm đó, dù chỉ là một hàng bún nhỏ nhưng có ngày bà bán tận 50 ký bún. Về sau, khi đã có điều kiện hơn và cũng vì nhiều lý do, bà dời mặt bằng sang chỗ mới. Những ngày đầu, bà còn lo việc dời mặt bằng ảnh hưởng tới việc buôn bán của mình, nhưng khách quen, khách lạ vẫn tìm tới để thưởng thức tô bún bò dồi chiên ở quán bà.
Chủ quán tiếp lời: “40 năm qua, 7 lần tôi đổi mặt bằng vì nhiều lý do, nhưng chủ yếu là do chủ không cho thuê nữa. Tôi chuyển từ Phú Nhuận, Bình Thạnh rồi Q.1… nhưng càng đổi chuyển mặt bằng dường như tôi lại càng buôn bán được hơn, phất hơn. Chắc là do trời thương, và cả khách thương nữa. Mặt bằng quán hiện tại cũng được 10 năm rồi, cũng có duyên nên tôi ổn định ở đây luôn".
“Quán này độc nhất Sài Gòn”
Càng về chiều tối, khách tìm tới quán ngày một đông đúc hơn. Bà Dung cũng cùng nhân viên nhanh tay lẹ chân làm liên tục, để khách không phải chờ đợi lâu. Ở đây, giá mỗi tô bún bò dồi chiên đầy đủ là 50.000 đồng và tô đặc biệt giá 70.000 đồng bao gồm chả cua, chả lá, gân, dồi, bò, giò heo…
“Dồi là đặc trưng ở đây, được chế biến theo công thức riêng không giống với bất kỳ đâu. Sự kết hợp thành phần này vào tô bún cũng là bí quyết để khách tìm tới và ghé quán suốt những năm qua, có cả những khách ăn của mình hồi ở những chi nhánh trước", bà chủ bật mí.
Trong số những khách “ruột” tại quán ăn này, có chị Lê Thị Bích Hạnh (38 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh). Chiều nay, chị ghé mua một phần bún bò đầy đủ, thêm một phần dồi chiên riêng vì chị và người thân cũng thích ăn dồi ở đây. Biết đến quán vì ngày xưa có người em làm nhân viên tại đây, suốt 3 - 4 năm nay, hầu như tuần nào chị cũng ghé mua ăn 2 - 3 lần.
“Tôi làm đầu bếp, mở quán ăn nên khẩu vị cũng khắt khe nha. Nhưng bún bò ở đây ăn được, hương vị đậm đà, ngon. Tôi ủng hộ quán dài dài", chị cười nói, rồi hỏi thăm tình hình buôn bán của bà chủ.
Lát sau, ông Mai Văn Hùng (54 tuổi, ngụ Q.1) ghé đây mua 3 lạng dồi chiên. Trong một lần đi xe ngang con đường ẩm thực Phan Xích Long này, vô tình thấy dĩa dồi chiên để trước quán hấp dẫn nên ông ghé mua, rồi từ đó “kết" quán này luôn.
Ông nhận xét đây là quán bún bò “độc nhất ở Sài Gòn” vì chưa thấy quán nào bán bún bò mà ăn với dồi. “Con gái tôi thích ăn dồi ở đây nên mua, giá cũng không quá cao, mỗi lạng 50.000 đồng”, vị khách nhận xét.
Hàng bún bò này là tâm huyết của chị em bà Dung.
Với bà Dung và bà Minh, hàng bún bò này là tâm huyết, là cuộc đời của mình. Nhờ có nó, bà có một cuộc sống “không phải nói là giàu, nhưng đầy đủ”. Dù không còn trẻ, nhưng 2 chị em họ cho biết vẫn sẽ cố gắng mỗi ngày để mang đến tô bún chỉn chu nhất cho khách, và cũng hạn chế “dời mặt bằng", để khách không phải… đi tìm.
Bình luận (0)